Hà Nội hiện có 30 quận, huyện, thị đoàn; 579 đoàn xã, phường, thị trấn; 7.824 chi đoàn khu dân cư với 273.358 đoàn viên sinh hoạt trên tổng số 725.855 đoàn viên. Theo Bí thư Thành đoàn Hà Nội Chu Hồng Minh, thời gian qua, công tác cán bộ Đoàn khối địa bàn dân cư có nhiều chuyển biến tích cực, các khâu tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng và luân chuyển cán bộ Đoàn từng bước được nâng lên, đội ngũ cán bộ Đoàn từng bước được chuẩn hóa, tác động tích cực đến chất lượng hoạt động của tổ chức đoàn các cấp.
|
Đội ngũ cán bộ Đoàn khối địa bàn dân cư từng bước được chuẩn hóa, tác động tích cực đến chất lượng hoạt động của tổ chức đoàn các cấp |
Đồng chí Đường Hoài Nam, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Long Biên thông tin, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ Quận ủy đã tập trung chỉ đạo việc rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ Đoàn, quy hoạch cán bộ trẻ mà đối tượng chủ yếu là cán bộ Đoàn. Theo đó, đã có 63 lượt cán bộ Đoàn được quy hoạch Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy phường; 24 lượt cán bộ Đoàn được quy hoạch chức danh lãnh đạo phường, diện Ban Thường vụ Quận ủy quản lý… Không chỉ Long Biên, thường trực các quận ủy, huyện ủy, thị ủy của Hà Nội luôn dành sự quan tâm, tạo điều kiện chuẩn hóa, rà soát, bổ sung quy hoạch đối tượng là cán bộ Đoàn.
Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong công tác cán bộ Đoàn khối địa bàn dân cư như: một số địa phương, đơn vị khi ban hành quy định, tiêu chuẩn đề ra đối với cán bộ Đoàn cao hơn so với Quy chế cán bộ Đoàn; một bộ phận cán bộ Đoàn chưa đạt tiêu chuẩn về độ tuổi, trình độ chuyên môn, lý luận chính trị; một số đơn vị vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc thực hiện công tác quy hoạch, rà soát bổ sung quy hoạch…
Một số địa phương khó lựa chọn và bổ nhiệm cán bộ Đoàn do người đủ điều kiện về bằng cấp lại không có kinh nghiệm, không muốn tham gia công tác Đoàn. Trong khi đó, người có kinh nghiệm, có nhiệt huyết với phong trào thanh niên lại không đủ tiêu chuẩn về bằng cấp để bổ nhiệm bí thư đoàn tại cơ sở. Việc một số cán bộ quá tuổi không được phân công, bố trí vị trí việc làm phù hợp cũng là một trong những vướng mắc dẫn đến một số địa phương chưa tìm được nhân sự bí thư đoàn cơ sở. Hiện toàn thành phố có 66 bí thư đoàn xã, phường, thị trấn quá tuổi; 8 bí thư, phó bí thư đoàn cấp huyện quá tuổi...
Đề cập tới tình trạng thiếu nguồn công chức bổ sung cho tổ chức Đoàn dẫn đến thiếu nguồn cán bộ Đoàn trẻ kế cận, Bí thư Quận đoàn Cầu Giấy Lê Thị Thu Trang chia sẻ một số giải pháp đã và đang được thực hiện như: rà soát đội ngũ cán bộ công chức các phòng, ban khối chính quyền, Đảng, đoàn thể còn trong độ tuổi quy định của Đoàn rồi tham mưu đề xuất với cấp ủy, chính quyền luân chuyển tới công tác cơ quan chuyên trách của Đoàn cấp quận/huyện. Tuy vậy, số cán bộ công chức trong “diện rà soát” đủ điều kiện, đều bày tỏ nguyện vọng không muốn phải điều chuyển đến cơ quan Đoàn chuyên trách mặt khác, số có kinh nghiệm qua hoạt động thực tiễn tại cơ sở nhưng vì không phải là công chức cũng không thể luân chuyển tới cơ quan chuyên trách Đoàn cấp quận/huyện. Việc phát triển “tại chỗ”, hay “sang ngang”, hay “theo ngành dọc cấp trên” đều không khả thi... Đây chính là trở ngại lớn tác động trực tiếp tới đội ngũ cán bộ Đoàn xã, phường đang đương nhiệm, khiến họ luôn trăn trở, lo lắng và có thể làm giảm nhiệt huyết trong công tác đồng thời, là “rào cản” tác động trực tiếp tới những người trẻ, có tài, có nguyện vọng tham gia công tác Đoàn, sẽ chững lại, đắn đo, lựa chọn công việc khác.
Gỡ khó cho công tác cán bộ Đoàn khối địa bàn dân cư
Đồng chí Nguyễn Xuân Phong, Phó Bí thư thường trực Quận ủy Hoàng Mai cho hay, đầu ra cho cán bộ Đoàn, đặc biệt là cấp phường vẫn là nỗi trăn trở đối với cấp uỷ bởi khi Hà Nội thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, cán bộ của UBND phường cơ bản đã ổn định, trong khi một số cán bộ Đoàn khi hết tuổi lại không đáp ứng đủ các yêu cầu cho vị trí công tác còn khuyết. Số lượng cán bộ, công chức trẻ đủ tuổi công tác trong lĩnh vực Đoàn ngày càng ít; một số đồng chí cán bộ rất có năng khiếu, sở trường trong công tác Đoàn, có uy tín đối với thanh niên nhưng lại chưa là cán bộ công chức…
|
Quang cảnhdiễn đàn “Công tác cán bộ Đoàn khối địa bàn dân cư thành phố Hà Nội: Thực trạng và giải pháp” |
Từ thực tiễn địa phương, đồng chí Nguyễn Xuân Phong cho rằng, cùng với giải pháp, mỗi cán bộ Đoàn cần không ngừng học tập nâng cao trình độ, tu dưỡng rèn luyện đạo đức, cầu thị học hỏi có những kinh nghiệm công tác phong phú, đủ các điều kiện sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới, các cấp ủy cần quan tâm, tạo điều kiện cho tổ chức Đoàn, mạnh dạn giao cho cán bộ Đoàn những khâu khó, việc mới để thử thách, rèn luyện và trưởng thành. Đặc biệt, cần ban hành cơ chế chính sách về xét tuyển, thi tuyển đối với đội ngũ Bí thư Đoàn thanh niên các phường khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị để cán bộ Đoàn được đảm bảo quyền lợi, yên tâm công tác, cống hiến và trưởng thành.
Ghi nhận thời gian qua, công tác cán bộ Đoàn thành phố Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực, cán bộ Đoàn được trẻ hóa, có năng lực, trình độ ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu công tác trong giai đoạn mới, phát biểu tại diễn đàn “Công tác cán bộ Đoàn khối địa bàn dân cư thành phố Hà Nội: Thực trạng và giải pháp”, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến khẳng định, đó là kết quả của việc thành phố luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn.
"Nhiệm kỳ 2017-2022, 4 đồng chí thường trực, nguyên thường trực Thành đoàn được tín nhiệm bầu tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố. Đặc biệt, ngay sau Hội nghị đối thoại của đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội với đoàn viên, thanh niên Thủ đô vào tháng 3 vừa qua, Ban Tổ chức Thành ủy đã ban hành Văn bản số 1342-CV/BTCTU ngày 21/4/2022, trong đó, đề nghị Ban Thường vụ các quận, huyện, thị ủy tiếp tục rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ Đoàn để đáp ứng nhu cầu đại hội đoàn cấp huyện; phối hợp với Ban Thường vụ Thành đoàn để lãnh đạo chuẩn bị nhân sự tham gia ban chấp hành nhiệm kỳ 2022-2027, bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn, năng lực, uy tín, số lượng theo quy định của Đảng, Điều lệ Đoàn và Quy chế cán bộ Đoàn", đồng chí Nguyễn Thị Tuyến nói.
Tuy nhiên, Phó Bí thư thường trực Thành ủy cũng chỉ rõ, tại một số đơn vị, công tác cán bộ Đoàn chưa thực sự được quan tâm, dẫn đến tình trạng thiếu hụt cán bộ phải lấy nguồn từ nơi khác. Tỷ lệ cán bộ Đoàn cấp huyện, cấp cơ sở quá tuổi ở khối địa bàn dân cư theo Quy chế cán bộ Đoàn hiện vẫn chiếm trên 11%.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu Ban Tổ chức Thành ủy chủ trì, phối hợp với Ban Thường vụ Thành đoàn làm việc với cấp ủy của các quận, huyện, thị xã để sớm bố trí đầu ra, công tác mới cho các đồng chí cán bộ Đoàn, bảo đảm phù hợp với năng lực, chuyên môn yêu cầu công tác. Đoàn Thanh niên thành phố cần tập trung tham mưu, đề xuất kế hoạch về công tác cán bộ Đoàn của toàn thành phố, trình Ban Thường vụ Thành ủy nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thường trực cấp ủy của 30 quận, huyện, thị xã tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện đối với công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên; đặc biệt là công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng cán bộ và nguồn kinh phí cho hoạt động Đoàn. Đối với mỗi cán bộ Đoàn các cấp, cần không ngừng học tập, nâng cao trình độ, trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn, lý luận đáp ứng những yêu cầu công tác hiện nay./.