Ngày 02/10 tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo vận động chính sách Hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và khai trương Văn phòng dịch vụ một điểm đến OSSO tại Hà Nội.

 

 
Quang cảnh hội thảo
 
Đây là hoạt động nằm trong dự án “Tăng cường năng lực cho các cơ quan Việt Nam nhằm hỗ trợ tái hòa nhập bền vững cho Phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ” do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ, tổ chức Di cư quốc tế (IOM) hỗ trợ kỹ thuật.
 
Tham dự Hội thảo có bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; ông Cho Han Deog, Giám đốc KOICA Việt Nam; bà Mi Hying Park, Trưởng phái đoàn IOM Việt Nam; bà Chang Mi Kyong, Lãnh sự, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam.
 
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hòa cho biết, kể từ khi dự án được khởi động, tới nay nhiều hoạt động đã được triển khai, trong đó có chuỗi các hội thảo vận động chính sách hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương được tổ chức tại 5 tỉnh, thành phố thuộc địa bàn dự án là: Cần Thơ, Hải Phòng, Hậu Giang, Hải Dương và Hà Nội qua đó, giúp tìm hiểu sâu sắc hơn về những khó khăn của phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ và nhu cầu cần được hỗ trợ của họ khi trở về.
 
Phụ nữ di cư kết hôn khi trở về Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong hoàn thành các thủ tục pháp lý liên quan đến trẻ em đi cùng, tìm kiếm cơ hội việc làm và tái hòa nhập cộng đồng. Kết quả sơ bộ nghiên cứu ban đầu về trải nghiệm của phụ nữ di cư kết hôn trở về do dự án thực hiện trong tháng 7/2020 cho thấy: 55,1% phụ nữ di cư kết hôn hồi hương đã ly hôn chồng Hàn Quốc nhưng không có giấy tờ ly hôn có giá trị pháp lý khi trở về. Các khó khăn về pháp lý của nhóm này là không có đủ giấy tờ ly hôn; không có thông tin của chồng nên không trích lục được bản án ly hôn. Mặt khác, họ không thực hiện ly hôn được tại Việt Nam do không ghi chú kết hôn; không có đủ chi phí để giải quyết các thủ tục tại Hàn Quốc, bà Bùi Thị Hòa cho biết.
 
Các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương Văn phòng dịch vụ một điểm đến OSSO tại Hà Nội
 
Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ các kết quả nghiên cứu ban đầu của dự án, làm rõ hơn bức tranh về phụ nữ di cư hồi hương, những trải nghiệm, khó khăn, mong muốn và nhu cầu của họ; đồng thời, thảo luận về thách thức trong quá trình thực hiện các hoạt động dự án, nhất là cơ chế phối hợp và vai trò, sự tham gia của các cơ quan, bộ, sở, ngành liên quan trong quá trình vận hành Văn phòng dịch vụ một điểm đến (Văn phòng OSSO). Qua đó, các cơ quan liên quan cùng với tổ chức Hội sẽ xây dựng, đề xuất chính sách nhằm hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ.

 

Trên cơ sở nghiên cứu và nhu cầu thực tế của phụ nữ di cư hồi hương, Văn phòng OSSO – là đầu ra quan trọng của dự án, được thành lập nhằm hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ. Văn phòng OSSO Hà Nội được đặt tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, số 20 Thụy Khuê nhằm tăng kết nối với các dịch vụ hỗ trợ phụ nữ đang được Trung tâm cung cấp.

 

Mỗi năm có hàng chục nghìn công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, trong đó trên 90% là phụ nữ. Riêng ở Hàn Quốc, tính đến năm 2019, tổng số cuộc hôn nhân giữa chồng Hàn Quốc và vợ Việt Nam là 105.439 cuộc, chiếm 23,57% tổng số cuộc hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Giai đoạn 2011 - 2019, có 13.996 vụ ly hôn giữa vợ Việt Nam và chồng Hàn Quốc. Đến năm 2019, chỉ có 41.430 phụ nữ Việt Nam từ các cuộc hôn nhân Việt Nam – Hàn Quốc còn cư trú tại Hàn Quốc.
Gia Phong