(ĐCSVN) - Thời gian hơn một năm là quá ngắn để triển khai những chương trình, dự án lớn, nhất là dự án về văn hóa. Vượt qua trở ngại đó, Hà Nội đang từng ngày, từng giờ miệt mài triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU. Từ đó, những kết quả bước đầu đã hiện hình, những ý tưởng mới được đề xuất, đi vào cuộc sống, góp phần phát huy giá trị di sản, gia tăng sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có.


 
Thành ủy Hà Nội xác định phát triển công nghiệp văn hóa được đặt trong tổng thể và dựa trên nền tảng phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Đây là điều kiện để phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, con người, tạo nên sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng quyết định phát triển bền vững Thủ đô.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong thông tin, để Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đi vào cuộc sống, Hà Nội tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực giàu tiềm năng, lợi thế như: Du lịch văn hóa; nghệ thuật biểu diễn; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; quảng cáo; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh; thời trang; ẩm thực; phần mềm và các trò chơi giải trí; truyền hình và phát thanh; xuất bản... phù hợp với thực tiễn Thủ đô và từng giai đoạn cụ thể. 

Đáng chú ý, nhằm đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, thành phố xây dựng tiêu chuẩn và cơ chế thi tuyển, lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa và công nghiệp văn hóa có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ ngang tầm nhiệm vụ; thực hiện tốt chính sách thu hút nhân tài; tạo lập môi trường nuôi dưỡng văn hóa sáng tạo, phát triển hệ sinh thái giáo dục sáng tạo trong cộng đồng, nhà trường, gắn với thúc đẩy giáo dục mở, xây dựng nhà trường sáng tạo, hình thành thế hệ công dân sáng tạo - công dân toàn cầu.

Bắt tay vào thực hiện Nghị quyết 09, UBND thành phố Hà Nội đã chủ động triển khai, cụ thể hóa 6 quan điểm, 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp mà Nghị quyết 09 đã đề ra. Nổi bật là triển khai một loạt cuộc thi, dự án thiết kế không gian sáng tạo, chuyển đổi các cơ sở công nghiệp thời kinh tế kế hoạch hóa trở thành không gian văn hóa - sáng tạo - du lịch...



UBND thành phố trình và HĐND thành phố thông qua quyết sách tập trung đầu tư trong giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo với tổng vốn hơn 49.200 tỷ đồng vào 3 lĩnh vực y tế, giáo dục và văn hóa. Trong đó, riêng tu bổ, tôn tạo di tích được đầu tư hơn 14.000 tỷ đồng cho 579 dự án.

Dù mới ban hành ngày 22/2/2022, nhưng qua triển khai thực hiện, Nghị quyết đã đi vào đời sống, đem lại những kết quả cụ thể. Trong 2 năm 2021-2022, đã hoàn thành xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp 150 công trình y tế cơ sở (trạm y tế, phòng khám đa khoa), riêng năm 2022 là 73 cơ sở; hoàn thành tu bổ, tôn tạo 181 di tích (4 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 114 di tích cấp quốc gia, 63 di tích cấp thành phố), riêng năm 2022 là 85 di tích; hoàn thành 143 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, riêng năm 2022 là 70 trường. Tháng 12/2022, lần đầu tiên Hà Nội đã mang không gian quảng bá Di sản Hoàng thành Thăng Long đến triển lãm tại đô thị di sản Provins, vùng Ile-de-France, Cộng hòa Pháp...

Đến nay, Hà Nội đang triển khai các bước đi quan trọng nhằm phục dựng điện Kính Thiên, phát huy mạnh mẽ sức hút của Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long; bảo tồn, tôn tạo tại Khu di sản Hoàng Thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa…

 


Thành phố cũng đã khởi công dự án Đền thờ Ngô Quyền tại huyện Đông Anh. Đây là công trình có ý nghĩa văn hóa, tâm linh sâu sắc, là tâm nguyện của Nhân dân, nhưng cũng là cách Thủ đô tăng thêm sức hút cho Khu di tích thành Cổ Loa, phát triển dịch vụ, du lịch, tạo sinh kế cho người dân trong vùng.

Các quận, huyện của thành phố cũng nhanh chóng có “động thái” triển khai Nghị quyết 09. Là quận trung tâm của Thủ đô, Hoàn Kiếm có nhiều thế mạnh về phát triển công nghiệp văn hóa. Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định cho biết: Quận thực hiện kế hoạch trở thành “quận công nghiệp văn hóa” bằng cách triển khai không gian bích họa phố Phùng Hưng được tu sửa với quy mô lớn, Hội quán Quảng Đông (số 22 Hàng Buồm) và phố đi bộ kết hợp ẩm thực Đảo Ngọc - Ngũ Xã đã đi vào hoạt động... Việc tổ chức không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận kết nối với không gian đi bộ trong Khu phố cổ tạo điểm nhấn du lịch cho khu vực trung tâm Thủ đô Hà Nội; là nơi giao lưu, điểm hẹn, điểm đến thú vị của mọi người dân…

Là một trong những địa phương được đánh giá cao trong việc xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, huyện Gia Lâm đã tập trung phân tích, xác định rõ tiềm năng và thế mạnh để phát triển công nghiệp văn hóa. Cụ thể, Gia Lâm có nguồn tài nguyên xã hội nhân văn phong phú, là quê hương của 2 trong “Tứ bất tử”; có 320 di tích lịch sử văn hóa với hàng vạn di vật, hiện vật quý giá; 100 lễ hội truyền thống, tiêu biểu như Lễ hội Gióng ở Đền Phù Đổng cùng với Hội Gióng ở Đền Sóc được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại... Gia Lâm đang tận dụng những lợi thế này để cụ thể hóa Nghị quyết 09.


Đáng chú ý, sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết 09, các điểm đến hấp dẫn của Hà Nội vốn đã được du khách yêu mến, các hoạt động khai thác giá trị di sản văn hoá tiếp tục diễn ra hết sức sôi động, phong phú. Tại nhiều di sản như: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Phố cổ Hà Nội, đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm, chùa Trấn Quốc… hay các Làng nghề gốm sứ Bát Tràng, dệt lụa Vạn Phúc, Làng cổ Đường Lâm… ngày càng trở thành một trong những địa chỉ không thể không đến khi đặt chân tới Thủ đô.

Không dừng lại ở đó, với lợi thế về nguồn lực văn hóa, ngành Du lịch Thủ đô đặc biệt coi trọng phát triển du lịch văn hóa, lấy du lịch văn hóa làm nền tảng để phát triển các loại hình du lịch khác. Từ đây, nhiều sản phẩm du lịch được hình thành, kiến tạo trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa để phục vụ du khách, phục vụ đời sống tinh thần của Nhân dân. Trong đó có những sản phẩm tạo dựng được thương hiệu cho ngành Du lịch Thủ đô, thu hút được khách du lịch trong và ngoài nước.

Nếu như trước đây, các di tích của Hà Nội chủ yếu “sáng mở - tối đóng”, các di sản luôn chật vật với việc bảo tồn, gìn giữ thì nay, nhiều loại hình di sản, nhiều di tích trở nên sống động khi được khai thác phát triển công nghiệp văn hoá.


Cụ thể, sau thành công ấn tượng của chuỗi hoạt động trải nghiệm đêm, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tiếp tục ra mắt công chúng sản phẩm văn hóa mới mang tên “Đêm thiêng liêng 3 - Lửa thanh xuân”, tôn vinh những anh hùng trẻ tuổi với những câu chuyện lịch sử có thật tại Nhà tù Hỏa Lò. Nhiều hoạt cảnh được đưa vào khai thác giúp công chúng cảm nhận chân thực, sâu sắc hơn về cuộc sống khắc nghiệt nơi “địa ngục trần gian”, không khí đấu tranh sôi sục của những bậc tiền bối cách mạng, như: Hoạt cảnh liệt sĩ Nguyễn Hoàng Tôn hiên ngang đón nhận cái chết bởi máy chém trước Nhà tù Hỏa Lò năm 1931; cuộc đấu tranh tuyệt thực năm 1933; phong trào “Biến nhà tù thành trường học cách mạng”; hành trình vượt ngục năm 1945… Du khách còn được nhập vai tù chính trị để trải nghiệm sự tối tăm, ngột ngạt của các phòng giam, xà lim...

Hay Bảo tàng Văn học Việt Nam ở con ngõ của đường Âu Cơ, phường Quảng An, quận Tây Hồ, trước kia vốn không được nhiều người biết tới. Cuối năm 2022, Bảo tàng đã triển khai hình thức trải nghiệm mới qua tour du lịch văn học với chủ đề “Chữ Tâm, chữ Tài” vào các tối cuối tuần. Qua tour du lịch, khách tham quan không chỉ được ngắm nhìn khối lượng hiện vật đồ sộ về văn học của Bảo tàng mà còn được nghe thuyết minh, tìm hiểu câu chuyện của mỗi hiện về qua lời kể và màn diễn xuất tái hiện lại trích đoạn từ tác phẩm văn học.

Giám đốc Bảo tàng Văn học Việt Nam Nguyễn Thị Thu Huệ cho biết, tour du lịch văn học “Chữ Tâm, chữ Tài” ra đời thu hút đông bảo du khách Hà Nội và các tỉnh tham gia, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên. Qua tour này, du khách được trải nghiệm khu vườn tượng 20 danh nhân văn học Việt Nam; được tham gia hoạt động gánh chữ Tâm, chữ Tài; khám phá không gian văn học thời kỳ cổ - trung đại… Từ đó, du khách có những suy tư sâu lắng về cuộc sống, đời văn của tác giả, về giá trị nền văn học nước nhà. Những di sản văn chương cũng vì thế đến gần với công chúng hơn, sống trong đời sống đương đại.

Cũng trong dịp đầu năm 2023, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đưa vào khai thác tour du lịch đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” chuyên biệt dành cho khách nước ngoài. Phiên bản này có nhiều đổi mới, khác biệt so với tour đêm cho khách nội địa - “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” ra mắt vào một năm trước. Phiên bản mới mang đến cảm xúc mới mẻ, nhẹ nhàng, nhưng vẫn nhiều trải nghiệm phù hợp với thị hiếu của khách quốc tế. Tour đêm diễn ra trong thời gian 120 phút được các vị khách rất ưa chuộng.


Hay từ Tết Nguyên đán đến nay, hầu như ngày nào các nghệ nhân Đào Thục cũng đón khách. Có ngày các nghệ nhân diễn đến 2 - 3 suất. Từng có lúc người Đào Thục không lo giữ được nghề, thì giờ, giới trẻ rất thích học nghề rối nước, các nghệ nhân biểu diễn cũng phấn khởi khi có thu nhập.

Trưởng bộ phận Kinh doanh - phường Rối nước Đào Thục Nguyễn Thế Nghị cho biết, những năm gần đây, chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ phường rối về hạ tầng, hỗ trợ truyền dạy nghề múa rối… tạo điều kiện cho phường rối phát triển du lịch. Hiện, rối nước Đào Thục không chỉ biểu diễn rối nước mà còn mở thêm các dịch vụ gắn với văn hoá làng quê như: Đi cầu kiều, đi cà kheo, học làm nhà nông, đi xe trâu, xe ngựa ngắm cảnh làng quê… Khách cũng có thể lựa chọn tham quan, trải nghiệm một số di tích, làng nghề trong khu vực.

Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm mới tại các điểm đến cũng được hình thành như: Di tích Nhà tù Hỏa Lò, vở thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”… hay Đoài Creative tại Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) - đây là nơi trình diễn nghệ thuật, workshop, phát triển sáng tạo và một số dịch vụ phục vụ du khách khi đến thăm làng cổ…

Chưa hết, cùng với việc quan tâm đến các di tích, di sản văn hóa phi vật thể, Hà Nội đặc biệt quân tâm đến khu vực làng nghề có thế mạnh. Theo đó, nhiều làng nghề đã được đầu tư hạ tầng, triển khai các dịch vụ du lịch, đẩy mạnh số hoá như: Lụa Vạn Phúc, thêu Quất Động, sơn mài Hạ Thái… Làng gốm Bát Tràng đưa vào hoạt động, khai thác Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt. Trung tâm được thiết kế thành 7 khối nhà lấy cảm hứng từ chiếc bàn xoay gốm, với màu đỏ đất nung. Công trình được thiết kế là nơi trưng bày gia phả, hình ảnh, hiện vật về sự phát triển của 19 dòng họ ở Bát Tràng; nơi khách du lịch cũng được khám phá tinh hoa của làng gốm Bát Tràng cùng các làng nghề thủ công mỹ nghệ. Trung tâm cũng có phòng lưu trú, nhà hàng, biểu diễn nghệ thuật dân gian, khu trải nghiệm để kết nối khách du lịch với các nghệ nhân, thợ gốm... Làng nghề Bát Tràng cũng mới khai trương “Nhà Gian khó” và nhà “Bát Tràng tôi còn nhớ”, là các điểm trưng bày, giới thiệu về văn hóa, truyền thống nghề và làng nghề, phục vụ khách tham quan.

Nói về những điểm mới này, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang khẳng định, ngành Du lịch tiếp tục đẩy mạnh khai thác các yếu tố đặc trưng văn hóa của Hà Nội để phát triển sản phẩm du lịch với tính đặc thù và có tính cạnh tranh cao.



Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng nêu rõ: Văn hóa vẫn thường xuyên được quan tâm đầu tư, nhưng lần này, điểm khác biệt là thành phố đầu tư tập trung, đồng bộ, không chỉ rộng về quy mô, mà còn có chiều sâu, trọng tâm, trọng điểm. Thành phố chú trọng đầu tư vào các di tích, di sản có sức lan tỏa mạnh, có khả năng trở thành những điểm đến hấp dẫn về du lịch như các dự án liên quan đến Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa; nổi bật là Đền thờ Ngô Quyền và Điện Kính Thiên. Đây là những dự án khó, nhưng nhất định phải làm, bởi đó không chỉ là mong ước của bao thế hệ mà còn là nghĩa vụ đối với tổ tiên, cha ông.

Có thể nói, với bề dày truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, Thành phố vì hòa bình, Hà Nội là nơi hội tụ, giao thoa, chắt lọc và lan tỏa các giá trị văn hóa của dân tộc. Việc thực hiện có hiệu quả Chương trình 09 của Thành ủy chắc chắn sẽ dần mở “cánh cửa” du lịch văn hóa, khơi dậy lòng tự hào, tình yêu Hà Nội và ý chí khát vọng vươn lên của Nhân dân, cùng chung sức xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh./.


Nhóm PV