Nói về những thay đổi tích cực này, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường Đại học Sư phạm Hà Nội Đinh Minh Hằng cho biết, đó là những hoạt động thường niên của Đoàn trường để sinh viên, học sinh tìm hiểu thêm về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, truyền thống vẻ vang của lớp cha anh đặc biệt là thấm nhuần những bài học của Bác từ cách sống, cách học tập và làm việc... thôi thúc đoàn viên, sinh viên ý thức được tốt hơn vai trò, trách nhiệm của mình với cộng đồng, gia đình và với chính bản thân mình.
"Tuy nhiên, để gần gũi hơn với các bạn trẻ, các hội diễn, cuộc thi đã được tổ chức theo hướng sáng tạo, hấp dẫn, đậm chất sinh viên. Những nội dung liên quan đến chính trị, tư tưởng được cụ thể hoá rất gần gũi với các bạn trẻ, được chính các bạn khắc sâu, thể hiện một cách thực sự có sức lôi cuốn. Những ca khúc cách mạng hào hùng hay những ca khúc thanh niên sôi nổi cũng được thế hệ 10x tái hiện với tất cả niềm tự hào là đoàn viên, sinh viên, học sinh trường Đại học Sư phạm Hà Nội", Bí thư Đoàn trường sinh năm 1986 nói.
|
Tiến sĩ Đinh Minh Hằng, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường Đại học Sư phạm Hà Nội |
Và để thích ứng với bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, app HNUE YOUTH - sản phẩm của Đoàn Thanh niên trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã ra đời với mục tiêu kết nối đoàn viên toàn trường, tạo nền tảng thông tin chính thống, kịp thời từ các cấp Đoàn - Hội và nhà trường tới học sinh, sinh viên cũng như lắng nghe ý kiến phản hồi của đoàn viên, thanh niên để hoạt động Đoàn - Hội được phong phú và phù hợp với nhu cầu, năng lực của đoàn viên, hội viên.
Không dừng lại ở đó, các cuộc thi trực tuyến đã được tổ chức ngay trên App và trên các kênh truyền thông của Đoàn trường để sinh viên, đoàn viên trực tiếp tham gia, bình chọn và đóng góp cho những tiết mục, những phần thi xuất sắc nhất.
Theo giới thiệu của nữ Bí thư Đoàn trường, app HNUE YOUTH là ứng dụng đầu tiên trên điện thoại di động dành cho đoàn viên, sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội với các tính năng như: thông báo các sự kiện, hoạt động của nhà trường liên quan đến học sinh, sinh viên; thông tin về các phong trào, chương trình của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên nhà trường cũng như triển khai các cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến; khảo sát, nhận phản hồi từ đoàn viên, sinh viên; quản lý, đăng ký chương trình rèn luyện đoàn viên, danh hiệu đoàn viên ưu tú, sinh viên 5 tốt các cấp.
App cũng chính là nơi tổ chức các cuộc thi online thu hút hàng nghìn lượt tham dự như: cuộc thi tìm hiểu về tư tưởng Hồ Chí Minh, tìm hiểu về cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, cuộc thi tìm hiểu về 70 năm ngày thành lập trường Đại học Sư phạm Hà Nội...
"Chúng tôi coi việc tổ chức qua app chính là việc thích ứng của người trẻ trong kỷ nguyên số, như là cơ hội để lan toả tri thức, hiểu biết về pháp luật, khuyến khích đoàn viên, sinh viên thêm yêu nghề giáo, thêm yêu mái trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nơi ươm mầm lớp lớp người thầy, nơi đã và đang hiện thực hoá tinh thần: “chuẩn mực - sáng tạo - tiên phong”, Minh Hằng nói.
Chia sẻ về những chuyển biến trong việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thanh thiếu nhi theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Minh Hằng cho hay, chuyển biến rõ rệt mà ai cũng dễ dàng nhận thấy trong học sinh, sinh viên, học viên đó là các bạn đã cùng nhau xây dựng, thực hiện và lan toả tinh thần: "mỗi người một hành động tốt, mỗi ngày một câu chuyện đẹp".
"Trong thời qian qua, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, để đảm bảo việc dạy học trực tuyến đạt hiệu quả, Đoàn Thanh niên nhà trường đã thành lập đội hỗ trợ công nghệ thông tin với hơn 100 thành viên đến từ 23 khoa. Những thành viên của đội hỗ trợ đã trở thành cầu nối, nắm bắt những nhu cầu, khó khăn của các sinh viên trong quá trình học qua mạng và giải đáp kịp thời, kết nối với Trung tâm Công nghệ thông tin, Khoa Công nghệ thông tin để đảm bảo đoàn viên, thanh niên có thể truy cập và thực hiện các yêu cầu học tập một cách thuận tiện nhất", nữ thủ lĩnh thanh niên ví dụ.
Bên cạnh việc khuyến khích đoàn viên, thanh niên, sinh viên nhà trường học và làm theo Bác thì việc tuyên dương các cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc cũng được Đoàn trường tiến hành đúng đối tượng, đúng thời điểm. Điển hình trong rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, trong Tháng Thanh niên, trong hoạt động nghiên cứu khoa học, trong nỗ lực vượt khó vươn lên trong học tập, tham gia các hoạt động tình nguyện, có được thành tích trong các giải thưởng, cuộc thi đều được biểu dương kịp thời. Qua mỗi cuộc thi, sự kiện, mỗi đợt phát động, Đoàn trường đều chú trọng tới tính lan toả, lấy những điều tốt đẹp để đẩy lùi những điều chưa tốt, những biểu hiện cá nhân, vị kỉ trong mỗi người, những lối ứng xử chưa phù hợp để đoàn viên, thanh niên hoà mình vào môi trường học tập và rèn luyện của Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội một cách tích cực, chủ động, cởi mở, nhằm phát huy và sẻ chia những giá trị tốt đẹp vốn có trong mỗi con người.
|
Minh Hằng (thứ tư từ phải qua) là một trong năm cá nhân tiêu biểu vừa được Thành đoàn Hà Nội biểu dương vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020 |
Không chỉ năng nổ, nhiệt huyết trong vai trò là Bí thư Đoàn trường, Minh Hằng còn vinh dự nhận danh hiệu "Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp Trung ương". Với vai trò là tiến sĩ, giảng viên Khoa Ngữ văn, nữ giảng viên trẻ tâm niệm phải luôn trau dồi kĩ năng sư phạm và năng lực nghiên cứu khoa học.
"Mỗi bài giảng, tôi đều dành nhiều thời gian để cập nhật kiến thức mới, đặc biệt là những kiến thức lý luận văn học và xã hội hiện đại, để đáp ứng nhu cầu dạy và học hiện nay. Tôi cũng lắng nghe sinh viên và học hỏi từ chính các em những cách nghĩ mới, những chia sẻ về học thuật. Tôi đặt mục tiêu trở thành người đồng hành, người hỗ trợ các em trên con đường tìm hiểu những tri thức về văn học, văn hoá và xã hội. Ngoài các học phần về văn học Việt Nam, tôi cũng đảm nhận việc giảng dạy học phần liên quan đến văn học và báo chí. Tôi mong muốn rằng, từ những tri thức văn chương, các em có thể mở rộng vốn hiểu biết đến các phạm vi khác của đời sống như văn hoá, truyền thông... để rèn luyện khả năng viết, đọc, phê bình của mình, từ đó đóng góp cho xã hội dù các em trở thành nhà giáo đứng trên bục giảng hay làm các công tác như báo chí, xuất bản, truyền hình...", Hằng chia sẻ.
Nhà giáo trẻ cũng thổ lộ: "Nghiên cứu khoa học cũng là đam mê của tôi. Nói như vậy bởi lẽ song song với công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học vừa là yêu cầu, cũng là động lực của người giảng viên. Tôi cũng may mắn có nhiều bài báo chuyên ngành đăng các tạp chí uy tín trong nước, các bài báo hội thảo quốc gia, quốc tế, chủ biên sách tham khảo phổ thông, các bài viết trong các sách chuyên khảo, chuyên ngành, chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, cử nhân, hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, tôi cũng dịch thơ để giới thiệu nhiều hơn nữa văn học Việt Nam đến bạn bè quốc tế...".
Vừa là giảng viên, lại vừa là Bí thư Đoàn trường, phụ trách phòng Hành chính - Đối ngoại, khối lượng công việc hằng ngày phải giải quyết không hề nhỏ nhưng Hằng không coi đó là gánh nặng: "Tôi nghĩ rằng, đó là những cơ hội để mình gần gũi, hiểu sinh viên, đoàn viên ở nhiều góc độ khác nhau: học tập, đời sống, và các hoạt động khác. Làm công tác Đoàn mang lại những động lực để bản thân tôi và những cán bộ Đoàn, đặc biệt là những cán bộ Đoàn kiêm nhiệm công tác giảng dạy thêm nỗ lực, phấn đấu để làm tốt nhiệm vụ của mình, lan toả những giá trị sống tích cực tới đoàn viên, thanh niên thuộc 28 cơ sở đoàn trong trường Đại học Sư phạm Hà Nội", Minh Hằng bày tỏ.
Từng có thời gian làm Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Vương quốc Anh, Minh Hằng bày tỏ: "tôi nhận thấy tinh thần cống hiến, tình yêu Tổ quốc của người trẻ Việt Nam tại nước ngoài cũng như các thanh niên Việt Nam đều hướng về Tổ quốc, gắn bó và nỗ lực để hoàn thiện bản thân mình, đạt được những thành tích tốt để luôn tự hào khi được nhắc tới với hai tiếng thiêng liêng: Việt Nam. Chính điều này khiến thế hệ chúng tôi được tiếp thêm ngọn lửa nhiệt huyết, ngọn lửa của tinh thần tình nguyện, của lòng yêu nghề, vì cộng đồng, tiếp nối ngọn lửa của phong trào “Ba sẵn sàng” do trường Đại học Sư phạm Hà Nội khởi xướng".