Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng trao Bằng khen

của UBND thành phố Hà Nội cho các cá nhân và tập thể xuất sắc. (hanoimoi.com.vn)

Trong những năm qua, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Thành ủy Hà Nội, các cấp Hội Nông dân Hà Nội đã làm tốt công tác tham mưu và tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cán bộ, hội viên, nông dân khắc phục mọi khó khăn, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, hăng hái lao động sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ, tư vấn, đào tạo nghề, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất; nâng cao hiệu quả hoạt động của “Quỹ hỗ trợ nông dân”, tăng cường các nguồn vốn ưu đãi cho nông dân, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm.

Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững luôn được các cấp hội tập trung chỉ đạo phát động và tổ chức thực hiện. Phong trào tiếp tục phát triển cả bề rộng và chiều sâu có sức lan tỏa trong nhiều lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế, xã hội ở nông thôn và đã đạt được những kết quả to lớn, tạo động lực khích lệ, động viên hội viên, nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, đổi mới cách nghĩ, cách làm, vươn lên làm giàu và giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động, vốn liếng để đầu tư phát triển sản xuất, mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất chế biến, bảo quản nông sản.

Với vai trò trung tâm và nòng cốt trong phong trào, các cấp Hội đã có nhiều biện pháp chỉ đạo tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, tạo vùng sản xuất tập trung; tư vấn, giới thiệu những giống cây trồng, vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao; tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật, dạy nghề, tham quan, hội thảo, hội nghị tọa đàm; xây dựng các mô hình trình diễn; tín chấp cho nông dân vay vốn, mua vật tư nông nghiệp, máy nông cụ theo phương pháp chậm trả với lãi suất ưu đãi; vận động, hướng dẫn hội viên nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể, hợp tác xã kiểu mới. Các hoạt động trên đã được triển khai ở các cấp Hội trên địa bàn thành phố. Vì vậy, đã thu hút được đông đảo các hộ nông dân tham gia phong trào. Trong 5 năm (2015 - 2020) đã có 1.582.656 lượt hộ hội viên nông dân đăng ký Hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó cấp cơ sở 1.582.656 lượt hộ; Cấp huyện, thị xã 285.823 lượt hộ; Cấp Thành phố 21.307 lượt hộ; Cấp Trung ương 3.150 lượt hộ. Từ phong trào đã xuất hiện ngày càng nhiều nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp thành phố; nhiều mô hình có quy mô sản xuất lớn, thu hút hàng chục lao động, thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Các cấp Hội Nông dân Thành phố làm tốt công tác hỗ trợ hội viên nông dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Tổng nguồn vốn toàn thành phố đạt 653 tỷ 86,7 triệu đồng. Trong đó, Quỹ cấp Thành phố 562 tỷ 176,2 triệu đồng. Trong 5 năm (2015 - 2020) Ban Điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân (HTND) Thành phố đã thẩm định, phê duyệt, giải ngân 3.129 dự án với số tiền 1.066 tỷ 512 triệu đồng cho 83.700 lượt hộ hội viên vay. Trong đó có 163 mô hình  điểm vay vốn Quỹ HTND; thu hồi 910 tỷ 586 triệu đồng vốn đến hạn, việc thu hồi vốn gốc và phí đều nhanh gọn. Nguồn vốn cấp huyện đang quản lý gần 89 tỷ cho 5.682 hộ vay...

Ngoài ra, để giúp hội viên, nông dân sử dụng có hiệu quả vốn vay, Hội Nông dân Thành phố đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của Thành phố trong việc tư vấn, hướng dẫn nông dân tổ chức sản xuất - kinh doanh, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới; xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả, giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đã có nhiều điển hình, tiên tiến là những tấm gương nông dân vượt khó, quyết chí làm giàu cho chính gia đình và giúp đỡ những người khác cùng vươn lên làm giàu, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của Thủ đô.

Bên cạnh đó, phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là động lực thúc đẩy các hoạt động tương trợ giúp nhau giảm nghèo ở mỗi địa phương, bằng việc phân công các hộ sản xuất - kinh doanh giỏi trực tiếp giúp đỡ các hộ nghèo về vốn, cây, con giống, vật tư nông nghiệp, ngày công lao động, giúp các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Trong giai đoạn 2015 - 2019, các cấp Hội đã trực tiếp chỉ đạo và phối hợp giúp 13.538 lượt hộ nông dân vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của toàn Thành phố ở khu vực nông thôn xuống còn 0,69% vào cuối năm 2019.

 Thu nhập nông dân Thủ đô đạt 55 triệu đồng/năm từ cuối 2020

Hà Nội đã triển khai linh hoạt, sáng tạo chương trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với thực tế của địa phương. (congdoanhanoi.org.vn)

 

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và Thành phố về xây dựng nông thôn mới và hưởng ứng Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động và thực hiện Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020”; các cấp Hội nông dân Thành phố đã tích cực tuyên truyền, vận động nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới bằng những việc làm thiết thực như: hiến đất và đóng góp hàng trăm tỷ đồng để làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng, kiên cố hóa kênh mương, xây dựng đường điện phục vụ sản xuất, nhà văn hóa thôn, xã và trường học; vận động nông dân sản xuất theo quy hoạch, tăng cường liên kết, hợp tác tạo vùng sản xuất hàng hóa có quy mô lớn, tập trung chuyên canh. Hướng dẫn, vận động nông dân dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung qui mô lớn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Thành phố đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa với tổng diện tích 79.454,3 ha/75.980 ha (đạt 104,6% kế hoạch). Sau dồn điền đổi thửa đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung ở các huyện: Phúc Thọ, Ứng Hòa, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Mê Linh, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Quốc Oai … cho giá trị thu nhập tăng lên 25 -30%.

Nhận thức rõ việc xây dựng mô hình kinh tế tập thể trong xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt, Hội Nông dân thành phố đã chỉ đạo các cấp Hội triển khai thực hiện Chương trình hành động số 24-Ctr/TU ngày 19/9/2013 của Thành ủy Hà Nội về “Tiếp tục đổi mới phát triển nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020”; Chương trình số 03 về “Nâng cao vai trò của Hội Nông dân tham gia phát triển mô hình kinh tế tập thể, tích cực xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2014 - 2018” và Chương trình số 11 về “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội Nông dân Thành phố Hà Nội trong phát triển kinh tế xã hội và tích cực xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2019 - 2023”. Các cấp Hội đã tập trung triển khai tuyên truyền, vận động, tư vấn, hướng dẫn nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể (Tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới) và mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Trong 5 năm qua, các cấp Hội đã xây dựng được 752 mô hình kinh tế tập thể với 19.269 hộ tham gia, phát triển 8.294 mô hình kinh tế hộ với 25.876 lao động; xây dựng 783 Câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Câu lạc bộ nông dân phát triển kinh tế với 83.396 thành viên tham gia. Hộ trợ nông dân xây dựng 624 mô hình trình diễn về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn theo tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, GlobanGAP và GPS.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền vận động, cán bộ, hội viên nông dân thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn thành phố gắn với triển khai thực hiện 02 cuộc vận động: “Vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe cộng đồng, nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến tiêu dùng và bán ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp an toàn” và Cuộc vận động “Người nông dân Hà Nội Thanh lịch – Văn minh” do Hội Nông dân thành phố phát động. Điển hình như huyện Đang Phượng với phong trào “Đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ nâng tầm, nhân dân đồng thuận”, huyện Thanh Trì với phong trào “Xây dựng nông t hôn mới gắn với thực hiện năm trật tự văn minh đô thị và vệ sinh môi trường”, huyện Phúc Thọ với cuộc vận động 3 sạch “Nước sạch, Môi trường sạch, Nông nghiệp sạch” …

Có thể nói, các phong trào thi đua, các cuộc vận động được đẩy mạnh gắn với triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, tạo nên những chuyển biến tích cực trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống nông dân. Đến nay, toàn Thành phố đã có 6 huyện (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm) được công nhận chuẩn huyện nông thôn mới và có 368/382 xã (chiếm 96,3%) được UBND Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 ước đạt 55 triệu đồng/người/năm.

Phát huy những kết quả và thành tích đã đạt được, đặc biệt là phát huy vai trò là nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, trong thời gian tới, Hội Nông dân Thành phố tập trung chỉ đạo các cấp Hội chủ động xây dựng kế hoạch, đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng cũng như các chương trình công tác Hội để làm chuyển biến nhận thức của đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân; tập trung xây dựng người nông dân Thủ đô trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế./.

TL