Phú Xuyên là huyện có nhiều tín đồ tôn giáo nhất trên địa bàn Thủ đô. Toàn huyện gồm 2 tôn giáo là đạo Phật và đạo Công giáo với khoảng 54.000 tín đồ, chiếm 27% dân số. Đồng bào Công giáo sinh sống tại 15/27 xã, thị trấn của huyện. Những năm qua, đồng bào Công giáo trong huyện thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương; đoàn kết, hưởng ứng và tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do chính quyền, đoàn thể phát động.

Hưởng ứng các phong trào thi đua do chính quyền phát động, đồng bào công giáo Phú Xuyên còn tích cực tham gia các phong trào thi đua “Mỗi người Công giáo tốt là một công dân tốt”, Xây dựng “xứ họ đạo tiên tiến”, “Sống tốt đời đẹp đạo” và các hoạt động của đồng bào Công giáo “Tân phúc âm hoá đời sống giáo xứ và các cộng đồng sống đời sống thánh hiền”. Từ đó, đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trong đồng bào Công giáo, trong đó, nổi bật nhất là việc đồng bào tôn giáo tham gia xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tạo môi trường sống xanh, sạch, đẹp

Giáo hạt Phú Xuyên luôn tuyên truyền bà con xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.

Đồng bào Công giáo nơi đây luôn có đức tin tôn giáo, răn dạy con người sống thương yêu, hòa hợp nhau và tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống, hướng tới chân – thiện – mỹ. Việc tuyên truyền, vận động bà con bảo vệ môi trường được gắn với các buổi nói chuyện chuyên đề, trong các buổi giảng đạo và các ngày lễ tô giáo. Các mô hình “Khu dân cư bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”, “Cơ sở tôn giáo cảnh tịnh, thanh nhã và gương mẫu” rất phát triển ở các giáo xứ Hoàng Nguyên xã Tri Thủy, giáo xứ Trằm Hạ ở xã Quang Lãng, giáo xứ Bái Xuyên, Hà Thao…. Giáo dân ở đây cũng được tuyên truyền không đốt rơm rạ và các giải pháp xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học làm phân hữu cơ. Ngoài ra bà con giáo dân còn tuyên truyền, vận động nhau phân loại, xử lý rác thải từ gia đình, cơ sở tôn giáo, tham gia vệ sinh môi trường vào thứ 6 hằng tuần, thu gom phân loại rác thải, bao bì, vỏ chai nhựa, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư.

Đồng bào Công giáo huyện Phú Xuyên còn gương mẫu thực hiện tốt quy ước làng văn hóa, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, chúc thọ và các phong trào khuyến tài, khuyến học; giữ gìn trật tự an ninh, trật tự giao thông, bào đảm vệ sinh môi trường, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Hằng năm, có khoảng 90% số gia đình Công giáo đạt danh hiệu văn hóa; 27 giáo họ đạt tiên tiến xuất sắc.

Bà con giáo dân đã đóng góp được 95 tỷ đồng và hàng ngàn ngày công xây dựng đường làng xóm ngõ, các công trình công cộng tín ngưỡng góp phần xây dựng nông thôn mới. Thực hiện tốt các cuộc vận động, việc cưới việc tang theo nếp sống mới, văn minh tiến bộ như: đã ủng hô Quỹ người nghèo đạt 367 triệu đồng; Quỹ  “Vì Biển đảo” đạt 134 triệu đồng; Ủng hộ đồng bào lũ lụt trị giá 432 triệu đồng; Quỹ chăm sóc Người cao tuổi đạt 150 triệu đồng, Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ vì trẻ em được 159 triệu đồng; Ủng hộ các Quỹ nhân đạo từ thiện hàng trăm triệu đồng; Vận động thực hiện được 37 ca giáo dân qua đời hoả táng…Thăm, tặng hàng nghìn suất quà cho các hộ chính sách, hộ nghèo Công giáo trong các dịp lễ tết với tổng số tiền 770 triệu đồng; tặng quà, thưởng cho các học sinh nghèo công giáo học giỏi các cấp và thi đỗ đại học trị giá: 120 triệu đồng; ủng hộ, tặng quà cho thiếu nhi Công giáo vui tết Trung thu 340 triệu đồng...

Nông thôn mới gắn với phát triển sản xuất

Tại xã Minh Tân, thôn Bái Xuyên là thôn Công giáo toàn tòng. Trước kia, đường trục xã qua Bái Xuyên chỉ rộng 2,5 m. Khi được Nhà nước đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp đường trục xã, chính quyền địa phương đã vận động người dân hiến đất mở đường. Ngay khi nhận được chủ trương, hơn 100 hộ dân thôn Bái Xuyên hiến hơn 2.200 m2 đất nông nghiệp để mở rộng mặt đường rộng gấp ba lần so với đường cũ. Nhiều đoạn đường nội bộ khu dân cư cũng được người dân hiến đất mở rộng, đóng góp để tôn tạo khang trang. Những hộ dân phải phá dỡ công trình để mở đường lại được các hộ dân khác góp tiền, góp công xây dựng lại công trình bị tháo dỡ. Về kinh tế, xã Minh Tân phát triển những vùng chuyên canh sản xuất rau theo quy trình VietGAP, năng suất cao. Riêng cộng đồng Công giáo ở Bái Xuyên có 80 hộ trồng rau. Nhiều gia đình có thu nhập vài trăm triệu đồng/năm.

Giáo dân xã Tri Thủy, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) tham gia dọn vệ sinh môi trường. Ảnh: mattran.org.vn

Giáo dân tại nhiều xã khác ở huyện Phú Xuyên đều tích cực đổi mới sản xuất, phát triển kinh tế. Giáo họ Chằm Hạ (xã Quang Lãng) có nhiều gia đình Công giáo biến những bất lợi của vùng đất trũng thành lợi thế khi phát triển mô hình VAC, kết hợp nuôi vịt và cây ăn quả cho thu nhập vài trăm triệu đồng/ năm. Xã Đại Thắng là điển hình của quá trình vượt khó xây dựng nông thôn mới. Từ chỗ chỉ đạt một tiêu chí của nông thôn mới vào năm 2011, hiện nay, xã đang nỗ lực xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Quá trình dồn điền, đổi thửa, cơ giới hóa giúp sản xuất tại đây đạt 200 triệu đồng/ha/năm. Song song với đó là phát triển nghề cơ kim khí. Trong thành công chung của cộng đồng, có đóng góp to lớn của đồng bào thôn Công giáo toàn tòng An Mỹ. Tổng số tiền mà đồng bào Công giáo Phú Xuyên đóng góp cho xây dựng nông thôn mới để xây dựng đường làng, ngõ xóm, các công trình công cộng đạt tới 95 tỷ đồng. Hiện 25/25 xã của huyện Phú Xuyên đã đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần đưa huyện Phú Xuyên sớm “về đích” trong xây dựng nông thôn mới.

Phú Xuyên là địa bàn tập trung nhiều đồng bào Công giáo. Những năm qua, đồng bào Công giáo đã đoàn kết cùng người dân địa phương tích cực xây dựng quê hương, xây dựng nông thôn mới, góp phần làm bộ mặt Phú Xuyên ngày càng giàu đẹp.

Quang Hưng