Có con nhỏ gửi tại trường mầm non Liên Hà, xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, chị Hoàng Thu Phương rất yên tâm bởi trường con chị theo học là 1 trong 15 trường trên địa bàn huyện đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. 

"Vì cháu còn nhỏ nên khi cho cháu đi học, tôi đã dành thời gian tìm hiểu khá kỹ lưỡng. Bên cạnh đội ngũ giáo viên uy tín, trường mầm non Liên Hà có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại gồm đầy đủ phòng học và phòng chức năng như: phòng ứng dụng giáo dục tiên tiến STEAM, phòng cho trẻ làm quen với tiếng Anh, phòng giáo dục nghệ thuật, không gian sáng tạo...Các bé từng học ở trường tôi quan sát khá tự tin, nền nếp", chị Phương nhận xét.

Khu vui chơi cho trẻ tại trường mầm non trên địa bàn huyện Đan Phượng

 

Với 17 trường mầm non, 20 trường tiểu học và 16 trường trung học cơ sở, đến nay, 52/53 trường trên địa bàn huyện Đan Phượng đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Đan Phượng trở thành huyện dẫn đầu thành phố Hà Nội về tỷ lệ trường đạt chuẩn với 98,1% cũng là huyện đầu tiên có 100% trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia. 

Để có được kết quả này, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, toàn huyện đã mở rộng diện tích đất cho 25 trường học với 115.253 m2, xây mới nhiều trường cùng một số hạng mục với hơn 500 phòng học, phòng chức năng, khu hiệu bộ, nhà thể chất cùng hàng chục sân bóng đá mini, sân bóng rổ ngay trong khuôn viên trường. 100% các trường tiểu học có bể bơi thông minh và hỗ trợ 1/3 kinh phí học bơi cho học sinh...

Riêng năm 2021, Đan Phượng đã phê duyệt 104 dự án mới với tổng vốn huy động là 603 tỷ đồng để xây dựng trường học các cấp. Mục tiêu mà huyện Đan Phượng đặt ra là phấn đấu hết năm 2021 có 100% trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, nâng cao tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Là quận trung tâm, kết quả trong việc xây dựng trường chuẩn quốc gia thời gian qua của Ba Đình được đánh giá là rất ấn tượng. Từ đơn vị có 54% số trường đạt chuẩn, xếp vị trí thứ 29/30 quận, huyện, thị xã vào năm 2019, đến hết năm 2020, tỷ lệ trường chuẩn của quận đã đạt 73,5%. Quận cũng đã xây dựng kế hoạch tổng thể về công tác đầu tư xây dựng trường chuẩn từ nay tới năm 2025 với lộ trình cụ thể từng năm, nhằm mục tiêu có 100% trường học đạt chuẩn vào năm 2025.

Trường trung học cơ sở Cầu Giấy được xây mới kịp đón học sinh trong năm học 2021-2022

 

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được thành phố đặc biệt quan tâm. Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia của thành phố hiện đạt 76,9% và phấn đấu đến năm 2025 đạt từ 80-85% theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII.

Để đạt mục tiêu, toàn thành phố đang tập trung ưu tiên nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường chuẩn, gỡ khó trong đó chủ yếu là khó khăn do thiếu kinh phí và quỹ đất hạn chế, mở rộng diện tích trường ở những nơi có điều kiện và quan tâm đầu tư xây dựng sân chơi, bãi tập, nhà đa năng... giúp học sinh phát triển toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại cho hay, Sở đã và đang thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cũng như thống kê số trường không đạt chuẩn quốc gia do thiếu đất, số trường có đất nhưng chưa có kinh phí xây dựng... 

Riêng năm nay, mục tiêu đặt ra là có thêm 85 trường chuẩn, gồm 30 trường mầm non, 26 trường tiểu học, 24 trường trung học cơ sở và 5 trường trung học phổ thông góp phần thực hiện thành công Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025”.

Tính đến hết năm 2020, toàn thành phố có 1.694/2.204 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, chiếm 76,9%. Trong đó, cấp trung học cơ sở có tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn cao nhất với 83,7%; đứng thứ hai là cấp tiểu học với 80,7%; đứng thứ ba là cấp trung học phổ thông với 72,2%; cuối cùng là cấp mầm non với 68,9%. 

 

 

 

Cẩm Hà