Quang cảnh hội nghị.
Sáng 11/1, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (TP) Hà Nội khoá XVII tiến hành Hội nghị lần thứ mười một xem xét, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng. Đây là hội nghị đầu tiên của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố trong năm 2023 - năm có ý nghĩa bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP nhiệm kỳ 2020-2025.
Bàn chương trình kế hoạch thực hiện 10 nghị quyết của Trung ương
Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội nghe và cho ý kiến về: Báo cáo kết quả thực hiện công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023; báo cáo kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo năm 2022 của Ban Thường vụ Thành ủy; báo cáo công tác tài chính của Đảng bộ TP Hà Nội năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.
Đặc biệt, hội nghị sẽ thảo luận, cho ý kiến thông qua các kế hoạch, chương trình hành động của Thành ủy thực hiện 10 nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị vừa được ban hành thời gian qua.
Đó là 3 nghị quyết được thông qua tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII): Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Đó còn là 3 nghị quyết được thông qua tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII), gồm: Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ngoài ra, còn 4 nghị quyết của Bộ Chính trị, cụ thể là: Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30/8/2022 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong thực hiện
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, những nội dung trình Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP lần này là những nội dung có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định đến công tác xây dựng đảng, hệ thống chính trị, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy và một số lĩnh vực thiết yếu của Thủ đô năm 2023 và những năm tiếp theo.
Đề cập đến kết quả thực hiện công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2022 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, Bí thư Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Đây cũng là năm TP có nhiều biến động về công tác cán bộ; Đảng bộ TP triển khai các nhiệm vụ chính trị trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, song cũng có không ít khó khăn, thách thức đan xen. Nhưng, với quyết tâm, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, quyết liệt thực hiện chủ đề công tác năm 2022 của Thành phố là: “Kỷ cương - Trách nhiệm - Hành động - Sáng tạo - Phát triển”, Thành ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, sáng tạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, đạt được kết quả toàn diện, nổi bật trên nhiều lĩnh vực.
Đáng chú ý, Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa, quán triệt thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, TP, đồng thời ban hành nhiều văn bản mới về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và công tác cán bộ; triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm, những nhiệm vụ có tính chất chiến lược, căn cơ, lâu dài, liên quan đến sự phát triển của Thủ đô trong giai đoạn tới như: Tổng kết Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 06/01/2012 của Bộ Chính trị khóa XI và đề xuất Bộ Chính trị khóa XIII ban hành Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; nghiên cứu lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 định hướng đến năm 2050; tổng kết, đề xuất sửa đổi Luật Thủ đô; triển khai quyết liệt các công việc để thực hiện dự án đường vành đai 4 - Vùng thủ đô…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả toàn diện và đáng khích lệ đã đạt được trong năm qua, Hà Nội thẳng thắn thừa nhận vẫn còn những hạn chế, tồn tại trong công tác xây dựng đảng, hệ thống chính trị. Do đó, đòi hỏi cần nhìn nhận, đánh giá đúng tình hình để đưa ra được những giải pháp, những quyết sách đúng và trúng trong thời gian tới.
Trên tinh thần đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của TP. Dự báo các yếu tố có thể tác động và ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của TP. Đồng thời, phân tích, đánh giá sâu về các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và chỉ ra các nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế, nhất là các nguyên nhân chủ quan để đề xuất, bổ sung các giải pháp, phương hướng khắc phục có tính đột phá, tính hiệu quả và tính khả thi cao. Trong đó cần đặc biệt chú trọng lựa chọn, đề xuất những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong năm 2023.
Về Báo cáo kiểm điểm của Ban Thường vụ Thành ủy năm 2022, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy đã tổ chức kiểm điểm tập thể và cá nhân các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy năm 2022 trong các ngày 28 và 29/12/2022, bảo đảm chất lượng và tiến độ theo yêu cầu, bám sát nội dung nêu trong Quy định, Hướng dẫn của Trung ương.
Trong năm qua, Ban Thường vụ Thành ủy luôn đoàn kết, chung sức, đồng lòng, bản lĩnh, quyết tâm cao, hành động quyết liệt thực hiện nhiệm vụ theo phân cấp, ủy quyền của Thành uỷ. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức, phong cách lãnh đạo, điều hành theo hướng khoa học, dân chủ, sâu sát cơ sở. Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, phát huy trí tuệ tập thể, trách nhiệm cá nhân…
Quyết liệt, quyết đoán, bình tĩnh, thận trọng nhưng cũng rất khẩn trương, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm, cầu thị, sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý xác đáng để kịp thời điều chỉnh bất cập, vướng mắc, phù hợp với tình hình thực tiễn của Thành phố. Lựa chọn những việc khó, tồn tại từ nhiều năm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và quyết liệt, thực chất trong việc tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn góp phần tạo chuyển biến tích cực cả hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở.
Thực hiện Quy chế làm việc của Thành ủy, với tinh thần trách nhiệm vì công việc chung của TP, Bí thư Thành uỷ Hà Nội đề nghị các đại biểu tích cực tham gia, cho ý kiến về kết quả kiểm điểm, tự phê bình và phê bình của Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy năm 2022. Đặc biệt là phân tích, đánh giá sâu các hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân và đóng góp các giải pháp khả thi, hiệu quả để giúp Ban Thường vụ Thành ủy tiếp thu, xây dựng Kế hoạch, quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục bằng được những hạn chế, tồn tại đã được chỉ ra trong năm 2022.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc hội nghị.
Về Báo cáo công tác tài chính của Đảng bộ TP Hà Nội năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng cho biết, công tác quản lý tài chính, tài sản của Đảng bộ Thành phố đã được thực hiện theo đúng Luật Ngân sách nhà nước, các quy định của Đảng và Nhà nước. Kết quả kiểm tra của Kiểm toán Nhà nước và kiểm tra chuyên đề của Văn phòng Thành ủy đối với công tác quản lý tài chính, tài sản tại các quận huyện thị uỷ năm 2022 vừa qua đã đánh giá công tác quản lý tài chính của Thành ủy có nhiều ưu điểm…
Tuy nhiên, công tác quản lý tài chính, tài sản tại các cơ quan, đơn vị của Thành ủy Hà Nội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, như: công tác mua sắm, sửa chữa tài sản còn thiếu sót; công tác quản lý tài sản công có lúc, có việc còn chậm chễ, đến nay phương án sắp xếp xử lý ô tô của Thành ủy và Đề án sắp xếp, xử lý tài sản là đất, trụ sở của Thành ủy chưa được phê duyệt; quy chế giám sát đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp chưa được ban hành...
Từ đó, Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng đề nghị các đại biểu tham gia, cho ý kiến đóng góp các giải pháp để giúp Ban Thường vụ Thành ủy hoàn thiện và phê duyệt “Phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất của các cơ quan của Đảng thuộc Thành ủy Hà Nội”; các giải pháp để Văn phòng Thành ủy có thể thực hiện đầy đủ chức năng giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động doanh nghiệp Đảng theo Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 06/10/2015 của Chính phủ về giám sát đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp; cho ý kiến về chủ trương, định hướng chuyển đổi mô hình tổ chức và tái cơ cấu, sắp xếp lại các công ty TNHH một thành viên do Thành ủy Hà Nội nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Về các kế hoạch, chương trình hành động của Thành ủy thực hiện các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương và một số Nghị quyết của Bộ Chính trị khóa XIII, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu kỹ, tập trung thảo luận, cho ý kiến cụ thể về: Kết cấu của các kế hoạch, chương trình hành động có đảm bảo phù hợp và đồng bộ, thống nhất với nhau. Về các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra tại các kế hoạch, chương trình hành động có đảm bảo phù hợp với các mục tiêu, chỉ tiêu được đề ra tại các Nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị.
Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu có đảm bảo bao quát đầy đủ và cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo, các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại các Nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị. Về chỉ đạo tổ chức thực hiện, phân công nhiệm vụ, lộ trình, tiến độ, các đồng chí cho ý kiến đã đầy đủ và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị hay chưa.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Những nội dung trình Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP lần này là những nội dung có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định đến công tác xây dựng đảng, hệ thống chính trị, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy và một số lĩnh vực thiết yếu của Thủ đô năm 2023 và những năm tiếp theo. Do đó, đồng chí đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, tập trung nghiên cứu, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, xác đáng để hoàn thiện các Báo cáo, dự thảo các kế hoạch, chương trình hành động của Thành ủy thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, dự thảo Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp.
Sau phát biểu khai mạc của Bí thư Thành ủy, các ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội tiến hành thảo luận tại tổ về các Tờ trình, Dự thảo Chương trình, Nghị quyết được trình tại Hội nghị.
Theo chương trình hội nghị, sáng 11/1, các đại biểu sẽ chia thành 4 tổ thảo luận và tiến hành thảo luận tại tổ về các nội dung theo kế hoạch. Chiều 11/1, các đại biểu sẽ tiến hành thảo luận tại hội trường./.