Quảng trường Ba Đình lịch sử hôm nay.
Kỳ nghỉ Lễ năm nay, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cả nước được nghỉ 4 ngày liên tục, đây là khoảng thời gian thuận lợi để bạn và người thân, cùng bạn bè của mình tới thăm quan những địa điểm lý tưởng tại Thủ đô Hà Nội.
Đến với Thủ đô thân yêu, không thể không nhắc đến quảng trường Ba Đình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2/9/1945. Quảng trường Ba Đình và Lăng Bác một quần thể kiến trúc, lịch sử, văn hóa thống nhất, kết nối và lan tỏa những tư tưởng sáng ngời của Người.
Lăng Bác nơi nhiều người dân cả nước hướng về Người. Vào lăng viếng Bác, khách thăm quan không chỉ được bày tỏ tấm lòng thành kính với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, mà còn được thăm quan nhà sàn, vườn cây, ao cá - nơi Bác từng làm việc và sinh hoạt.
Trong dịp này Nhân dân Thủ đô và du khách có dịp thăm và tìm hiểu về ngày Quốc khánh 2/9 – sự trọng đại của đất nước qua nhiều hoạt động giới thiệu lịch sử, văn hóa. Đặc biệt là thăm quan các di tích cách mạng, đang được thành phố bảo tồn và lưu giữ, giúp giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng Việt Nam, ôn lại những ngày tháng hào hùng của cuộc cách mạng mùa thu tháng Tám năm 1945, khi đất nước chuyển mình bước sang một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên của Độc lập, Tự do, Hạnh phúc.
Nhà Di tích 48 phố Hàng Ngang, Hà Nội.
Một trong những địa chỉ đỏ cách mạng tháng Tám là ngôi nhà 48 phố Hàng Ngang, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Sau khi từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội, ngày 25/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập tại đây. Sau đó bản Tuyên ngôn Độc lập đã được Người trịnh trọng tuyên bố trước hơn 50 vạn đồng bào Thủ đô và thế giới vào ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử.
Để đáp ứng tình cảm kính trọng và tri ân của nhân dân đối với Bác, năm 1970 ngôi nhà 48 Hàng Ngang được khôi phục lại làm Nhà lưu niệm. Năm 1979, được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia theo Quyết định số 54/QĐ-VH ngày 29/4/1979.
Chiếc bàn Bác Hồ sử dụng khởi thảo bản Tuyên ngôn Độc lập, năm 1945.
Tại di tích đang trang trọng lưu giữ chiếc bàn Bác đã sử dụng khởi thảo bản Tuyên ngôn Độc lập, để vào ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đã trang trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân đồng bào cả nước và toàn thể nhân loại trên thế giới, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Di tích còn trưng bày nhiều đồ vật khác của Bác Hồ và các bậc lão thành cách mạng như bộ quần áo kaki Bác đã mặc trong lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945; chiếc vali mây Bác đã sử dụng tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang; cùng nhiều hiện vật, ảnh tư liệu quý về lịch sử cách mạng Việt Nam.
Cột cờ Hà Nội xây dựng từ thế kỷ 19, trải qua hơn 200 năm, đến nay công trình vẫn uy nghi, bền vững giữa trung tâm Thủ đô, mang dáng vẻ trầm mặc, nhuốm màu thời gian. Đây là một trong những điểm du lịch hấp dẫn của Hà Nội thu hút đông đảo du khách cả trong và ngoài nước.
Một địa danh lịch sử khác đó là cột cờ Hà Nội, tại 28 Điện Biên Phủ (Ba Đình - Hà Nội). Đây là một “chứng nhân lịch sử” của Thủ đô về sự kiên cường, bất khuất của Nhân dân Thủ đô trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp oanh liệt. Năm 1945, sau khi Cách Mạng Tháng Tám thành công, lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng được tung bay trên đỉnh cột cờ Hà Nội. Năm 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi hoàn toàn, lá Quốc kỳ lại một lần nữa tung bay giữa bầu trời Hà Nội.
Quảng trường Cách mạng Tháng Tám đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị về lịch sử văn hóa.
Nhà Hát lớn Hà Nội, quận Hoàn Kiếm - nơi diễn ra những sự kiện lịch sử trọng đại gắn liền với cuộc Cách mạng Tháng 8 và những năm đầu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 29/8/1945 Đoàn quân giải phóng Việt Bắc về Hà Nội ra mắt tại Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội. Vào ngày 2/9/1946 tại đây diễn ra cuộc mít tinh kỷ niệm 1 năm chính quyền Việt Nam dân chủ cộng hòa, cũng là ngày Bác Hồ lần đầu tiên tới Quảng trường, vào Nhà hát Lớn Hà Nội. Cho đến năm 1994, nơi đây chính thức mang tên Quảng trường Cách mạng Tháng Tám.
Cầu Long Biên - 120 năm soi bóng nước sông Hồng.
Trong hành trình qua những di tích cách mạng, Cầu Long Biên một “chứng nhân lịch sử” của Hà Nội. Năm 1945, cây cầu là nhịp dẫn đưa hàng nghìn người dân ngoại ô đến với Quảng trường Ba Đình để nghe Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập vào ngày 2/9/1945
Đi qua 3 thế kỷ, chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử, cầu Long Biên vẫn nối những bờ vui, trở thành một điểm nhấn độc đáo trong không gian văn hóa của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Phố phường Hà Nội rực rỡ cờ đỏ sao vàng, pa nô, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền, cổ động chào mừng ngày Lễ lớn của đất nước.
Đường Thanh Niên (Ba Đình - Hà Nội).
Mặt nước hồ Gươm xanh hơn trong mùa thu tháng Tám.
Bên cạnh thăm quan các di tích cách mạng gắn với dấu ấn về Ngày Quốc khánh 2/9, du khách có dịp tìm hiểu không gian văn hóa Hà Nội qua nhiều địa danh nên thơ. Một trong số đó là hồ Gươm. Mỗi dịp nghỉ lễ 2/9, nơi đây được thành phố trang hoàng rực rỡ, nơi tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí thú vị. Trong không gian phố đi bộ hồ Gươm, có khu phố cổ liền kề, có ẩm thực phong phú, đa dạng và hấp dẫn. Nếu không đi đâu xa thì hồ Gươm là một lựa chọn lý tưởng đối với du khách thăm quan Thủ đô trong kỳ nghỉ lễ 2/9 này.
Tây Hồ với những công trình hiện đại.
Hồ Tây, quận Tây Hồ, nằm ngay trung tâm Thủ đô Hà Nội, lại gần Lăng Bác, và các trung tâm thương mại, các điểm vui chơi, giải trí, ẩm thực, nên cũng là địa điểm thu hút du khách. Bên hồ Tây có quần thể các di tích lịch sử, văn hóa lâu đời gắn với dấu ấn hơn ngàn năm văn hiến của đất Thăng Long - Hà Nội như đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc, chùa Vạn Niên, phủ Tây Hồ, chùa Tảo Sách… Hồ Tây có khung cảnh vô cùng thơ mộng, đẹp nhất ở thời điểm hoàng hôn.
Những ai đó đã từng dạo qua con phố Phan Đình Phùng (Ba Đình – Hà Nội) vào khoảng thời gian này chắc hẳn còn vương vấn dư vị nồng nàn của mùa thu Hà Nội.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.
Trên hành trình thăm quan những công trình kiến trúc cổ kính, du khách có thể thăm Nhà thờ Lớn, phường Hàng Trống (Hoàn Kiếm). Địa danh này hấp dẫn du khách bởi kiến trúc đậm chất Gothic, vừa tráng lệ, vừa cổ kính, có không gian rộng rãi, thoáng đãng, nơi người dân Thủ đô thường xuyên tới vào dịp nghỉ lễ.
Khu vườn tháp chùa Trấn Quốc (Ba Đình - Hà Nội).
Kiến trúc Đông Dương một đặc trưng trong vẻ đẹp đô thị Hà Nội.
Đền Ngọc Sơn (Hoàn Kiếm - Hà Nội) một điểm đến thu hút du khách khi tới thăm Hà Nội.
Không gian văn hóa Hà Nội còn có nhiều công trình kiến trúc, di tích lịch sử, văn hoá tiêu biểu khác như Hoàng thành Thăng Long - Di sản văn hóa thế giới, Phủ Chủ tịch, Di tích quốc gia đặc biệt chùa Một Cột, chùa Báo Ân, Tứ trấn Thăng Long gồm 4 ngôi đền Bạch Mã, đền Voi Phục, đền Kim Liên và đền Quán Thánh. Ngoài ra còn nhiều điểm đến văn hóa, các công trình kiến trúc hiện đại thể hiện một Thủ đô Hà Nội năng động, hiện đại, đang vươn mình mạnh mẽ, trong hội nhập quốc tế như như cầu Nhật Tân, Bảo tàng Hà Nội, Công viên nước Hồ Tây, Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô – Sơn Tây – Hà Nội), ngoại thành Ba Vì nơi không xa trung tâm Thủ đô, có nhiều khu du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí hấp dẫn du khách.
Ngày Quốc khánh 2/9, một dấu mốc thiêng liêng với bất cứ trái tim Việt Nam nào, thăm Hà Nội dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Quốc khánh 2/9 (1945-2023) với mỗi người lại có một cách riêng để kỷ niệm, để mừng, để hồi tưởng. Nhưng trên hết là cảm nhận vẻ đẹp Hà Nội, cảm nhận nét trang nhã, thanh lịch trong đời sống, kiên cường, hiên ngang trong chiến tranh của người dân Thủ đô, qua đó giúp mỗi du khách thêm trân trọng và tin yêu Thủ đô Hà Nội – trái tim của cả nước./.