20:33 14/11/2020
print  

Nhiều bài học hữu ích từ chương trình “Vì mái trường xanh”

(ĐCSVN) – Không chỉ giáo dục các em nhỏ ý ​thức bảo vệ môi trường, hình thành thói quen vứt rác đúng nơi quy định, “Vì mái trường xanh” còn giúp những chủ nhân tương lai thực hành các bài học giúp đỡ lẫn nhau một cách rất thiết thực, giản dị.

Trong khuôn viên trường THCS Phú Lương, THCS Kim Hoa và THCS Tiến Thắng mới xuất hiện 03 mô hình rất đặc biêt thu hút sự chú ý của các em học sinh vào mỗi giờ giải lao. Đó là mô hình bản đồ Việt Nam, mô hình Chùa Một Cột và mô hình đèn chùm. Điều thú vị là những mô hình này được làm từ hơn 4.000 chiếc bút bi, dụng cụ học tập Thiên Long đã qua sử dụng do học sinh 10 trường tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố Hà Nội thu gom suốt gần 1 năm qua.

Ban tổ chức chương trình “Vì mái trường xanh” và học sinh trường THCS Tiến Thắng bên mô hình bản đồ Việt Nam.

Đây là những “Công trình măng non”, kết quả hưởng ứng chương trình “Vì mái trường xanh” do Hội Đồng Đội Trung ương phối hợp cùng Nhãn hàng dụng cụ học sinh Điểm 10 thuộc Tập đoàn Thiên Long tổ chức. Chương trình triển khai tại 10 điểm trường tiểu học và trung học cơ sở (THCS) gồm: trường tiểu học Phương Liệt (quận Thanh Xuân); trường THCS Thăng Long, Nguyễn Tri Phương (quận Ba Đình); trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm); trường THCS Đoàn Thị Điểm (quân Nam Từ Liêm); trường THCS Phú Lương (quận Hà Đông); trường THCS Kim Hoa, Đại Thịnh, Mê Linh và Tiến Thắng (huyện Mê Linh).

Lộ rõ vẻ thích thú khi trường có mô hình Chùa Một Cột, Đặng Diễm Quỳnh, học sinh lớp 9A1, trường THCS Phú Lương chia sẻ: “đây là cách làm rất cụ thể để chúng em thấy thay vì sử dụng xong cây bút bi rồi vứt luôn đi thì có thể giữ lại và tạo ra những mô hình hữu ích lại bảo vệ môi trường sống”.

Với Nguyễn Thị Thanh Lộc, học sinh lớp 8B trường THCS Tiến Thắng: “mô hình bản đồ Việt Nam này rất khác với bản đồ trong sách giáo khoa vì được làm từ những chiếc vỏ bút bi, tạo cảm giác quen thuộc, gần gũi, khiến chúng em hứng thú học tập hơn. Khi nhìn bản đồ này, em thấy yêu đất nước mình hơn, bản thân em sẽ cố gắng bảo vệ môi trường và vận động bạn bè, người thân cùng làm theo để giúp đất nước ngày sạch, đẹp”.


Học sinh trường THCS Phú Lương bên mô hình Chùa Một Cột

Cô giáo Bùi Thị Tức Thì, Tổng phụ trách Đội trường THCS Phú Lương nhận xét dù diễn ra trong thời gian không dài nhưng “Vì mái trường xanh” đã giúp nhiều học sinh của cô thay đổi hẳn nhận thức, hành vi. “Trước đây, các loại bút sử dụng xong là các em vứt luôn vào thùng rác, có em thì để chưa đúng chỗ nhưng từ khi có chương trình phát động, các em đều bảo nhau thu gom lại vỏ bút, để đúng nơi quy định và phân loại luôn các loại rác thải”.

Liếu Quyết Thắng, Nguyễn Đức Anh và Khoa Năng Quyền là 3 thanh niên đảm nhận việc hiện thực hóa 03 mô hình từ việc phân loại bút theo màu sắc, kích thước, chủng loại; xử lý bề mặt cũng như lựa chọn các chất liệu kết dính, lên phương án thi công. Dù mất không ít thời gian với nhiều chi tiết tỉ mỉ nhưng những người trẻ này cho biết, đây là chương trình ý nghĩa giúp các em nhỏ hiểu được rằng, một chiếc bút hay bất kỳ vật dụng nào đã qua sử dụng tưởng chừng sự tồn tại của nó là thừa thãi, vô giá trị nhưng nếu biết thu gom và tái chế đúng cách thì vẫn còn rất nhiều tác dụng. 

Theo bà Hoàng Tú Anh, Phó Chủ tịch Hội Đồng Đội Trung ương, ngay từ khi lên ý tưởng và phát động vào tháng 12/2019, “Vì mái trường xanh” nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của không chỉ các em học sinh mà của cả các thầy cô giáo và cha mẹ các em bởi những điều hữu ích mà chương trình mang đến.

Chiếc đèn chùm được làm một cách sáng tạo khiến nhiều học sinh thích thú

 

“Mục đích của những người tổ chức chương trình là hướng đến giáo dục các em nhỏ ý  thức bảo vệ môi trường, hình thành thói quen vứt rác đúng nơi quy định, chia sẻ kiến thức phân loại rác hữu cơ, rác tái chế và các loại rác khác cho những người xung quanh cũng như hướng các em biết quan tâm, chung tay trong việc xử lý rác thải tại địa phương cũng như những vấn đề xã hội khác”, bà Hoàng Tú Anh nói.

Chịu trách nhiệm tổng hợp, kiểm đếm và quy đổi các sản phẩm thu gom được thành các suất học bổng cho mỗi trường với cách tính là 500 đồng cho một sản phẩm, ông Trịnh Văn Hào, Giám đốc Marketing Tập đoàn Thiên Long bày tỏ, chương trình không chỉ hướng những chủ nhân tương lai của đất nước nâng cao nhận thức về vấn đề môi trường là vấn đề mang tính toàn cầu mà còn giúp các em nhỏ phát huy tinh thần tương thân, tương ái, thực hành các bài học giúp đỡ lẫn nhau một cách rất thiết thực, giản dị.

“75 triệu đồng tiền học bổng là nguồn động viên lớn đối với những em học sinh nghèo hiếu học ở các trường, tiếp thêm động lực để các em hăng say học tập, tiếp nhận những kiến thức mới. Hơn nữa, khi mà các em học sinh tại 10 điểm trường nỗ lực đóng góp các sản phẩm Thiên Long đã qua sử dụng vào “Công trình măng non” thì Tâp đoàn Thiên Long cũng dành nguồn lực nghiên cứu cho ra các sản phẩm thân thiên với môi trường. Đó có thể là những chiếc bút gel, bút bi, bút lông bảng… thế hệ mới, dễ dàng thay thế ruột bút sau khi hết mực, giúp gia tăng vòng đời sản phẩm, hạn chế tối đa viêc học sinh thải ra môi trường những dụng cụ học tâp đã qua sử dụng. Đó cũng có thể là những chiếc chuốt chì tiện dụng mà các em có thể tích hợp với chai nhựa để chứa mảnh vụn và tái sử dụng được chai nhựa đó. Kết quả của chương trình năm nay là tiền đề để những năm tiếp theo, chúng tôi tiếp tục tổ chức chương trình, nhân rộng “Công trình măng non” đến nhiều trường học trên cả nước”, ông Hào bày tỏ./.

Gia Hưng
  

  • Tin đọc nhiều