Quang cảnh buổi làm việc.


Chiều 28/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với thành phố (TP) Hà Nội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm, nhiệm vụ còn lại của năm 2021 và xem xét chỉ đạo một số khó khăn, vướng mắc của TP.

Cùng chủ trì buổi làm việc có đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Tham dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và TP Hà Nội.

Nhiều chỉ số tăng cao so với cùng kỳ năm trước

Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, TP Hà Nội thực hiện khá hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Sản xuất kinh doanh 3 tháng đầu năm 2021 có tín hiệu khởi sắc rõ nét. GRDP ước tăng 5,17% - gấp 1,25 lần mức tăng cùng kỳ (quý I/2020 tăng 4,13%). Hầu hết các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đều tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ.

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 72.745 tỷ đồng, đạt 29% dự toán, bằng 99% so với cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương thực hiện 14.192 tỷ đồng, đạt 13,1% dự toán, trong đó: Chi đầu tư phát triển 4.212 tỷ đồng, đạt 8,2% dự toán; Chi thường xuyên 9.980 tỷ đồng, đạt 21,1% dự toán. Tổng vốn đầu tư xã hội ước đạt 67.165 tỷ đồng, tăng 8,2% - gấp 1,58 lần so với cùng kỳ (quý I/2020 tăng 5,2%). Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 101,5 triệu USD. Thu hút 20 dự án đầu tư vốn trong nước, tổng số vốn 3.241 tỷ đồng. Cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 2.622 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 23.610 tỷ đồng (giảm 2% về số lượng doanh nghiệp nhưng tăng 7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ); Có 765 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 212% so với cùng kỳ.

Bên cạnh kết quả tích cực nêu trên, ngành du lịch vẫn khó khăn, khách du lịch giảm mạnh do bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội là 280 nghìn lượt, giảm 87,7% (quý I/2020 giảm 47,2%), trong đó: khách quốc tế 50 nghìn lượt, giảm 92,5% (quý I/2020 giảm 36,9%); khách nội địa 230 nghìn lượt, giảm 85,7% (quý I/2020 giảm 48,2%)…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu dự buổi làm việc.


9 tháng cuối năm 2021, TP Hà Nội tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra từ đầu năm, nhất là 238 nhiệm vụ tại Chương trình hành động số 14/CTr-UBND, trong đó tập trung hoàn thành 83 nhiệm vụ của quý I, triển khai thực hiện 79 nhiệm vụ của Quý II, đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Tập trung thực hiện các giải pháp phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng, cơ cấu lại các ngành kinh tế. Tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục đầu tư, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp; Thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án… Tập trung triển khai thực hiện 02 Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội.

Kiến nghị tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Hà Nội trên mức 35%

Tại buổi làm việc, nhiều vấn đề được Hà Nội tập trung đề xuất, kiến nghị với Chính phủ. Trong đó, Hà Nội kiến nghị sớm ký ban hành Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị quyết số 97/2019/QH14 để TP Hà Nội triển khai thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị. TP kiến nghị tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Hà Nội trên mức 35% để đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô giai đoạn 2022-2025.

Với các dự án giao thông trọng điểm, Hà Nội kiến nghị Chính phủ xem xét, cân đối nguồn lực, báo cáo Quốc hội xem xét đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 quốc gia 4 dự án lĩnh vực giao thông với nhu cầu vốn 21.351 tỷ đồng giúp tăng cường khả năng kết nối, lan tỏa vùng.

Ngoài ra, TP kiến nghị Chính phủ giải quyết một số khó khăn, vướng mắc, khi triển khai đầu tư một số tuyến đường sắt đô thị; chấp thuận chủ trương điều chỉnh tăng tỷ lệ đất đô thị và nông thôn toàn TP lên 40% - 60% (Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì tỷ lệ là 30% - 70%); cho phép nghiên cứu quy hoạch sân bay dân dụng thứ 2 tại địa bàn TP để đáp ứng nhu cầu vận chuyển khoảng 100 triệu hành khách/năm.

Về công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, để thực hiện được chủ trương mang tính xã hội và yêu cầu tái thiết đô thị cao, Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép TP Hà Nội xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để triển khai, thực hiện các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội ban hành Nghị quyết…

Tại buổi làm việc, đại diện các bộ ngành Trung ương ghi nhận, đánh giá cao những kết quả phát triển kinh tế - xã hội của TP Hà Nội. Đồng thời trao đổi, thảo luận những vấn đề mà TP kiến nghị, tập trung vào 1 số vấn đề như: Việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị; vấn đề tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Hà Nội để đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; chủ trương đầu tư các cầu lớn vượt sông Hồng; giải pháp hỗ trợ thành phố thực hiện các dự án giao thông trọng điểm giúp tăng cường khả năng kết nối và lan tỏa vùng. Các bộ, ngành cũng đưa ra hướng giải quyết một số khó khăn, vướng mắc của Hà Nội khi triển khai đầu tư một số tuyến đường sắt đô thị; vấn đề điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; công tác cải tạo, xây dựng chung cư cũ...... Tinh thần chung được các bộ ngành khẳng định là sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng TP xem xét, phê duyệt những chủ trương hết sức quan trọng và cần thiết cho sự phát triển của thủ đô trong thời gian tới.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc. 


Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Hà Nội hướng tới siêu đô thị, bộ mặt đô thị đã có sự thay đổi nhanh chóng theo hướng văn minh hiện đại, khẳng định động lực, hạt nhân cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. TP đứng trước nhiều cơ hội, thách thức đan xen, trong đó xu hướng đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ. Càng đầu tư càng hấp dẫn, càng đẹp nhân dân đổ về càng nhiều, dẫn đến tình trạng quá tải, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông…

Đồng tình với các kiến nghị của Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Hà Nội tập trung điều chỉnh quy hoạch tổng thể gắn với vùng thủ đô Hà Nội, tạo ra phát triển đô thị vệ tinh hấp dẫn mới tạo rào cản để không tăng dân số quá nhanh. Trong quá trình đó lấy 2 trục sông Hồng để phát triển, hạn chế nhà cao tầng. Phát triển đô thị nén ra phía Bắc sông Hồng như là phố Đông của Thượng Hải, Trung Quốc...

Đổi mới sáng tạo gắn với thực hiện đồng bộ 3 đột phá chiến lược

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao những kết quả về kinh tế - xã hội mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hà Nội đã đạt được trong năm 2020 và 3 tháng đầu năm 2021, nhất là trong điều kiện đại dịch COVID-19 hoành hành. Diện mạo Thủ đô ngày càng thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại. Hà Nội là 1 trong 7 địa phương dẫn đầu về năng lực cạnh tranh. Chỉ số cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin thuộc nhóm đầu. Thành phố thực hiện tốt “mục tiêu kép”.Trên 50.000 người từ Hải Dương về Hà Nội nhưng đã kiểm soát tốt, hạn chế dịch bệnh lây lan ra cộng đồng…

Thủ tướng cho rằng, những tồn tại, hạn chế đã được thảo luận rất kỹ, rất sâu sắc trong các văn kiện và tại Đại hội của Đảng bộ. Thành phố đang rất quyết tâm, ra sức khắc phục, xử lý những hạn chế đó như về việc tạo các “đột phá lớn” và tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; về năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm chủ lực, mũi nhọn của Thủ đô; về bảo tồn, khai thác, phát huy vai trò của văn hóa; về phát triển nhanh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo...

Tuy vậy, Thủ tướng cho rằng, các ý kiến thảo luận tại hội nghị nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại không chỉ là kinh tế mà cả vấn đề văn hóa, đổi mới sáng tạo là những vấn đề rất đáng lưu tâm. Đó là TP chưa trình Thủ tướng quy hoạch TP giai đoạn 2021-2030; cải tạo chung cư cũ còn nhiều bất cập; lúng túng về cơ chế, chính sách…

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, trung tâm giao lưu quốc tế của cả nước; không chỉ đơn thuần về phát triển kinh tế, đô thị mà cả các yếu tố chính trị, văn hóa. Thủ tướng nhắc lại lời căn dặn của Bác Hồ: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta, thế giới trông về Thủ đô ta, nên Thủ đô ta phải phấn đấu để trở thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”... Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh nội dung phát triển Hà Nội là TP giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, thông minh và hội nhập; hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa Việt Nam hài hòa với những giá trị văn hóa nhân loại tiến bộ, là một thành phố đáng sống. Hà Nội có dày đặc di sản vật thể và phi vật thể, nên cần có kế hoạch đầu tư tôn tạo, giữ gìn, đặc biệt khu Hoàng thành Thăng Long.

Thủ tướng nhất trí quan điểm phát triển đối với Hà Nội là “xanh, sạch, bảo tồn và kỷ cương”, xây dựng TP năng động và hội nhập, TP kiến tạo phát triển, môi trường kinh doanh thuận lợi...

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng quà TP Hà Nội.


Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị cả hệ thống chính trị TP tập trung cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ, Đại hội XIII của Đảng; tập trung Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ và làm tốt công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Thủ tướng cũng lưu ý, TP tiên phong trong thực hiện “mục tiêu kép” một cách kịp thời, năng động. Trong quá trình đó, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế trên cơ sở ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với thực hiện đồng bộ 3 đột phá chiến lược. Hà Nội cần đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị; cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số; phát triển nguồn nhân lực, quản trị của một đô thị…

Về việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, Thủ tướng cho biết, sẽ sớm có Nghị định về vấn đề này để TP Hà Nội triển khai thực hiện.../.

Thu Hà