Huyện Ba Vì đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba.



Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội; Ngô Thị Thanh Hằng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Phan Văn Hùng, Phó Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Đào Đức Toàn, Trợ lý phụ trách Văn phòng Tổng Bí thư, nguyên Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội…

Báo cáo tại buổi lễ, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết: Trong nhiều năm qua, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Ba Vì luôn đoàn kết, chung sức đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu để đạt được kết quả toàn diện. Ghi nhận những đóng góp của huyện, Đảng, Nhà nước đã khen thưởng cán bộ và nhân dân với nhiều danh hiệu cao quý như: “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Huân chương Độc lập hạng Ba; 4 Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Cờ thi đua của Chính phủ, Cờ thi đua của thành phố; Công an huyện và 18 xã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; có 483 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Nhiều tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương, Huy chương các hạng và nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp, các ngành…

Đặc biệt, thực hiện Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới với sự chỉ đạo của Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, huyện Ba Vì đạt rất nhiều kết quả. Công tác quy hoạch của huyện đã phê duyệt đồ án quy hoạch nông thôn mới của 30/30 xã năm 2012. Xây dựng hạ tầng được xác định là động lực, tiền đề để phát triển, trong đó huyện đã bố trí và huy động vốn thực hiện đầu tư với hơn 9.943 tỷ đồng. Đặc biệt, vốn đóng góp từ nhân dân đạt trên 329 tỷ đồng để xây mới, cải tạo nâng cấp hơn 1.000 km đường giao thông, 400 km rãnh thoát nước ở khu dân cư cũng như cải tạo, xây mới 230 km kênh mương; xây dựng mới và cải tạo sửa chữa 110 trường học, 30/30 xã có hội trường; 208/208 thôn có nhà văn hóa thôn; 28 chợ; 30/30 trạm y tế xã...

Phát triển kinh tế được coi là nhiệm vụ trọng tâm, với lợi thế vị trí và địa hình đẹp, huyện có nhiều địa điểm du lịch sinh thái, tâm linh, nghỉ dưỡng thu hút trên 2,5 triệu lượt khách/năm, đem lại giá trị kinh tế cao, tạo việc làm ổn định cho hơn 2.000 người, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng du lịch dịch vụ. Thu nhập bình quân toàn huyện năm 2022 đạt 55,6 triệu đồng/người/năm (tăng 43,1 triệu đồng so với năm 2010). Kinh tế của huyện liên tục tăng trưởng và phát triển, giai đoạn 2011-2015 tăng 5,9%; giai đoạn 2016-2020 tăng 9,8%/năm.

Với lợi thế về tự nhiên, huyện có nhiều địa điểm du lịch sinh thái, tâm linh, nghỉ dưỡng, thu hút hơn 2,5 triệu lượt khách/năm, đem lại giá trị kinh tế cao, tạo việc làm ổn định cho hơn 2.000 người, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng du lịch, dịch vụ.

Để nâng cao chất lượng sống cho người dân, huyện đã triển khai phong trào và cuộc thi “Thôn, ngõ xóm sáng, xanh, sạch, đẹp và an toàn”. Đến nay, huyện đã huy động xã hội hóa được hơn 90 tỷ đồng; vận động 294 hộ dân hiến đất mở rộng đường với tổng số 7.974m2, lắp đặt 81.319 đèn chiếu sáng, trồng mới 75.788 cây xanh…

Với những kết quả trên, ngày 4/7/2023, Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Ba Vì do có thành tích xuất sắc trong công tác giảm nghèo và công tác dân tộc trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2022, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Ngày 13/9/2023, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định công nhận huyện Ba Vì đạt chuẩn nông thôn mới.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội chúc mừng, biểu dương sự nỗ lực, phấn đấu trong xây dựng nông thôn mới của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Ba Vì.

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cho rằng: Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, mặc dù còn nhiều khó khăn do đặc điểm tự nhiên và ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, thành phố, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, huyện Ba Vì tích cực triển khai thực hiện chương trình một cách chủ động, sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực.

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cho biết: Định hướng Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ đầu tư trục Hồ Tây - Ba Vì. Đây là trục đường được kỳ vọng góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, tạo chuỗi đô thị xanh, hiện đại dọc 2 bên tuyến đường, kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh. Tuyến đường sẽ là tiền đề quan trọng để huyện phát triển kinh tế - xã hội.

Thời gian tới, huyện Ba Vì cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt và xây dựng kế hoạch, chương trình triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương, thành phố và huyện; khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng và bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng…

Đặc biệt, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện cần tiếp tục chỉ đạo các xã đã đạt nông thôn mới tiếp tục có kế hoạch xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Giai đoạn 2020-2025, huyện Ba Vì phấn đấu có 13 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 3 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, kết hợp thực hiện các chương trình mục tiêu dành cho khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.../.

Nam Khánh