Mô hình nuôi bò lai F1 BBB tại xã Thuần Mỹ (huyện Ba Vì, Hà Nội) đạt hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh: Hữu Tiệp)
Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Hà Nội có 25,5 nghìn con trâu, 139,6 nghìn con bò, đàn lợn có 1.760 nghìn con, đàn gia cầm 38 triệu con. Với số lượng chăn nuôi ở Hà Nội hiện nay, tổng lượng chất thải rắn thải ra từ chăn nuôi gia súc khoảng trên 2,5 triệu tấn/năm, lượng chất thải rắn thải ra từ chăn nuôi gia cầm khoảng 600 nghìn tấn/năm. Đặc biệt, trong chăn nuôi ô nhiễm nước thải chủ yếu từ sản xuất chăn nuôi lợn. Theo tính toán của các nhà khoa học, chăn nuôi lợn thải bình quân ra môi trường khoảng 24 lít/con/ngày, như vậy đối với Hà Nội, cả năm có trên 422 triệu lít nước thải chăn nuôi lợn thải ra môi trường.
Thực tế diễn ra tại huyện Thanh Trì, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Hưng chia sẻ: Công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn do chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún chiếm tỷ lệ cao; trên 50% lượng chất thải trong chăn nuôi trên địa bàn huyện không qua xử lý được xả thải thẳng ra môi trường. Trong tổng số 1.766 hộ chăn nuôi chỉ có 816 hộ có công trình xử lý chất thải chăn nuôi (chiếm 46,2%). Nhiều biện pháp xử lý chất thải đã được các hộ chăn nuôi áp dụng, trong đó có 69 hộ có công trình khí sinh học (biogas) (chiếm tỷ lệ 8,4%); 02 hộ chăn nuôi sử dụng chế phẩm sinh học, làm đệm lót sinh học (chiếm tỷ lệ 0,2%); 745 hộ chăn nuôi sử dụng các biện pháp khác như: ủ, bón cho cây trồng, bán/cho phân gia súc, gia cầm... (chiếm tỷ lệ 91,2%). Tuy nhiên vẫn còn 950 hộ xả thẳng chất thải chăn nuôi ra môi trường, chiếm 53,8%.
Chăn nuôi là thế mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện Ba Vì. Tuy nhiên, Ba Vì cũng đang phải đối diện nguy cơ ô nhiễm môi trường không khí, nước... do chất thải chăn nuôi gây ra. Theo chia sẻ của người dân xã Vân Hòa - một trong những xã chăn nuôi bò sữa trọng điểm của huyện Ba Vì - “Bình quân mỗi ngày mỗi con bò thải ra khoảng 7-10kg phân, 100-200 lít nước tiểu và nước tắm, rửa chuồng... Để xử lý khối lượng chất thải này, các hộ chăn nuôi thường đào hố trong vườn hoặc ngoài đồng ruộng để chứa. Do các hố chứa chất thải chăn nuôi không có mái che và nắp đậy nên khi mưa to, nước thải tràn ra khiến cả làng bị ô nhiễm…”.
Theo phân tích của Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, chăn nuôi trâu bò chủ yếu là nuôi bán công nghiệp, tận dụng thức ăn tự nhiên nên việc gây ô nhiễm không nhiều, còn chăn nuôi gà chủ yếu dùng đệm lót sinh học nên cơ bản không gây ô nhiễm nguồn nước. Ô nhiễm nước thải chủ yếu từ sản xuất chăn nuôi lợn do phần lớn các trang trại chăn nuôi lợn đang áp dụng các quy trình chăn nuôi sử dụng rất nhiều nước để làm mát, vệ sinh chuồng trại; chất thải lỏng trong chăn nuôi lợn xả thẳng ra môi trường hoặc qua hệ thống hầm khí sinh học (biogas), một số ít cơ sở có hệ thống hồ lắng, hồ sinh học để lọc sạch nước thải chăn nuôi trước khi xả ra môi trường.
Nhận định về nguyên nhân dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, đồng chí Chu Phú Mỹ cho biết, mặc dù các hầm khí sinh học (biogas) được xây dựng theo đúng quy chuẩn, tuy nhiên hệ thống này chỉ phát huy đối với các cơ sở chăn nuôi dưới 100 con thì chất lượng nước xả thải cơ bản đáp ứng theo quy định; đối với chăn nuôi từ 100 con trở lên, đặc biệt là các cơ sở chăn nuôi lớn, tập trung từ hàng nghìn con trở lên thì đang gây quá tải cho hệ thống xử lý biogas, chất lượng nước thải ra môi trường không đảm bảo, đã và đang gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (Sở NN&PTNT Hà Nội) Đỗ Quý Hùng cho biết, hiện công tác thu gom chất thải chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Các trang trại nằm xen kẽ trong khu dân cư có quỹ đất nhỏ hẹp, không đủ diện tích để xây dựng các công trình bảo vệ môi trường, xử lý chất thải… Trước thực tế đó, nhiều chính sách và công nghệ xử lý ô nhiễm chất thải chăn nuôi đã và đang được nhiều địa phương áp dụng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Để phát triển chăn nuôi bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giải pháp căn cơ nhất là chăn nuôi tập trung xa khu dân cư. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Như tại huyện Đan Phượng, với khoảng 3.600 hộ và 25 trang trại chăn nuôi, quá trình chăn nuôi làm phát sinh tổng khối lượng nước thải trên địa bàn khoảng 2.500m3/ngày đêm; khoảng 60% nước thải chăn nuôi được xử lý sơ bộ bằng hầm biogas trước khi thải ra môi trường, phần nước thải chăn nuôi còn lại được thải trực tiếp ra môi trường.
Huyện đã đầu tư xây dựng 02 khu chăn nuôi xa khu dân cư với tổng diện tích 35,52 ha; đang xây dựng dự án chăn nuôi xa khu dân cư với diện tích khoảng 50ha để đưa các hộ chăn nuôi trong khu dân cư ra để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. 95% hộ chăn nuôi trâu bò và lợn trên địa bàn đã có hầm biogas để xử lý chất thải chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường. Riêng tại khu chăn nuôi tập trung của bãi Ngũ Châu, xã Trung Châu, 100% các hộ đều có hầm biogas của gia đình, cùng với đó, huyện còn đầu tư cho 02 bể chứa xử lý tập trung (mỗi bể 800m3) để xử lý tiếp trước khi đưa ra môi trường. Ngoài ra, các chất thải chăn nuôi gia cầm đều được thu gom và ủ hoai mục để làm phân bón hữu cơ cho cây trồng.
Còn tại huyện Thanh Trì, cùng với nhiều biện pháp xử lý chất thải hiện đang được các hộ chăn nuôi áp dụng, huyện tiếp tục tuyên truyền bằng nhiều hình thức, trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng để người dân và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh biết và thực hiện nghiêm các quy định trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Huyện cũng kêu gọi các nhà đầu tư, ưu tiên đối với nhà đầu tư sử dụng kinh phí từ nguồn xã hội hóa, vốn tài trợ từ nước ngoài để đầu tư xây dựng các công trình xử lý môi trường, nhất là hệ thống xử lý nguồn nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi. Đồng thời, tổ chức triển khai tuyên truyền, tập huấn về công tác bảo vệ môi trường cho cán bộ, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn đối với việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường.
Thực tế cho thấy, để phát triển chăn nuôi bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giải pháp căn cơ nhất là chăn nuôi tập trung xa khu dân cư. Về vấn đề này, mới đây HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn thành phố Hà Nội. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết thêm, để vấn đề ô nhiễm trong chăn nuôi được xử lý hiệu quả cần phải có lộ trình, cách làm triệt để và giải quyết một cách thấu đáo, đồng bộ tình trạng này. Theo đó, cần áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới để thu gom cơ bản chất thải rắn trước khi đưa vào hệ thống hầm khí sinh học (biogas), sau đó tiếp tục qua một hệ thống hồ lắng, hồ sinh học để lọc sạch nước thải chăn nuôi trước khi xả thải ra môi trường. Trong thời gian qua, thành phố cũng đã có một số đề tài xử lý ô nhiễm trong chăn nuôi đạt hiệu quả tích cực như: Mô hình ứng dụng công nghệ sinh học để xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi bò tại huyện Gia Lâm; Dự án sản xuất thử nghiệm ứng dụng giải pháp khoa học công nghệ trong xử lý chất thải động, thực vật làm phân bón cho sản xuất một số loài rau hữu cơ bản địa (rau bò khai, rau mỏ, rau tầm bóp, rau dớn) tại huyện Thạch Thất; Đề tài nghiên cứu, sản xuất phân bón hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp thông qua chất độn lót chuồng trong chăn nuôi đại gia súc;...
Cũng theo Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ, một trong những giải pháp quan trọng được đưa ra là ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong xử lý chất thải rắn, nước thải để bảo vệ môi trường khu vực nông thôn; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp để xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp xanh, sạch, bền vững, thân thiện với moi trường và không phát sinh chất thải. Cùng với đó, tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, lãnh đạo và cư dân nông thôn về bảo vệ môi trường; xây dựng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, thu hút đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường nông thôn; áp dụng các biện pháp đủ mạnh, có tính răn đe trong giải quyết xung đột về xử lý môi trường;...
Đặc biệt, Sở cũng đã kiến nghị Thành phố ứng dụng công nghệ thu gom cơ bản chất thải rắn và xử lý chất thải rắn trong chăn nuôi lợn; xây dựng mô hình phân loại rác tại nguồn và tái chế chất thải hữu cơ làm phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp;... Đây được coi là những giải pháp mang tính dài hạn để hướng đến mục tiêu kép là bảo đảm an toàn dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường, đồng thời phát triển bền vững ngành chăn nuôi.
Theo Quy hoạch phát triển chăn nuôi Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tiểu vùng gò đồi (gồm các huyện Mỹ Đức, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Quốc Oai và thị xã Sơn Tây), định hướng phát triển tập trung các sản phẩm chăn nuôi chủ lực là bò thịt, bò sữa, lợn thịt, các loại con nuôi đặc sản; Vùng đồng bằng, đối với vùng cao (gồm các huyện huyện Chương Mỹ, Gia Lâm, Quốc Oai, Mê Linh, Thanh Oai, Đông Anh), tập trung phát triển chăn nuôi gà, lợn; đối với vùng thấp trũng (gồm các huyện Ứng Hòa, Phú Xuyên, một phần huyện Mỹ Đức) tập trung nuôi thủy cầm theo hướng trang trại chăn nuôi kết hợp với thủy sản; Vùng bãi ven sông (sông Hồng, sông Đáy, sông Đuống, sông Đà, sông Tích), tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại gắn với việc bảo vệ vành đai xanh của Hà Nội, các loại con nuôi chủ yếu là bò thịt, bò sữa, lợn, gà. |