Khu sinh hoạt chung của các gia đình trong ngõ 4 Hàng Gà. (Ảnh: Dan tri)
Theo Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh, quy hoạch phân khu nội đô đã xác định tính chất và chức năng chủ yếu đối với khu vực phố cổ, phố cũ, hồ Gươm và phụ cận. Theo đó, khu vực phố cổ được xác định là khu vực đô thị cổ có giá trị về lịch sử và văn hóa, các chức năng chủ yếu gồm: thương mại, dịch vụ, du lịch kết hợp với nhà ở, các công trình công cộng phục vụ cho cộng đồng dân cư.
Khu vực hồ Gươm và phụ cận là vùng thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội, các chức năng chủ yếu gồm: trung tâm văn hóa hành chính, thương mại, dịch vụ, du lịch kết hợp với nhà ở, các công trình công cộng phục vụ cho cộng đồng dân cư, di tích lịch sử - văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng.
Điều đó cũng có nghĩa là khoảng 215.000 người dân đang sinh sống tại khu vực phố cổ, phố cũ, hồ Gươm cùng vùng phụ cận sẽ được di chuyển tới nơi khác sinh sống. Cũng bởi thế mà với việc thành phố Hà Nội thông qua Quy hoạch phân khu khu vực nội đô, một lần nữa, việc giãn dân trong khu phố cổ lại trở thành vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm và đặt câu hỏi làm thế nào để thực hiện hiệu quả khi khu vực này vẫn đang là mảnh đất “ăn nên làm ra” đối với nhiều người.
Vì trên thực tế những năm qua, dân số tại các quận nội đô không những không giảm mà còn tăng tới 1,2 triệu người. Phân tích của TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy học - Kiến trúc Hà Nội cho biết, nguyên nhân chính đến từ 3 vấn đề tồn tại: Thứ nhất là do các vấn đề thủ tục, pháp lý. Thứ hai là vướng mắc trong cải tạo, xây dựng các khu chung cư mới cùng các nhà chung cư trong nội đô. Thứ ba là chưa tạo điều kiện thuận lợi, mức giá ưu đãi cho người di dời ra khỏi khu vực này.
Điều đáng nói nữa là đây không phải lần đầu tiên vấn đề giãn dân phố cổ được đề cập. Hơn 2 thập niên trước, từ năm 1998, UBND thành phố Hà Nội đã có chủ trương di dân phố cổ với mục tiêu giảm mật độ dân cư cùng áp lực lên cơ sở hạ tầng tại khu vực này. Tuy nhiên, đến nay, chủ trương đó đã không thể về đích đúng thời hạn. Điều đó có nghĩa là một bài toán đã kéo dài hơn 20 năm mà chưa tìm ra cái kết thỏa đáng. Vì theo số liệu từ Tổng điều tra dân số lần thứ 5 cho thấy, khu vực quận Hoàn Kiếm (bao gồm toàn bộ khu phố cổ), mật độ dân số đạt 39.830 người/km2, gấp 137,3 lần mật độ dân số toàn quốc. Hầu hết các hộ dân nằm trong diện di dời theo đề án giãn dân phố cổ, bắt buộc cũng như tự nguyện, vẫn cố bám trụ tại nơi ở cũ.
Câu hỏi đặt ra là vì sao một chủ trương hoàn toàn phù hợp nếu được thực hiện sẽ vừa đạt mục đích bảo tồn, phát huy giá trị của di sản phố cổ, vừa cải thiện đời sống người dân trong khu vực lại gặp trở ngại khi thực hiện. Sự chậm trễ của đề án giãn dân phố cổ được chỉ ra với nhiều lý do, thậm chí là cả những tranh cãi. Từ cơ chế, chính sách đền bù, phương án di dời đến tập tục, văn hóa và cả sinh kế lâu dài cho những “người phố cổ”.
Trong khi đó, giãn dân là một đề án thực sự cần thiết, mang ý nghĩa xã hội cao, không chỉ mang lại lợi ích cho người dân mà cả cộng đồng. Bởi phố cổ hiện tại đang chất tải quá mức, khiến cho hạ tầng không còn được đảm bảo và bộ mặt của khu vực này đang trở nên nhếch nhác, mất vệ sinh, thậm chí là không an toàn.
Do đó, để đề án giãn dân phố cổ đi vào cuộc sống, để di sản phố cổ được bảo tồn và phát huy tốt hơn, các chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó nhất thiết phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong cán bộ và các tầng lớp nhân dân. Phải tuyên truyền làm sao để mỗi người dân thấy và thể hiện tình yêu Hà Nội bằng việc tích cực tham gia đề án, tạo điều kiện để các cơ quan thực hiện tốt công tác bảo tồn khu phố cổ.
Cùng với đó phải xác định rất rõ các loại đối tượng giãn dân để có chính sách thích hợp từ chất lượng công trình đến địa điểm tái định cư. Phải xác định nơi đến thuận tiện cho người dân, có chất lượng sống cao hơn chỗ ở trong nội đô. Cùng với đó phải có những cơ chế, chính sách đền bù, tái định cư phù hợp…
Và có lẽ quan trọng nhất là câu chuyện sinh kế lâu dài khi đến nơi ở mới. Bởi thực tế thời gian qua, việc đưa một số hộ dân phố cổ sang các tòa nhà tại quận Long Biên đã cho thấy rõ ràng rằng nếu giãn dân mà chỉ quan tâm đến chỗ ở mà chưa tạo điều kiện về sinh kế thì rất khó để giãn dân đi. Một chuyên gia về Hà Nội đã diễn đạt điều này bằng một câu hỏi: 1m2 phố cổ có thể nuôi được cả một gia đình 5 người, nhưng 10m2 ở Việt Hưng liệu có nuôi nổi 1 người?
Từ đó có thể thấy, với tất cả những gì chúng ta đã phân tích ở trên, đề án giãn dân nếu chúng ta chỉ đơn thuần đưa ra các mốc thời hạn, di chuyển từ ngày này đến ngày kia, với giá đền bù chỉ có chừng đó, thì đương nhiên người dân sẽ tính toán, sẽ lo lắng và họ sẽ không muốn rời đi.
Bởi rốt cuộc, chỉ khi người dân cảm thấy yên tâm về tương lai, về sự an toàn trong đời sống của cả gia đình mình thì họ mới có thể tham gia đề án một cách tự nguyện và đề án mới có cơ hội phát triển bền vững.
Quả thật, để thỏa nguyện lòng dân và hài hòa lợi ích giữa các bên với một việc lớn như di dân phố cổ là vô cùng khó khăn và nó đã từng không thành công trong quá khứ. Nhưng chính những thách thức đang đặt ra đó đòi hỏi cần sự đột phá trong tư duy của người trong cuộc, nhất là sự đồng thuận của người dân và đòi hỏi chính quyền các địa phương phải thực hiện quyết liệt với những giải pháp đồng bộ khả thi hơn. Có như vậy việc giãn dân khu vực nội đô mới đạt được kết quả như kỳ vọng với mục đích của quy hoạch là làm sao để người dân được hưởng thụ điều kiện tốt nhất mới có thể trở thành hiện thực./.