Sáng 7/4, tại Trung tâm giao lưu phố cổ Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm và Hội Di sản Văn hóa Việt Nam phối hợp tổ chức Tọa đàm “Nghề thủ công truyền thống Hà Nội - Sáng tạo để phát triển”.

Tọa đàm thu hút các đại biểu Hiệp hội, các nghệ nhân phố nghề, đại diện một số làng nghề Hà Nội, các nghệ sỹ, nhà thiết kế, kiến trúc sư trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo trẻ của Hà Nội, các doanh nghiệp du lịch, các doanh nghiệp phát triển sản phẩm thủ công sáng tạo của Thành phố Hà Nội.

 Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long khai mạc Tọa đàm.


Ông Phạm Tuấn Long, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, Hoàn Kiếm là quận nằm ở vị trí trung tâm của Kinh thành Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay. Với bề dày lịch sử hàng nghìn năm, nơi đây là điểm hội tụ nhân tài bách nghệ khắp bốn phương mà dấu ấn ngành nghề còn lưu lại đậm nét trên tên các tuyến phố. Trong thời gian qua, các nghề thủ công truyền thống đứng trước rất nhiều thách như: Sự cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp, các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài có giá thành thấp, thiếu nguồn nhân lực kế thừa ở các làng nghề, vấn đề nguyên liệu, sản phẩm, giá thành cao, marketing và thị trường tiêu thụ hạn chế,... Phố nghề, nghề trên phố cổ, kinh doanh và sản phẩm du lịch của quận Hoàn Kiếm không đứng ngoài các vấn đề đó. Để thúc đẩy phát triển kinh tế đô thị, khôi phục hoạt động của các phố nghề, phố chuyên doanh trong khu phố cổ Hà Nội, quận Hoàn Kiếm, tiềm năng của làng nghề truyền thống trong và xung quanh Hà Nội cần phát huy nội hàm giá trị của những sản phẩm truyền thống và thiết kế sáng tạo để đổi mới và phát triển.

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho rằng, nghề thủ công truyền thống đang cần sự kết nối và tiếp sức của các nhà thiết kế, các nhà đầu tư và đội ngũ doanh nhân để mỗi sản phẩm thủ công truyền thống mang trong mình thông điệp di sản có tính đại diện của từng địa phương và khu vực. Để các sản phẩm thủ công trở thành món quà được du khách ưu chuộng, sáng tạo sản phẩm mới cần dựa trên giá trị cốt lõi truyền thống. Việc giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, tìm nguồn nguyên liệu thích ứng, thiết kế mẫu mã sản phẩm, đảm bảo kỹ, mỹ thuật, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong nước và quốc tế có ý nghĩa quan trọng để sáng tạo phát triển. 

Trong khuôn khổ Tọa đàm, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân và thợ thủ công, các tổ chức, cá nhân làm việc trong lĩnh vực bảo tồn và sáng tạo đã đóng góp những ý kiến về vai trò của thiết kế và sáng tạo phát triển công nghiệp văn hóa dựa trên vốn di sản; các cách thức để kết nối, liên kết giữa các bên liên quan trong quá trình sáng tạo sản phẩm cùng với các kiến giải từ lĩnh vực truyền thông và marketing, đặc biệt là nguồn nhân lực cho phát triển bền vững.


Ban tổ chức cũng nhận được các tham luận của các đại biểu đến từ các huyện Hoài Đức, Thường Tín, các nghệ nhân, thợ thủ công những ngành nghề cổ truyền tại các phường Hàng Bạc, Hàng Bồ, Hàng Gai, Hàng Đào, Hàng Mã, Hàng Trống, Đồng Xuân… Các kiến nghị cũng được đề xuất nhằm phát huy vai trò của thiết kế và sáng tạo phát triển công nghiệp văn hóa dựa trên vốn di sản, trong đó: Cần có chế độ quan tâm đặc thù tới các nghệ nhân vẫn còn làm nghề, giữ gìn và tiếp nối nghề truyền thống, tạo điều kiện để người dân an tâm sinh sống với nghề; cần quy hoạch chi tiết, cụ thể các ngành nghề truyền thống đặc sắc, chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị hiếu, để đầu tư cơ sở vật chất thỏa đáng, phù hợp, khoa học cho các phố nghề truyền thống để ổn định, phát triển bền vững.

Quang cảnh buổi Tọa đàm

Tương tác chặt chẽ giữa hoạt động du lịch gắn với phố nghề truyền thống và các sản phẩm truyền thống, gắn kết giữa các phường trong quận, giữa các phố nghề truyền thống trong địa bàn phường thuộc quận để tạo thành chuỗi hoạt động thu hút khách du lịch; tổ chức gắn biển thương hiệu tuyến phố và logo cho các cửa hàng để tạo nên thương hiệu cho mỗi con phố, từng cửa hàng, và đưa vào các tour du lịch mang tính chuyên nghiệp; tổ chức gắn biển thương hiệu tuyến phố và logo cho các cửa hàng để tạo nên thương hiệu cho mỗi con phố, từng cửa hàng, và đưa vào các tour du lịch mang tính chuyên nghiệp; bảo tồn, khôi phục dòng tranh dân gian Hàng Trống với không gian di tích lịch sử - văn hóa đình Nam Hương trên phố Hàng Trống, nơi gắn với lịch sử hình thành dòng tranh này. Thành phố cũng cần có chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát triển du lịch tại địa phương có làng nghề, hướng dẫn, tổ chức xây dựng các tour du lịch, đón khách chuyên nghiệp, các hình thức trải nghiệm, cung cấp dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi…

Trong khuôn khổ Tọa đàm, đã diễn ra triển lãm “Dòng tranh dân gian Hàng Trống”, giới thiệu 23 bức tranh tranh thờ và tranh trang trí của nghệ nhân Lê Đình Nghiên do tác giả Nguyễn Quang Trung sưu tầm, cùng 23 tác phẩm của các họa sĩ trẻ lấy cảm hứng sáng tác từ tranh dân gian Hàng Trống trên nhiều chất liệu khác nhau. Triển lãm Tranh Hàng Trống diễn ra tại 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm, Hà Nội đến hết ngày 16/4./.

N. Dương