Hướng tới kỷ niệm 25 năm danh hiệu “Hà Nội - Thành phố vì Hòa Bình” và thực hiện Nghị quyết số 09 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa, sáng 28/4, UBND phường Hàng Trống cùng Viện nghiên cứu da giầy, Hội da giầy TP Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu phát triển làng nghề da giầy Việt Nam tổ chức Lễ dâng hương và khai mạc các hoạt động tôn vinh, quảng bá nghề thủ công da - giày tại Đình Phả Trúc Lâm.

Hoạt động được tổ chức với mong muốn nhân dân và du khách được tham quan, trải nghiệm các kỹ thuật thực hành thủ công truyền thống của ngành da - giày - túi xách cũng như quảng bá giá trị của Đình Phả Trúc Lâm - ngôi đình được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX để phụng thờ các Tổ nghề da - giày.

Nghệ nhân trình diễn nghề da - giày tại Đình Phả Trúc Lâm. (Ảnh: Ngô Trần)


Cụ thể, tiếp tục thực hiện đề án “Tổ chức lễ hội truyền thống trong khu phố cổ và khu vực Hồ Hoàn Kiếm” của UBND quận, căn cứ kế hoạch của UBND phường Hàng Trống về việc tổ chức các hoạt động về việc phát huy giá trị tại di tích Đình Phả Trúc Lâm trên địa bàn phường, nhằm góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, hoạt động tôn vinh, quảng bá nghề thủ công da giầy được triển khai trong hai ngày 28 - 29/4/2023 tại địa bàn với hoạt động: Dâng hương tại Đình Phả Trúc Lâm, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm da - giầy và trình diễn nghề da - giày thủ công trong khuôn viên đình.

Có thể thấy, trong sự nghiệp đổi mới của đất nước, việc bảo vệ, phát huy các giá trị di tích lịch sử thờ phụng các vị anh hùng có công đánh giặc giữ nước, các vị tổ nghề... là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc cần được khơi dậy.

 Các đại biểu tham dự chương trình. (Ảnh: Ngô Trần)


Chia sẻ về hoạt động ý nghĩa này, ông Phạm Hồng Việt, Chủ tịch Hội da giày TP Hà Nội cho biết, ngành da - giày Việt Nam đã đóng góp vào giá trị sản xuất và xuất khẩu đứng thứ 5 của cả nước. Dịp này, ông Phạm Hồng Việt bày tỏ hy vọng các hoạt động dâng hương, biểu diễn làng nghề đối với ngành da - giầy sẽ được thực hiện thường xuyên, từ đó, đóng góp một phần nhỏ cho quảng bá du lịch của Thủ đô Hà Nội.

Có mặt tại chương trình, nghệ nhân Lê Văn Thịnh, sinh năm 1938, học nghề da giầy từ năm 1950 đã bày tỏ tự hào về “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” và gửi gắm thông điệp về nuôi dưỡng đam mê, cần cù, chịu khó học hỏi tới các bạn trẻ hiện đại trong việc học tập, theo đuổi nghề thủ công truyền thống nói chung trong đó có nghề da - giày nói riêng.

 Bà Stella Ciorra, Tổ chức Những người bạn di sản của Việt Nam bên các sản phẩm da - giày trưng bày tại sự kiện. (Ảnh: Ngô Trần)


Trình diễn nghề thủ công da - giày tại đình, nghệ nhân Nguyễn Thanh Nhàn, sinh năm 1976, làm nghề giày - da từ năm 1992 tâm sự, từ lúc học nghề đến lúc làm nghề, cần không ngừng học hỏi, trau dồi nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, chắc chắn sẽ có thành công. Hiện tại, 3 người con của nghệ nhân Thanh Nhàn đều đam mê và theo đuổi nghề của bố. “Bố truyền đam mê theo đuổi nghề cho các con từ hồi cấp II. Tuy nhiên, cũng phải thấy, để truyền nghề làm da giày thủ công tới các bạn trẻ hiện nay là rất khó khăn vì nghề đòi hỏi sự cầu kỳ, chịu khó, tỷ mẩn, ngồi một chỗ không phải là sở trường của các bạn…” - anh Thanh Nhàn nói./.

Hà Anh