Quang cảnh buổi đối thoại.
Chiều 30/10, tại Trụ sở UBND huyện Sóc Sơn, Thường trực Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị đối thoại với Nhân dân 3 xã: Hồng Kỳ, Nam Sơn, Bắc Sơn liên quan tới vùng ảnh hưởng môi trường từ Khu Liên hợp xử lý chất thải (LHXLCT) Sóc Sơn giai đoạn II và Dự án Vùng ảnh hưởng môi trường vùng 0-500m từ Khu LHXLCT Sóc Sơn.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội chủ trì Hội nghị.
Môi trường và giải phóng mặt bằng – hai nhóm kiến nghị lớn
Theo Chủ tịch huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh, dự án Khu LHXLCT được quy hoạch đến năm 2020 với quy mô 157 ha, đến năm 2030 là 257 ha và đến năm 2050 là 280 ha tại các xã Bắc Sơn, Nam Sơn và Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn. Giai đoạn 1 được đầu tư xây dựng và hoạt động từ năm 1999 với quy mô 83,83ha.
Theo ông Minh, sau hơn 20 năm hoạt động, Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn hiện nay tiếp nhận với công suất lên đến trên 5.000 tấn/ngày, đêm; xử lý chất thải sinh hoạt cho 17/31quận, huyện, chiếm 77% lượng rác của toàn Thành phố.
Lượng nước rỉ rác thu được từ các ô chôn lấp rác hiện nay khoảng trên 2000m3/ngày đêm và lượng nước tồn đọng chưa kịp xử lý vẫn còn. Hằng ngày có khoảng 550 xe chở rác lên Khu liên hợp của 27 đơn vị vận chuyển trên thành phố. Xe chạy nhiều vào thời gian từ 19h đến 23h hằng ngày.
Hiện nay, UBND huyện Sóc Sơn đang thực hiện GPMB 2 dự án: Dự án Đầu tư xây dựng Khu HXLCT Sóc Sơn giai đoạn 2 (thực hiện từ 2011 đến nay). Tổng diện tích thu hồi để thực hiện dự án là 73,73ha thuộc địa giới hành chính của 03 xã: Hồng Kỳ, Nam Sơn và Bắc Sơn của huyện Sóc Sơn. Hiện đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đất ở 13,75ha/14,26ha, đất nông nghiệp là 18,1ha.
Thứ hai là dự án di dân vùng ảnh hưởng khu LHXLCT Sóc Sơn 0-500m: Tổng diện tích dự án khoảng 396ha (bao gồm 14,8ha đất xen kẹt, cắt xén của 3 xã Hồng Kỳ, Nam Sơn, Bắc Sơn), diện tích phải GPMB khoảng 381ha, liên quan đến gần 2.000 hộ dân.
Liên quan đến các kiến nghị của nhân dân sau việc chặn xe chở rác vào Khu LHXLCT Sóc Sơn ngày 23/10/2020, theo Chủ tịch huyện Sóc Sơn, mặc dù đã được UBND Thành phố giải quyết, tháo gỡ khó khăn, tuy nhiên người dân vẫn còn các kiến nghị, đề xuất với Thành phố.
Các kiến nghị liên quan đến 2 nhóm vấn đề. Thứ nhất là nhóm vấn đề về môi trường, bảo hiểm y tế, cấp nước sạch; thứ hai là nhóm vấn đề về giải phóng mặt bằng.
Trong đó, ở nhóm thứ nhất, người dân đề nghị xem xét nâng mức hỗ trợ vùng ảnh hưởng môi trường do mức hỗ trợ hiện nay thấp và tăng bán kính hỗ trợ vùng ảnh hưởng môi trường đến 2.000m do bãi rác nâng cos quá cao và quá tải, vùng bán kính 1.000-2.000 cũng bị ảnh hưởng nặng nề từ bãi rác (mùi hôi thối, ruồi muỗi)
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế, cấp nước sạch và nạo vét, cải tạo, kè cứng suối Lai Sơn. Có văn bản trả lời về việc có thông tin Khu LHXLCT Sóc Sơn hiện nay đã quá tải nhưng vẫn tiếp tục đổ rác có đúng với các quy trình, quy định của pháp luật không…
Về tái định cư, người dân nghị UBND Thành phố sớm ra Quyết định đầu tư xây dựng khu Tái định cư xóm Ninh Liệt, thôn 9, Hồng Kỳ, Sóc Sơn, Hà Nội. Công khai mức giá khu Tái định cư với người dân để nhân dân được biết…
Liên quan đến bồi thường, hỗ trợ tài sản, đề nghị Thành phố có chính sách bồi thường, hỗ trợ 100% giá trị bể bioga và bể phốt như các công trình phụ trong đất liền kề. Về chính sách GPMB, đề nghị Thành phố nghiên cứu, xem xét chính sách, áp dụng chế độ đặc thù đối với dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường, giải quyết các nội dung bất cập hiện nay trong công tác GPMB, bảo đảm quyền lợi cho người dân di chuyển, tránh tái nghèo sau di chuyển…
Người dân xã Nam Sơn kiến nghị tại buổi đối thoại.
Chính sách đền bù còn nhiều bất cập
14 ý kiến của người dân tại hội nghị đều liên quan đến giá đền bù giải phóng mặt bằng và vấn đề ảnh hưởng của bãi rác đến môi trường sống. Ông Nguyễn Ngọc Quyết, công dân thôn Lai Sơn, xã Bắc Sơn nêu ý kiến về hỗ trợ tái định cư cho người dân bị mất đất, giữa chính sách và thực tế còn nhiều bất cập... Ông Nguyễn Văn Thắng (thôn Lai Sơn, xã Bắc Sơn) cho rằng giá đền bù giải phóng mặt bằng là chưa thỏa đáng. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, thôn Đông Hạ, xã Nam Sơn cũng cho rằng mức hỗ trợ người dân còn thấp so với những thiệt hại của người dân trong 21 năm qua.
Theo ông Nguyễn Ngọc Quyết, công dân thôn Lai Sơn, xã Bắc Sơn việc hỗ trợ tái định cư cho người dân bị mất đất, giữa chính sách và thực tế rất bất cập, có hộ gia đình ở 3 đời nay với nhiều thế hệ sinh sống nhưng chỉ được một suất tái định cư; về vùng di dân 500m tính từ khu LHXLCT Sóc Sơn giá đất còn thấp, không thể đi chỗ khác sinh sống... Người dân nêu bất cập về hỗ trợ ảnh hưởng môi trường, năm 2014 được hỗ trợ khi cos bãi lên cao được hỗ trợ 900 đồng/ngày/nhân khẩu, hỗ trợ này không thể đủ canh tác đất nông nghiệp.
Người dân cũng chia sẻ, mặc dù nhận thức được việc chặn xe rác là vi phạm pháp luật nhưng người dân cho biết chỉ chặn những xe gây ô nhiễm nghiêm trọng. Vì vậy đề nghị Thành phố có kế hoạch phân rác từ gốc, giảm độc hại ra môi trường cho người dân.
Cùng với đó, người dân cũng kiến nghị Thành phố giải quyết gấp việc hỗ trợ tiền gạo ăn những người mất ruộng theo quy định; tăng giá đền bù cây ăn quả trên đất, thông báo rõ giá đền bù đất lâm nghiệp; với công trình xây dựng trên đất liền kề hợp pháp, đề nghị đền bù 100%; kiên quyết không đền bù cho các hộ lợi dụng chính sách...
Cử 30 cán bộ xuống làm việc cùng huyện về chính sách đền bù
Tiếp thu tất cả ý kiến của người dân, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng nêu rõ: “Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo Thành phố là vận dụng tối đa chính sách cho bà con. Với chính sách, cơ chế còn bất cập, Thành phố sẽ khắc phục ngay, những vấn đề vượt thẩm quyền, Thành phố sẽ báo cáo Trung ương để khắc phục sớm nhất”.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội giao Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong công khai, minh bạch quy trình xử lý rác để người dân biết; hàng ngày tổ chức quan trắc, kiểm tra, đề xuất giải pháp biện pháp để hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến người sống người dân. Và việc xử lý rác phải đúng quy trình, không được để xảy ra các sự cố rò rỉ, thẩm thấu ra môi trường.
Đồng chí Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh: Thành phố đồng ý để các ngành khẩn trương xây dựng định mức hỗ trợ cho nhân dân làm sao đảm bảo đời sống tốt nhất. “Cứ bị ô nhiễm thì phải được hỗ trợ, không cứ ở giới hạn nào, tuy nhiên phải đúng theo quy định của pháp luật. Mức hỗ trợ hiện nay thấp quá thì phải nâng lên, nhưng phải làm đúng theo thủ tục pháp lý. Ngay trong sáng nay, Bí thư Thành ủy đã chỉ đạo và yêu cầu các đơn vị phải thực hiện khẩn trương các phần việc. Ai không làm sẽ bị xử lý nghiêm”, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội thông tin.
Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu huyện Sóc Sơn tổng hợp các chính sách hỗ trợ người dân của TP, công khai minh bạch để người dân biết. “Thành phố vận dụng cơ chế chính sách rất đầy đủ cho người dân. Việc tái định cư, Thành phố sẽ đảm bảo người dân đều có đất để ở. Thành phố cũng điều chỉnh chính sách hỗ trợ thêm cho bà con ngoài hạn mức đất ở, đất nông nghiệp được hỗ trợ thêm 500.000 đồng… Dù ít nhưng với diện tích lớn là ngân sách phải chi trả cả nghìn tỷ. Thành phố rất quan tâm đời sống của bà con nhưng phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật”, Phó Chủ tịch UBND nêu rõ.
Khẳng định hộ dân nào có “sổ đỏ” đều sẽ được đền bù, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết Thành phố đang thanh tra hơn 178 “sổ đỏ” ở khu vực 3 xã. Tuy nhiên, qua kiểm tra chỉ có có 3 “sổ đỏ” hợp pháp, hơn 100 “sổ đỏ” không hề có hồ sơ… Tuy nhiên Thành phố vẫn xem xét đền bù, các trường hợp không có “sổ đỏ” được xem xét để cấp hạn mức đất đền bù làm sao bảo đảm công bằng với mọi người dân.
Liên quan đến việc đền bù giải phóng mặt bằng phục vụ di dân trong bán kính 500m, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, khi kiểm đếm và tính toán, có 1 số hộ dân, tiền đền bù đất ở, không đủ để nhận được suất đất tái định cư. Với các trường hợp này, Thành phố sẽ hỗ trợ để bảo đảm người dân được nhận đất tái định cư. Với các trường hợp có “sổ đỏ” vượt quá diện tích hạn mức theo luật định, trước mắt, Thành phố sẽ đền bù cho người dân theo “sổ đỏ”. Tuy nhiên, Thành phố cũng đề nghị người dân tự rà soát, xem xét lại, bởi sau đó, các trường hợp này sẽ được các cơ quan chức năng rà soát lại. Nếu có vi phạm sẽ xử lý nghiêm.
Phó Chủ tịch Thành phố cũng khẳng định, nhân dân mong muốn tái định cư ở đâu Thành phố sẽ ưu tiên bằng được cho bà con và yêu cầu huyện Sóc Sơn cần rút kinh nghiệm, phải thống nhất với nhân dân về vị trí tái định cư báo cáo Thành phố phê duyệt theo đúng nguyện vọng của người dân.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội khẳng định, Thành phố đã khẩn trương xem xét, giải quyết các kiến nghị của dân và mong muốn người dân: “Sống trong nhà nước pháp quyền, chúng ta cần giải quyết với nhau theo quy định của pháp luật”.
Phó Chủ tịch Thành phố yêu cầu: “Ngay tuần sau, Sở Tài nguyên và Môi trường cử 30 cán bộ xuống cùng huyện để lập phương án đền bù hỗ trợ nhanh nhất. Cơ bản giải quyết xong trước Tết Âm lịch để bảo đảm đời sống của người dân”…
Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chia sẻ: “Mọi chuyện có khó khăn phức tạp đến đâu mà chúng ta chia sẻ, mở lòng với nhau, nhất là khi 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ đều là xã anh hùng; nhân dân nơi đây hơn 20 năm đã gánh vác trách nhiệm nặng nề với Thành phố… Tôi tin tưởng những vướng mắc sẽ được giải quyết triệt để đảm bảo tốt nhất đời sống người dân theo đúng quy định của pháp luật như tinh thần chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy”.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu kết luận buổi đối thoại.
Nêu rõ huyện Sóc Sơn phải rút kinh nghiệm ngay trong việc chậm trễ thực hiện chính sách cho nhân dân; tuyên truyền đến với người dân chưa đầy đủ; thậm chí có cán bộ, đảng viên cơ sở chưa nắm rõ chủ trương, chính sách của Thành phố, Phó Bí thư Thành ủy nói rõ: “Sớm đưa bà con ra khỏi vùng ảnh hưởng bán kính 500m là chủ trương rất nhân văn, vừa là mong muốn của người dân vừa là mục đích của chính quyền nhưng thực hiện còn chậm là chưa được. Thành phố đã có tổ công tác, các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh các phần việc như Phó Chủ tịch UBND Thành phố đã yêu cầu”.
Theo Phó Bí thư Thành ủy, nhiều người dân nhận thức việc chặn xe rác là vi phạm pháp luật và chính quyền không mong muốn việc này. “Bà con nếu có gì chưa thỏa mãn thì có thể bày tỏ qua con đường đối thoại, văn bản kiến nghị. Bà con cần nhận thức rõ, không để tái diễn việc chặn xe rác...” – đồng chí Nguyễn Văn Phong nói.
“Chủ trương sớm đưa người dân ra khỏi khu vực bị ảnh hưởng bởi khu xử lý chất thải là việc làm cần thiết, nhân văn. Thành phố tiếp tục lắng nghe những kiến nghị của người dân và đẩy nhanh việc thực hiện công việc này. Trước mắt, thành phố sẽ tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát việc vận hành và công khai thông tin hoạt động của khu xử lý chất thải”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong kết luận.
Trước những chỉ đạo sát sao, trả lời thẳng thắng, trách nhiệm của đồng chí Phó Bí thư Thành ủy và Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, người dân đều bày tỏ phấn khởi và tin tưởng các vướng mắc sẽ sớm được giải quyết.... Ngay sau cuộc đối thoại, ông Phạm Xuân Sơn, hộ dân có nhà nhà cách khu xử lý rác 100 m phấn khởi chia sẻ: "Chúng tôi hiểu chặn xe rác là sai pháp luật. Chúng tôi cũng mong nhân dân thông cảm khi rác ùn ứ. Tôi cảm thấy rất yên tâm trước những trả lời của lãnh đạo Thành phố để đẩy nhanh tiến độ. Như thế này, chắc chắn người dân sẽ được sớm di dời ra khỏi khu ảnh hưởng bởi khu xử lý rác”. |