Chuyện không mới…


Thành phố Hà Nội vừa yêu cầu các đơn vị ra quân xóa bỏ các điểm chiếm dụng vỉa hè để làm nơi kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện trái phép. Cụ thể, Ban Chỉ đạo 197 Thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch về tổng kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn năm 2023. Theo đó, các cơ quan chức năng thành phố sẽ kiểm tra toàn diện về những nội dung trên trong phạm vi toàn địa bàn; phát hiện, xử lý tất cả các hành vi vi phạm trên lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông, đô thị, công cộng để tạo tính răn đe. Mục tiêu là kiên quyết xóa bỏ các điểm hè phố, lòng đường bị chiếm dụng trái phép để làm nơi kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện, trả lại nguyên trạng hè phố với phương châm “giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ”.

Đây không phải là lần đầu tiên Thành phố Hà Nội ra quân để “giành lại vỉa hè” cho người đi bộ. Song, chỉ sau một thời gian, khi phong trào lắng xuống, hoặc vắng bóng lực lượng chức năng thì tình trạng chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh buôn bán lại diễn ra như cũ. Báo chí và dư luận cũng đã rất nhiều lần lên tiếng về tình trạng người dân buôn bán tràn lan trên vỉa hè các tuyến phố ở quận nội thành Hà Nội như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy… Tại các khu phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm, người dân còn tận dụng từng mét vuông vỉa hè để bày bán đủ thứ hàng hóa. Rất nhiều hàng quán ngang nhiên lấn chiếm vỉa hè để làm nơi buôn bán. Thậm chí tại một số khu vực, người dân, doanh nghiệp còn lấn chiếm không gian chung, tự ý xây dựng và cải tạo vỉa hè, buộc người dân, du khách phải đi xuống lòng đường. Điển hình như loạt vi phạm tại số 44 đường Yên Phụ, quận Ba Đình (Hà Nội), mà Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có bài phản ánh trước đây. Điều này không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến các vụ tai nạn giao thông.

Vỉa hè tại số 44 đường Yên Phụ, quận Ba Đình (Hà Nội) bị chiếm dụng làm chỗ để xe. (Ảnh: Trường Quân).

Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, thời điểm đầu năm 2017, khi ông Đoàn Ngọc Hải (khi đó là Phó Chủ tịch UBND quận 1) trực tiếp dẫn đầu đoàn công tác gồm Quản lý trật tự đô thị, Công an quận 1 ra quân, chỉ đạo xử lý nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường thì tình trạng này đã có một số chuyển biến tích cực. Tinh thần "giành lại vỉa hè" cũng lan ra nhiều địa bàn khác của Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau, tình trạng lấn chiếm, sử dụng trái phép vỉa hè, lòng đường lại tiếp tục tái diễn bất chấp những nỗ lực của cơ quan chức năng các cấp.

Có thể thấy, vì nhiều nguyên nhân, “giành lại vỉa hè” cho người đi bộ dường như đã trở thành vấn đề chung, là bài toán nan giải đặt ra đối với Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều đô thị khác ở nước ta hiện nay. Theo các chuyên gia, chức năng của vỉa hè là để phục vụ người đi bộ. Song, do việc quản lý, sử dụng không chặt chẽ và ý thức của một bộ phận người dân nên vỉa hè nhiều tuyến phố bị lấn chiếm làm nơi đỗ xe, kinh doanh buôn bán, mất đi diện tích dành cho người đi bộ. Lấy lại vỉa hè là vấn đề cần thiết, mang tính khách quan. Tuy nhiên, “điệp khúc” ra quân xử lý rồi lại tái diễn vi phạm trong nhiều năm qua đã đặt ra yêu cầu cần có sự kiên quyết, quyết liệt, kiên trì trong việc xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè.

Cần có cách tiếp cận toàn diện

Từ góc nhìn quản lý, nhiều ý kiến cho rằng, để xử lý có hiệu quả tình trạng lấn chiếm, sử dụng vỉa hè trái quy định thì cần có cách tiếp cận toàn diện; tức là ngoài lợi ích cộng đồng, phải tính đến những con người, gia đình đang “sống nhờ” vào vỉa hè. Do thói quen sinh hoạt, tại các đô thị lớn hiện nay, vỉa hè đang là nơi mưu sinh của rất nhiều người, trong đó có những người yếu thế như người già, trẻ em, người khuyết tật... Vì vậy, bên cạnh quyết tâm “giành lại vỉa hè” thì rất cần các chính sách hỗ trợ cho những người đang lấy vỉa hè làm sinh kế để thay đổi thói quen buôn bán của họ trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích giữa cộng đồng, người dân và các hộ kinh doanh.

Hiện, một phương án đưa ra đang thu hút sự quan tâm của dư luận đó là thu phí sử dụng vỉa hè của các hộ kinh doanh. Một phần vỉa hè cố định được dùng để phục vụ việc đi lại của người dân, phần còn lại các hộ kinh doanh sẽ phải đóng phí nếu muốn sử dụng. Nguồn tiền thu được sẽ dùng vào việc tu tạo, sửa chữa vỉa hè và các hoạt động công cộng khác.

Thực tế, một số nước trên thế giới cũng đã tiến hành thu phí sử dụng vỉa hè và phí đỗ xe ở lề đường tính theo giờ. Đơn cử như tại Pháp, các quán cà phê và nhà hàng sử dụng vỉa hè để kinh doanh đều phải xin phép và phải trả phí, tùy theo khu vực và địa hình. Càng vị trí trung tâm, thì mức phí càng cao. Ví dụ, tại những phố trung tâm của Paris như đại lộ Champs-Elysées, mức phí thuê dưới 1/3 vỉa hè để đặt bàn ghế cố định xấp xỉ 100 euro/m2/năm, trên 1/3 vỉa hè và ở các phố đi bộ là 300 euro/m2/năm… Nguồn thu từ các loại phí này đã góp phần vào việc chỉnh trang, duy trì hạ tầng và dịch vụ công ích của Paris.

Liên quan đến việc “giành lại vỉa hè” cho người đi bộ, nhiều ý kiến cho rằng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và ý thức trách nhiệm của mỗi công dân. Cùng với công tác tuyên truyền, giáo dục, cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở tại các thành phố lớn cần nghiên cứu một cách tổng thể, có giải pháp phù hợp trong việc bảo đảm đời sống cho những người dân thường xuyên kinh doanh, buôn bán trên vỉa hè. Có thể quy hoạch, bố trí vị trí buôn bán tập trung cho người bán hàng rong theo hướng xã hội hóa, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư mặt bằng, không gian và thu phí với giá phù hợp. Qua đó, vừa bảo đảm sinh kế cho họ, vừa hạn chế nguy cơ vỉa hè bị tái lấn chiếm.

Đồng thời, cần nghiên cứu thực hiện thí điểm việc cho các hộ kinh doanh, các hộ ở mặt đường sử dụng có thu phí đối với một phần diện tích vỉa hè (tại các khu vực phù hợp). Theo nhiều chuyên gia, việc thu phí sử dụng vỉa hè sẽ là biện pháp nhằm quản lý tốt hơn và tạo nguồn kinh phí cho việc bảo trì, vệ sinh, cải tạo lại một số hạng mục hạ tầng công cộng. Nếu làm tốt vấn đề này, sẽ mang lại hiệu quả “kép”, không chỉ giúp một bộ phận người dân có công ăn việc làm ổn định, hợp pháp, mà còn tạo thêm nguồn thu ngân sách, tạo cơ sở để quản lý trật tự đô thị tốt hơn.

Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý những cá nhân cố tình lấn chiếm, sử dụng trái phép vỉa hè; ngăn chặn và xử lý nghiêm những biểu hiện dung túng, bao che, “bật đèn xanh” cho các sai phạm liên quan đến quản lý, sử dụng vỉa hè./.

Thùy Linh