Quang cảnh Hội nghị.


Tham dự có 10.828 đại biểu tại 558 điểm cầu.

Cụ thể, hội nghị đã quán triệt Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 20/9/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố Hà Nội trong tình hình mới; đánh giá về tình hình và các yêu cầu, giải pháp tăng cường, đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Đồng thời, xem xét báo cáo công tác tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của người đứng đầu cấp ủy trong việc thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị “Về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”.

Với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, thẳng thắn và trách nhiệm, các đại biểu tham dự Hội nghị đã có những ý kiến phản ánh rất đúng tình hình và đã có những kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp cụ thể, sát thực về các vấn đề nêu trên.

Đánh giá lại điều kiện, tiêu chuẩn, khả năng PCCC ở tất cả các lĩnh vực

Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhận định, thời gian qua, công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) đã được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện. Tuy nhiên, gần đây, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, đặc biệt, vụ cháy xảy ra đối với nhà ở nhiều căn hộ tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân.

Trong thời gian tới, để thực hiện tốt Chỉ thị số 25-CT/TU, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị, các cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành của thành phố tiếp tục nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc mục đích, yêu cầu, ý nghĩa, tầm quan trọng và nội dung của Chỉ thị. Nắm vững những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm, trên cơ sở đó tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động, quyết tâm của toàn Đảng bộ, các cấp, các ngành, các địa phương, các cơ quan, đơn vị trong toàn thành phố, xác định rõ đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, coi đây là cơ sở quan trọng để các cấp, các ngành tổ chức thực hiện.

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh: Cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tổ chức quán triệt và thực hiện Chỉ thị này. Đồng thời tiếp tục quán triệt tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các văn bản của Trung ương, thành phố. Xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể và thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện gắn chặt công tác PCCC và CHCN với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị. Xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, “buông lỏng” trong quản lý, cấp phép xây dựng, PCCC và CNCH và để xảy ra cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy chỉ rõ, cơ quan, đơn vị, địa phương và cá nhân nào không làm tốt công tác quản lý, cấp phép xây dựng, PCCC theo chức năng, nhiệm vụ được giao, để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về người và tài sản nghiêm trọng thì thủ trưởng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị quản lý, cá nhân đó phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Thành ủy và trước pháp luật.

"Các cấp, cách ngành cần nghiêm túc nhìn nhận ngay từ khâu tổ chức thực hiện, tránh hình thức “đầu voi, đuôi chuột”, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm nghiêm khắc để phòng ngừa…"- Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh. Đồng thời yêu cầu, sớm nghiên cứu và có các giải pháp hiệu quả hơn để hướng dẫn cho người dân kỹ năng ứng phó với các tình huống khi có sự cố cháy nổ xảy ra. Qua đó, biên tập thành chương trình cụ thể để hướng dẫn và thông tin, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị, UBND TP chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã chủ động phối hợp Công an thành phố trong công tác kiểm tra, rà soát, đánh giá lại điều kiện, tiêu chuẩn, khả năng PCCC ở tất cả các lĩnh vực, các địa điểm, các công trình, đặc biệt là ở các khu chung cư cao tầng, khu đông dân cư, chung cư mini, cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Kiên quyết yêu cầu các chủ đầu tư, chủ sở hữu, chủ quản lý, chủ hộ sản xuất, kinh doanh khắc phục tồn tại hạn chế về PCCC và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu, Ban Cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng Đề án tổng thể về nâng cao năng lực và đảm bảo an toàn PCCC và CNCH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 để trình Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy theo thẩm quyền.

Có giải pháp trúng, đúng và phải được giải quyết triệt để


Về tình hình và các yêu cầu, giải pháp tăng cường, đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu các đơn vị xác định rõ, nguyên nhân cốt lõi, vướng mắc thực chất trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công là gì, để có giải pháp trúng và đúng, và phải được giải quyết triệt để.

Hội nghị nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu.


Để tiếp tục thực hiện công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các cấp, các ngành của thành phố tiếp tục siết mạnh kỷ luật, kỷ cương, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2023 trên tất cả các ngành, các lĩnh vực, các địa phương, các cấp quản lý.

Trong những tháng cuối năm, đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND TP khẩn trương rà soát, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ giải ngân đầu tư công đảm bảo đạt mức bình quân chung của cả nước... Các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan đơn vị của thành phố tiếp tục phát huy tính chủ động và quyết liệt triển khai các nhiệm vụ đã được phân cấp, ủy quyền và thực hiện các dự án đã được giao làm chủ đầu tư. Tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc trách nhiệm xử lý của quận, huyện, thị xã, trong đó đặc biệt các khó khăn về giải phóng mặt bằng...

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội giao Ban Tổ chức Thành ủy phối hợp với Ban cán sự đảng UBND TP và các đơn vị liên quan tổng hợp danh sách các đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân năm 2023 đạt thấp. Xác định nguyên nhân, trách nhiệm chủ quan và đề xuất với Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy xem xét việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu và các tổ chức, cá nhân liên quan có những khuyết điểm, để xảy ra tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo đúng tinh thần Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 07/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP Hà Nội.

Đề cao vai trò người đứng đầu trong công tác tiếp công dân


Về công tác tiếp công dân, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, dự báo trong thời gian tới, tình hình khiếu nại, tố cáo còn nhiều diễn biến phức tạp, nhất là những địa bàn liên quan đến quản lý, vận hành nhà chung cư; những khu vực triển khai nhiều dự án liên quan đến việc giao đất, thu hồi đất, công tác đền bù, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất, dự án giải phóng mặt bằng...

Để thực hiện Quy định số 11-Qđi/TW của Bộ Chính trị đạt hiệu quả trong thời gian tới, đề nghị các cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành tiếp tục quán triệt, triển khai nghiêm túc các văn bản của Trung ương, Thành ủy liên quan đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý các ý kiến, kiến nghị chính đáng của Nhân dân; cùng đó nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước cho Nhân dân, nhất là những địa bàn phát sinh nhiều đơn thư hoặc đơn thư vượt cấp kéo dài.

Tăng cường đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp trong việc thực hiện trách nhiệm người đứng đầu tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác tiếp công dân.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu kết luận hội nghị. 


Các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tăng cường đối thoại với người dân ngay từ khi phát sinh vụ việc để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, làm rõ nguyên nhân phát sinh bức xúc, giải đáp thấu đáo những vấn đề người dân còn thắc mắc, đồng thời chỉ đạo, giải quyết kịp thời những nội dung còn vướng mắc; kịp thời thực hiện các giải pháp ổn định tình hình, không để phát sinh “điểm nóng” nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị.

Thực hiện tốt công tác tiếp công dân thường xuyên, định kỳ theo quy định; tăng cường đối thoại với công dân nhằm giải quyết dứt điểm các vụ việc ngay từ cơ sở, tránh kéo dài vượt cấp; chủ động phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các đoàn thể, các cơ quan nội chính trong công tác giải quyết khiếu nại tố cáo. Tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở; công tác quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư.

Các quận, huyện, thị xã, các cơ quan, đơn vị liên quan của thành phố cần thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, thông tin tình hình giải quyết đơn thư phản ánh, kiến nghị của người dân... để cấp trên nắm tình hình, từ đó có chỉ đạo, định hướng giải quyết kịp thời đối với những vấn đề phức tạp./.

Thu Hà