Sau 8 năm thực hiện, toàn Thành phố Hà Nội có 285.349 doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước,
tăng 2,4 lần so với trước khi thực hiện Nghị quyết 09. (Ảnh: Trung Anh)
Những con số “biết nói”
Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 27/2/2012 về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn từ nay đến năm 2020” được ban hành và triển khai từ khóa XV (năm 2012). Đây là 1 trong 2 nghị quyết chuyên đề của Thành ủy Hà Nội khóa XV do một đồng chí Phó Bí thư Thành ủy làm trưởng ban chỉ đạo, điều đó thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Hà Nội đối với lĩnh vực công tác này.
Đến Đại hội XVI, Đảng bộ TP Hà Nội tiếp tục xác định Nghị quyết 09 là một nhiệm vụ trọng tâm, then chốt của công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ 2015 - 2020. Đồng thời, việc thực hiện Nghị quyết cũng chính là cụ thể hóa và thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 18/3/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường công tác xây dựng tổ chức Đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân” trên địa bàn thành phố.
Triển khai thực hiện, Ban Chỉ đạo, các ban Đảng Thành ủy, các quận, huyện, thị ủy và Đảng ủy trực thuộc Thành ủy, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố đã tích cực, nghiêm túc, tập trung thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU. Ban Chỉ đạo các cấp đã kịp thời kiện toàn cơ cấu tổ chức của Ban Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện; duy trì chế độ giao ban Ban Chỉ đạo; thực hiện tốt các đề tài, đề án chuyên đề; đề ra và lãnh đạo thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp mới, sáng tạo, thiết thực….
Và từ đó đến nay, Nghị quyết đã đi vào cuộc sống được 8 năm. Trước khi Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09, toàn Thành phố có 117.740 doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đăng ký hoạt động, nhưng chỉ có 633 tổ chức đảng, với 18.593 đảng viên. Cùng đó, có 2.301 công đoàn cơ sở. Đến nay, sau 8 năm thực hiện, toàn Thành phố có 285.349 doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, tăng 2,4 lần so với trước khi thực hiện Nghị quyết, trong đó, có 2.216 tổ chức đảng, tăng 3,5 lần; kết nạp được 8.411 đảng viên, trong đó có 36 chủ doanh nghiệp tư nhân. Toàn Thành phố cũng đã thành lập được 5.164 tổ chức đoàn thể, phát triển được 365.847 đoàn viên, hội viên.
Những con số “biết nói” trên cho thấy sự cố gắng, nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị với cách làm bài bản, khoa học, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương. Thực tế thời gian qua, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã tổ chức rất nhiều hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, công nhân, người lao động trên địa bàn và tất cả đã góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Cùng với đó, thay vì ngồi chờ doanh nghiệp tự nguyện xin thành lập tổ chức Đảng, một số cấp ủy đã xắn tay vào cuộc, cùng "chia lửa" với doanh nghiệp để từ đó tuyên truyền, vận động, thành lập chi bộ ở những nơi chưa có đủ số lượng đảng viên theo quy định…
Tại huyện Sóc Sơn, sau 8 năm thành lập, Sóc Sơn đã thành lập mới 28 tổ chức đảng, với 168 đảng viên. Cùng với đó, toàn huyện cũng đã thành lập mới 94 tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ với tổng số 2.820 đoàn viên, hội viên. Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Huyền, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp huyện Sóc Sơn chia sẻ: “Nghị quyết 09 của Thành ủy Hà Nội là cầu nối gần hơn, gắn bó hơn giữa Đảng với các doanh nghiệp trên đia bàn huyện Sóc Sơn. Sau khi thành lập, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp huyện Sóc Sơn còn chủ động phối hợp với các ban đảng huyện ủy, các đoàn thể huyện tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp thành lập chi bộ đảng và các tổ chức đoàn thể; tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tham quan dã ngoại nhằm tạo sự gắn kết giữa các doanh nghiệp với tổ chức đảng, đoàn thể”. Còn Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Quang Thanh cho biết: “Việc thực hiện Nghị quyết số 09 trên địa bàn Sóc Sơn, ban đầu với không ít khó khăn nhưng với tinh thần đoàn kết, kiên trì, đổi mới, sáng tạo và trách nhiệm, Nghị quyết đã được cấp ủy đảng, chính quyền, các đơn vị doanh nghiệp chủ động phối hợp thực hiện có hiệu quả. Những kết quả quan trọng đạt được đã khẳng định vai trò, vị trí của công tác xây dựng Đảng, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và của huyện Sóc Sơn trong thời kỳ đổi mới và hội nhập hiện nay.
Tại huyện Thanh Trì, đồng chí Phạm Nguyên Nhung, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy cho biết, từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn huyện đã thành lập 46 tổ chức Đảng với tổng số 294 đảng viên, thành lập 101 công đoàn cơ sở với trên 3.500 đoàn viên, 34 tổ chức Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên với 2.106 đoàn viên, hội viên, thành lập 8 Hội Liên hiệp Phụ nữ với 359 hội viên. Chất lượng hoạt động của các tổ chức Đảng, đoàn thể, ý thức chính trị của chủ doanh nghiệp và người lao động trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước từng bước được nâng cao. Các chi, đảng bộ doanh nghiệp đã thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, tuyên truyền giáo dục đảng viên, người lao động phát huy truyền thống của đơn vị, nâng cao ý thức trách nhiệm để xây dựng doanh nghiệp, xây dựng tinh thần đoàn kết, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm và từng bước cải thiện đời sống người lao động, thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, bảo hiểm xã hội cho người lao động, hằng năm đều hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Tương tự, tại các quận, huyện khác của Hà Nội, việc thành lập chi bộ trong các đơn vị, doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước đã phát huy tốt vai trò tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đạo đức cách mạng cho quần chúng và người lao động, thúc đẩy phong trào thi đua lao động, sản xuất kinh doanh giỏi, góp phần cho sự phát triển của công ty, doanh nghiệp và thực hiện nhiệm vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện hằng năm.
Từ kết quả này, Hà Nội rút ra kinh nghiệm cho thấy, địa phương nào bố trí cán bộ tâm huyết, nhiệt tình triển khai thực hiện công tác xây dựng Đảng, đoàn thể tại doanh nghiệp thì kết quả đạt được rất tốt. Không những thế, chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp được nâng lên; cán bộ đảng viên thực sự trở thành nhân tố tiêu biểu, khẳng định vai trò nòng cốt tại các doanh nghiệp.
Phát huy “đặc sản” đi vào thực chất
Nói về Nghị quyết này, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo nhấn mạnh, Nghị quyết 09 của Ban Thường vụ Thành ủy đã đáp ứng yêu cầu công tác xây dựng Đảng và đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trước tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Quan trọng hơn, hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp đã góp phần giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, đảm bảo thu nhập cho người lao động và góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Kết quả thực hiện Nghị quyết số 09 khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong doanh nghiệp; củng cố niềm tin của cán bộ, nhân dân với Đảng. “Đây không chỉ là hướng đi đúng đắn mà còn đi trước một bước trong xu thế phát triển chung của nền kinh tế nước ta và phù hợp với quan điểm lãnh đạo của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân”, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội khẳng định.
Đồng chí Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 09 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã nhiều lần nhấn mạnh, Nghị quyết số 09-NQ/TU được ví như một "đặc sản" riêng của Hà Nội. "Đặc sản" này xuất phát từ việc bản thân Hà Nội có điều kiện, yêu cầu và có đòi hỏi khách quan về việc cần xây dựng, triển khai thực hiện. Theo Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn, để chăm lo cho các doanh nghiệp phát triển bền vững, việc phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể ở doanh nghiệp là yêu cầu song trùng và khách quan chứ không phải muốn hay không muốn.
Đồng chí Đào Đức Toàn cho rằng, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh về số lượng, Thành ủy luôn chú trọng nâng chất cho các tổ chức Đảng, đoàn thể tại các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, để đây thực sự là những hạt nhân quan trọng giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người lao động. Thành phố đã ban hành những chính sách, cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp thành lập, phát triển; kiện toàn, sắp xếp tổ chức của hệ thống chính trị đồng bộ, thống nhất, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở. Cùng với việc đưa nội dung sinh hoạt theo hướng thực chất, hiệu quả và công tác kiểm tra, giám sát cũng được tăng cường để tổ chức Đảng tại các doanh nghiệp khẳng định được vai trò, vị trí của mình, cùng doanh nghiệp phát triển bền vững hơn…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết 09 vẫn còn một số khó khăn cần khắc phục. Đó là chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài nhà nước có nơi còn hạn chế, hình thức; một số Ban Chỉ đạo quận, huyện hoạt động còn chưa hiệu quả, chưa có kế hoạch cụ thể, chi tiết; công tác rà soát, khảo sát cụ thể ở các doanh nghiệp chưa nhiều so với tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn; vai trò một số tổ chức Đảng trong doanh nghiệp còn mờ nhạt và chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; chất lượng sinh hoạt chi bộ chưa cao, nội dung sinh hoạt còn sơ sài; năng lực, trình độ của một số cán bộ chuyên trách làm công tác này còn hạn chế, chưa tâm huyết với nhiệm vụ được giao…
Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích trong thực hiện Nghị quyết 09.
Trước thực tế này, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn lưu ý, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân về vị trí, vai trò của tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Đồng thời, tiếp thu các kiến nghị để hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo điều kiện tổ chức đảng hoạt động hiệu quả; hoàn thiện mô hình tổ chức đoàn thể đồng bộ với mô hình tổ chức đảng; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm đoàn thể trong doanh nghiệp. Đặc biệt, phải chủ động nắm bắt quá trình triển khai cổ phần hóa các doanh nghiệp để gắn việc thực hiện lãnh đạo tổ chức đảng cũng như các đoàn thể ở các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa một cách kịp thời, hiệu quả.
Từ thực tiễn triển khai Nghị quyết 09-NQ/TU những năm qua, Thành ủy Hà Nội cho rằng, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, bám sát các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, Thành ủy để cụ thể hóa, xây dựng thành những mục tiêu, chương trình, nhiệm vụ cụ thể của cấp ủy cấp mình là nhân tố quan trọng giúp hoàn thành nhiệm vụ phát triển các tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Cùng với phát triển mới, phải quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy vai trò, vị trí của các tổ chức Đảng, đoàn thể, có như vậy việc phát triển mới đi vào thực chất và bền vững. Ngoài ra, phải nâng cao chất lượng, sự nhiệt tình, tâm huyết đội ngũ cán bộ làm công tác này, đi cùng với đó là nâng cao nhận thức của người đứng đầu các doanh nghiệp… Đây là những bài học kinh nghiệm để Hà Nội tiếp tục triển khai hiệu quả Kết luận 80-KL/TW và Nghị quyết 09-NQ/TU trong giai đoạn tới./.