Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Tọa đàm. (Ảnh:TH)


Thiết thực chào mừng dịp kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội và Đại hội Đảng bộ Thành phố (TP) Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 và thúc đẩy thực hiện các cam kết của Hà Nội với tư cách là thành viên của “Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO”, sáng 02/10, TP Hà Nội phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm cấp cao “Tham vấn về sáng kiến: Hà Nội - Thành phố sáng tạo” tại Hà Nội.

Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội chủ trì buổi tọa đàm. Tham dự buổi tọa đàm đồng chí Lê Hoài Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO; lãnh đạo các ban, bộ, ngành; các vị đại sứ cùng đông đảo các chuyên gia về văn hóa và sáng tạo của các tổ chức trong nước và quốc tế.

Đến năm 2030 Hà Nội trở thành thành phố “xanh-thông minh-hiện đại"

Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình huệ nêu rõ: Đã 11 thế kỷ kể từ mùa thu Canh Tuất 1010, đức vua Lý Thái Tổ ban “Chiếu dời đô”, quyết định dời kinh đô Đại Việt từ Hoa Lư về định đô tại đất “Rồng bay”, Thăng Long - Hà Nội vẫn luôn là một vùng đất địa linh nhân kiệt, hội tụ nhân tài bốn phương để kiến tạo nên Thăng Long - Hà Nội rạng ngời trong lịch sử, vẫn lắng đọng hồn núi sông ngàn năm, với những giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, là nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng của nền văn hóa dân tộc. Hà Nội đã được vinh danh là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thủ đô anh hùng”, “Thành phố vì hòa bình”.

Hà Nội ngày nay, mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước, ngày càng xứng đáng vai trò là Thủ đô của đất nước, trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng Sông Hồng và cả nước…

Theo đồng chí Vương Đình Huệ, tiếp nối truyền thống văn hiến, anh hùng, vì hòa bình, phát huy mạnh mẽ tiềm năng, nguồn lực sáng tạo được hun đúc từ hơn nghìn năm qua để khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên của Hà Nội, đặc biệt để bắt kịp xu thế phát triển của thời đại - kỷ nguyên văn minh trí tuệ và toàn cầu hóa; tiếp thu các giá trị văn hóa tiên tiến của nhân loại, đây chính là nguồn sức mạnh, động lực tinh thần to lớn để phát triển tầm vóc Thủ đô trong thời gian tới.

Thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg, ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó xác định Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo của cả nước, UBND TP Hà Nội đã xây dựng Hồ sơ “Hà Nội -Thành phố sáng tạo” đề cử tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Và đến tháng 10/2019, tròn 20 năm kể từ khi Hà Nội được vinh danh là Thành phố hòa bình của UNESCO, Hà Nội chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO ở lĩnh vực Thiết kế sáng tạo…


Quang cảnh buổi tọa đàm. (Ảnh:TH)


“Với tinh thần đó, Hà Nội đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2025, xây dựng phát triển thủ đô Hà Nội phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; định hướng đến năm 2030 Hà Nội trở thành thành phố “xanh-thông minh-hiện đại”, phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực, quốc tế; và tầm nhìn phát triển Thủ đô đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế” – đồng chí Vương Đình Huệ nêu rõ.

Bí thư Thành ủy Hà Nội mong các đại biểu tham dự Tọa đàm có nhiều ý kiến đóng góp tích cực, thẳng thắn làm cơ sở để Thành phố nghiên cứu, tiếp thu xây dựng Kế hoạch hành động chi tiết, cụ thể hướng tới Hà Nội trở thành Thành phố sáng tạo của khu vực Đông Nam Á, điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới, góp phần hoàn thành tốt các mục tiêu, định hướng chiến lược đã đề ra.

03 trụ cột chính, hiện thực hóa Tầm nhìn một Thủ đô sáng tạo

Mạng lưới “Các thành phố Sáng tạo UNESCO” được thành lập năm 2004, hiện có 246 thành phố thành viên, nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố được vinh danh quốc tế với việc lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Tháng 10/2019, tròn 20 năm kể từ khi Hà Nội được vinh danh là Thành phố hòa bình của UNESCO, Hà Nội chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO trên toàn cầu với danh hiệu Thành phố sáng tạo về thiết kế.

Thông qua việc tham gia Mạng lưới, các thành phố cam kết chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất của mình và phát triển quan hệ đối tác công tư cũng như các tổ chức xã hội. Mạng lưới các thành phố sáng tạo là đối tác đặc quyền của UNESCO, không chỉ là nền tảng phản ánh vai trò đòn bảy của sự sáng tạo trong phát triển bền vững mà còn là nền tảng của hành động và đổi mới, đặc biệt trong việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững.

Thực hiện cam kết với UNESCO sau khi Hà Nội chính thức trở thành Thành phố sáng tạo lĩnh vực thiết kế, Hà Nội sẽ phải cụ thể hóa bằng các chương trình và kế hoạch hành động dài hạn về tầm nhìn và kết nối các chính sách của Thành phố, tạo điều kiện thuận lợi nhằm nâng tầm cho lĩnh vực thiết kế sáng tạo, cũng như nâng cao nhận thức, gắn kết cộng đồng để từng bước hiện thực hóa các sáng kiến và xây dựng hình ảnh Hà Nội - Thành phố sáng tạo.

Tại tọa đàm, lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia uy tín trong nước và quốc tế, các tổ chức quốc tế, các nhà ngoại giao, nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn, tập trung thảo luận, tham vấn ý kiến về các sáng kiến hỗ trợ Hà Nội xây dựng và cụ thể hóa các mục tiêu trên. Nội dung chính xoay quanh 03 trụ cột chính, nhóm giải pháp hiện thực hóa Tầm nhìn một Thủ đô sáng tạo, bao gồm: Tái tạo, phát triển đô thị trên cơ sở lấy văn hóa làm nền tảng - Mạng lưới giáo dục sáng tạo với ưu tiên cho nghệ thuật và khoa học - Hệ thống chuỗi tổng thể các sự kiện, hội chợ, triển lãm và lễ hội văn hóa cũng như việc xây dựng và quảng bá Thương hiệu Thành phố sáng tạo.


Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh:TA) 


Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, sau khi Hà Nội được công nhận là thành viên của “Mạng lưới các thành phố sáng tạo”, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã và đang đồng hành với TP Hà Nội trong việc quảng bá và phát huy danh hiêu, xây dựng kế hoạch cụ thể và huy động sự tham gia của nhiều cơ quan và các chủ thể trong xã hội nhằm phát triển thành phố sáng tạo, thực hiện cam kết với UNESCO khi xây dựng hồ sơ, góp phần làm cho văn hóa thực sự trở thành mục tiêu và động lực trong các chiến lược phát triển của Thủ đô.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng, điều quan trọng đầu tiên là nhận thức đầy đủ của các cấp, các ngành và người dân Hà Nội về ý nghĩa của danh hiệu, tạo đồng thuận trong việc xây dựng và triển khai các kế hoạch cụ thể. “Thành phố sáng tạo” là một tầm nhìn, một chiến lược, vì vậy đây phải là một trong những nền tảng để Hà Nội xây dựng các kế hoạch, chiến lược phát triển khác. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào các nguồn nhân lực và vật lực phù hợp cho “Thành phố sáng tạo” là rất quan trọng, mặc dù đầu tư cho văn hóa luôn tốn kém và đòi hỏi nhiều thời gian. Ngoài ra, một trong những vấn đề đóng góp cho thành công trong việc phát huy danh hiệu “Thành phố sáng tạo” là sự tham gia của các cơ quan liên quan của thành phố Hà Nội, Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam cũng như của các chủ thể trong xã hội.

Đại sứ Thuỵ Điển Ann Mawe bày tỏ ấn tượng và có cảm hứng khi được lắng nghe tầm nhìn của Hà Nội - thành phố sáng tạo. Ông cho rằng: "Thành phố hiện có cơ hội phát triển dựa trên bề dày lịch sử và bản sắc độc đáo của mình. Văn hoá và sáng tạo cũng là một trụ cột trong quy hoạch của thành phố. Không gian sáng tạo như bảo tàng, thư viện và khu vực nghệ thuật công cộng được quan tâm vì chúng đang có nhu cầu. Các kiến trúc sư, nghệ sĩ và thợ thủ công cũng có khả năng đóng góp vào thiết kế sáng tạo và bền vững của thành phố. Sự tham gia tích cực của người dân sống và làm việc tại các thành phố từ phụ nữ, nam giới, trẻ em, người già và cả các công dân mới nhập cư cũng là một phần quan trọng của quy hoạch"...

Các đại biểu nhấn mạnh, tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là bước đi đầu tiên nhưng có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho mục tiêu nâng cao vị thế, định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam và Thủ đô Hà Nội, thể hiện chiến lược và tầm nhìn rộng, hướng đến sự phát triển bền vững của một Thủ đô ngàn năm văn hiến, tinh thần chủ động thích ứng với xu thế thời đại và vai trò tích cực tham gia kết nối toàn cầu với bạn bè thế giới, hướng tới trở thành Trung tâm sáng tạo của khu vực. Chặng đường phía trước đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của Thành phố, từ các cấp, các ngành, địa phương, đặc biệt là vai trò của mỗi người dân Thủ đô…/.

Thu Hà