Từng bước hiện thực hóa mục tiêu

Là Thủ đô của cả nước, trong những năm qua, Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp xây dựng một hình ảnh đẹp, năng động, hiện đại. Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị của Thủ đô đã có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét, đặc biệt là hệ thống hạ tầng đô thị, phát triển nhà ở, góp phần xây dựng bộ mặt thành phố (TP) Hà Nội ngày càng khang trang, hiện đại.

Thực hiện Chương trình số 06-Ctr/TU của Thành ủy về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại giai đoạn 2016-2020“, thành phố đã chủ động rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thu hút hiệu quả đầu tư dự án khu đô thị, khu nhà ở mới. Đến nay, nhiều khu đô thị văn minh hiện đại đã và đang được xây dựng với hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh như các dự án đô thị The Manor, Mỹ Đình, Mỗ Lao, An Khánh, Gamuda, Ciputra, Vinhome Riverside, RoyalCity, TimesCity… tạo nên diện mạo mới cho Thủ đô.

 

Nhiều khu đô thị hiện đại, hạ tầng hoàn chỉnh được xây dựng. 

 

Thành phố cũng đẩy mạnh phát triển vùng đô thị mở rộng lên phía Bắc tại khu vực hai bên tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài với một số dự án lớn đang triển khai như Công viên Kim Quy, Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia, Khu đô thị thành phố thông minh. Đáng chú ý, vào tháng 5/2020 vừa qua, Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc (đô thị vệ tinh lớn nhất trong 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với bản quy hoạch này, Hoà Lạc trong tương lai không xa sẽ trở thành nơi tập trung trí tuệ và công nghệ tiên tiến, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, công nghệ cao của cả nước, trung tâm đại học quốc gia và cao đẳng dạy nghề, trung tâm y tế, khám chữa bệnh. Đây cũng sẽ là đô thị sinh thái - nghỉ dưỡng, khoa học - công nghệ theo hướng phát triển đô thị xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng tại phía Tây Hà Nội

Thành phố cũng chủ động, sáng tạo phát triển các loại hình nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo cơ chế đặt hàng; lập quy hoạch, đề ra các giải pháp cơ chế đặc thù trong công tác cải tạo, xây dựng mới các chung cư cũ; tập trung thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đến năm 2020. Đến nay đã có trên 1000 tòa nhà chung cư cao tầng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Từ năm 2016 đến nay đã phát triển mới khoảng 25,3 triệu mét vuông sàn nhà ở, nâng diện tích nhà ở bình quân đạt 27,09 mét vuông/người vào năm 2019 và dự kiến năm 2020 đạt 27,27 mét vuông/người.

Thành phố từng bước chỉnh trang đồng bộ hạ tầng đô thị, ngầm hóa các đường dây đi nổi. 100% các khu đô thị mới phát triển và tuyến đường mới mở đã ngầm hóa. Đối với các khu vực cũ, thành phố chỉ đạo tăng cường giải quyết các vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện để các đơn vị thi công hoàn thành tốt công tác hạ ngầm, đảm bảo an toàn và cảnh quan đô thị. Giai đoạn 2016-2020, thành phố đã hạ ngầm được 336 tuyến phố và vẫn đang tiếp tục ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong công tác hạ ngầm với 5 tập đoàn, tổng công ty để tiếp tục thực hiện công tác này trong giai đoạn 2021-2025. Một số tuyến phố kiểu mẫu được hoàn thành, được nhân dân đánh giá cao và trở thành hình mẫu để tiếp tục tạo nên những tuyến phố khang trang, hiện đại.

Nếu so với giai đoạn trước, bộ mặt đô thị của Thủ đô ngày càng sạch đẹp hơn, văn minh trật tự có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước hướng tới văn minh hiện đại.

Xây dựng Hà Nội theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại

Theo đồng chí Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU, thời gian tới, hàng loạt quy hoạch quan trọng sẽ được hoàn thành như quy hoạch phân khu, quy hoạch hai bên bờ sông Hồng; quy hoạch không gian ngầm; khớp nối đồng bộ quy hoạch khu vực nông thôn và khu vực đô thị; xây dựng các quy chế, quy định quản lý quy hoạch kiến trúc đối với các khu vực hành lang xanh, vành đai xanh. Ðối với khu vực đô thị trung tâm, sẽ tăng cường lập thiết kế đô thị, cải tạo, chỉnh trang và quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường, chú trọng các tuyến đường cải tạo, mở rộng theo quy hoạch…

 

Công trình cầu vượt Nguyễn Văn Huyên tạo thuận lợi trong giao thông Hà Nội.

 

Để tiếp tục thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU, xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại, đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch gắn với tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý đô thị. Thành phố phải lập quy hoạch phát triển giai đoạn 2021-2030 trên cơ sở tích hợp giữa quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch chuyên ngành liên quan; rà soát, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô phù hợp với định hướng phát triển của Hà Nội. Triển khai hiệu quả chương trình phát triển đô thị, chú trọng kết nối phát triển giữa đô thị và nông thôn; xây dựng các khu đô thị mới hiện đại, theo hướng đô thị xanh, thông minh, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và dịch vụ công; triển khai xây dựng đô thị thông minh trên trục Nhật Tân - Nội Bài; tập trung xây dựng đô thị vệ tinh tại Hòa Lạc, Sóc Sơn; tiếp tục đẩy mạnh các dự án phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở của người dân; thực hiện có hiệu quả các chủ trương về cải tạo, xây dựng mới các khu chung cư cũ xuống cấp, nguy hiểm, hết niên hạn sử dụng, tái thiết thành các khu đô thị văn minh, hiện đại.

Ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, xây dựng các công trình tiêu biểu, không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô cũng là 1 trong 3 khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.

Để thực hiện được yêu cầu nhiệm vụ trên, Báo cáo tổng kết Chương trình 06 cũng đưa ra các giải pháp chủ yếu, trong đó, sẽ chú trọng thực hiện các giải pháp như xây dựng cơ chế chính sách, tập trung công tác tuyên truyền, khai thác phát huy tốt các tiềm năng, nguồn lực, chú trọng đầu tư phát triển theo chiều sâu; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và kiện toàn bộ máy. Bên cạnh đó, thành phố sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị và đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện các dự án,

Hy vọng sau những đổi thay, Hà Nội có cảnh quan văn minh, hiện đại, cảnh quan đô thị xứng tầm với vị thế, vai trò là trung tâm đầu não chính trị của cả nước, là một trong những trung tâm kinh tế, du lịch, thương mại, dịch vụ của khu vực…/.

Thương Huyền