Ảnh minh họa. (Nguồn: VTC.VN)


Những ngày qua, thông tin Hà Nội dự kiến sẽ thu phí ô tô vào nội đô nhằm giảm ùn tắc giao thông… đã tốn không ít giấy mực của giới truyền thông. Thậm chí, nó trở thành “chủ đề nóng” gây tranh luận nhiều chiều. Người ta bàn tán mọi lúc, mọi nơi: ở chợ, hàng ăn, quán nước, taxi, xe ôm… đi đâu cũng thấy tranh cãi lý lẽ đúng - sai… Cuốn theo câu chuyện này, có lẽ không thiếu thành phần nào trong xã hội, trong đó có cả tôi và bạn.

Việc thu phí ô tô vào nội đô không phải là chuyện mới lạ ở các đô thị lớn trên thế giới. Nhưng ở ta, đây lại là câu chuyện “dậy sóng” dư luận xã hội thời gian qua và dường như chưa có hồi kết. Tại sao quanh câu chuyện này lại có nhiều tranh cãi và những phản ứng mạnh mẽ của dư luận đến vậy? Có lẽ, cộng đồng chưa muốn Hà Nội thực hiện việc thu phí ô tô vào nội đô khi chưa đủ các yếu tố thuyết phục hoặc những tính toán kĩ lưỡng. Đơn cử như dự án tuyến buýt nhanh (BRT) của Hà Nội đến nay vẫn gây nhiều tranh cãi về tính hiệu quả thực sự. Người ta chỉ thấy phần lớn những người tham gia giao thông trên tuyến đường có làn buýt nhanh (BRT) này đều ngán ngẩm và ca thán mà thôi. Vì thế người ta hoài nghi về tính hiệu quả khi thực hiện thu phí ô tô vào nội đô và liệu chủ trương này của Hà Nội là đúng hay sai, nên hay không?

Đúng là không hề dễ dàng để có câu trả lời thỏa đáng cho vấn đề này. Và đã có không ít những tranh luận nảy lửa về đề án thu phí ô tô vào nội đô của Hà Nội được phản ánh hầu hết trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo đài, mạng xã hội và cả những tranh cãi vỉa hè… Người viết bài này nhận thấy rằng, những luồng tranh luận trái chiều xoay quanh câu chuyện này chia thành hai phe, ủng hộ và phản đối. Quan điểm của bên nào cũng có lý cả, mà đúng là có lý thật, nếu như chỉ dừng lại ở những góc nhìn và lý lẽ mà các bên đưa ra trong các bài viết hay lập luận của các bác taxi, bác xe ôm… và tất nhiên, chính quyền Hà Nội cũng có lý lẽ riêng của mình.

Theo đó, không ít ý kiến cho rằng, việc thu phí ô tô vào nội đô của Hà Nội chưa chắc đã giải quyết được bài toán ùn tắc giao thông, thậm chí còn làm gia tăng mật độ dân cư lưu trú trong khu vực nội đô và gây ùn ứ ở các cửa gõ ra vào nội đô là điều khó tránh khỏi, vô hình trung phí lại chồng phí mà tắc vẫn hoàn tắc. Bởi nếu hạ tầng và các phương tiện giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân kể cả trong khu vực nội đô và ngoại đô thì biện pháp thu phí ô tô vào nội đô mới chỉ dừng lại ở lợi ích là tiền thu phí của người dân mà thôi.

Chiều hướng này sẽ có hai giả thiết xảy ra, trường hợp thứ nhất, nếu người dân không muốn trả phí ô tô vào nội đô thì phải lựa chọn phương tiện khác hoặc đi xe cá nhân đến điểm trung chuyển (bến bãi) để gửi xe và sử dụng phương tiện giao thông công cộng để vào nội đô, lúc này sẽ phát sinh phải trả cả phí gửi xe và phí sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Giả sử, phí gửi xe ô tô tính theo giờ, có khi phí gửi xe còn cao hơn phí vào nội đô, nếu thế thì người ta sẽ chấp nhận trả phí để vào nội đô thay vì phải trả phí nhiều lần, như vậy chính quyền chỉ thu được phí mà chưa giảm được lượng xe ô tô vào nội đô. Trường hợp thứ hai, nhằm giảm chi phí và cả những phiền toái đi lại, người ta sẽ tìm cách mua nhà hoặc thuê nhà để chuyển vào nội đô sinh sống nếu như không thể thay đổi kế sinh nhai - chỗ làm việc. Như vậy chính sách thu phí ô tô vào nội đô vô tình lại làm tăng mật độ dân cư khu vực nội đô.

Như vậy, việc thu phí ô tô vào nội đô nhằm hạn chế ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường… khó mà đạt được mục đích đặt ra. Bởi người dân sinh sống bên ngoài khu vực nội đô nhưng làm việc trong khu vực nội đô hoặc có công việc bắt buộc phải vào khu vực nội đô thì không có cách nào khác, chỉ có thể phải chấp nhận trả phí để vào nội đô hoặc lựa chọn phương tiện khác. Nhưng, liệu những phương tiện giao thông công cộng đã đáp ứng được nhu cầu thay thế phương tiện cá nhân cho người dân hay chưa? Trong khi mạng lưới vận tải hành khách công cộng của của Hà Nội mới chỉ đáp ứng 17,5% nhu cầu đi lại của người dân. Nếu chưa lường trước được tình huống này thì đúng là Hà Nội mới chỉ tính đến việc thu phí vào nội đô mà thôi.

Phải chăng, đây cũng là nguyên nhân gây phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng, những tranh luận trái chiều trong dư luận xã hội thời gian qua đối với Đề án thu phí vào nội đô của Hà Nội, và dường như chưa có hồi kết. Có điều, phần lớn những tranh luận cơ bản mới dừng lại ở những khía cạnh, góc nhìn trong những phạm vi nhất định. Còn thiếu hoặc rất ít tổ chức, cá nhân có phản biện hoặc đưa ra những giải pháp mang tính tổng thể tối ưu hơn cả cho vấn đề này. Vì thế mà các luồng tranh luận trái chiều minh chứng cho việc Hà Nội dự kiến sẽ thu phí ô tô vào nội đô là chủ trương được phe ủng hộ cho là “đúng” và nên thực hiện, còn phe phản đối lại cho là “sai” và không nên thực hiện.

Đúng là nan giải. Còn rất thiếu những căn cứ để nhận định chủ trương này là “đúng hay sai” nên hay không nên thực hiện, nhất là khi Hà Nội chưa chỉ rõ cho người dân về những luận cứ khoa học thực sự thuyết phục cả lý luận lẫn thực tiễn hoặc thông tin về những tình huống đặt ra đã được Hà Nội lường trước ở các khía cạnh khác nhau về những tác động của việc thu phí ô tô vào nội đô đối với xã hội cũng như lợi ích thực sự của việc này đem lại là những gì. Nếu như thiếu những báo cáo điều tra, khảo sát thì người ta khó có thể xác định được chủ trương thu phí ô tô vào nội đô của Hà Nội đã phù hợp hay chưa, càng khó xác định được chủ trương này là “đúng hay sai”.

Đó là tất cả những gì mà công chúng thấy được xoay quanh câu chuyện Đề án thu phí ô tô vào nội đô của Hà Nội. Cho đến hiện tại, chưa có thống kê nào xác định được mức độ về tỷ lệ ủng hộ thu phí ô tô vào nội đô lớn hơn hay phản đối lớn hơn thông qua những bài viết được giới truyền thông đăng tải cũng như phản ứng của dư luận xã hội.

Theo quan điểm cá nhân người viết bài này, Hà Nội cần xác định việc thu phí ô tô vào nội đô phải phù hợp và đồng bộ với các điều kiện khác về nguồn lực, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật giao thông… thậm chí phải xét đến thói quen, văn hóa giao thông của người dân, đâu là những điều chỉnh cần phải có lộ trình để thực hiện.

Vấn đề ùn tắc giao thông luôn là chủ đề nhức nhối đối với không chỉ riêng quốc gia nào. Để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông là không hề dễ dàng. Giải pháp tháo gỡ ùn tắc giao thông là vấn đề lớn của toàn xã hội, không chỉ của riêng chính quyền, của một ngành, một lĩnh vực nào. Vì vậy cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng ủng hộ của người dân. Không xem việc áp dụng biện pháp thu phí vào nội đô là “cây đũa thần” để giảm ùn tắc giao thông, cần phải thực hiện nhiều nhóm giải pháp tối ưu, đồng bộ để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông nội đô không chỉ trong ngắn hạn mà còn phải mang lại hiệu quả lâu dài trong tương lai.

Thiết nghĩ, Hà Nội cần thực hiện có hiệu quả Quyết định số 130/2015/QĐ-TTg về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội. Hạn chế cấp phép xây dựng các khu chung cư, nhà cao tầng trong khu vực nội đô. Đồng thời thực hiện tốt Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 25/10/2022 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, có như vậy, những nhóm giải pháp tổng thể về giảm ùn tắc giao thông nội đô sẽ có tính đồng bộ, tối ưu và khả thi cao.   

Tất nhiên, không có giải pháp nào dễ dàng và hoàn hảo hay một mô hình lý tưởng để sao chép, bắt chước y nguyên. Nhưng không nên và không thể, hễ đụng đến những bất cập… thì chúng ta lại phải sáng tạo những chính sách mang tính tạm thời hoặc bắt chước một cách rập khuôn, máy móc mà thiếu hẳn những nghiên cứu căn cơ phù hợp với nguồn lực và điều kiện, hoàn cảnh thực tế. Như thế là sử dụng những biện pháp mang tính ngắn hạn để giải quyết tình thế thì không khác gì “đẽo cày giữa đường”. Nói cách khác như thuật ngữ của ngành y vẫn dùng, đó là chúng ta kê đơn bốc thuốc để chữa trị triệu chứng chứ chưa phải toa thuốc để chữa trị nguyên nhân, mà đã chữa trị triệu chứng, hễ hết thuốc thì bệnh vẫn có nguy cơ tái phát là chuyện bình thường.

Quả thực, trước một chủ trương, chính sách nào đó, bao giờ cũng tồn tại những phản ứng tích cực và tiêu cực của dư luận xã hội - những chủ thể, đối tượng chịu sự điều chỉnh bởi chính chủ trương, chính sách đó. Vì vậy, một chủ trương, chính sách được cho là tối ưu thì bao giờ cũng phải hướng đến những lợi ích của số đông, lợi ích của người dân, lợi ích của xã hội và phù hợp với xu hướng phát triển tất yếu, đặc biệt là sự phát triển chung của quốc gia.

Muốn vậy, chính quyền phải lắng nghe những phản biện của báo chí truyền thông, lắng nghe các nhà khoa học và người dân để chủ trương chính sách đưa ra phải phù hợp, khả thi và được phân tích căn cơ về mọi mặt, về sự tác động cả hai mặt tích cực lẫn tiêu cực của nó trong ngắn hạn và dài hạn. Đồng thời, nhất định phải có tính kế thừa, học hỏi từ những mô hình của quốc tế để xác định tính phù hợp về thời điểm, điều kiện cơ sở vật chất, văn hóa cũng như đồng bộ về các nguồn lực của xã hội để thực thi chủ trương, chính sách thực sự mang lại hiệu quả lâu dài cho xã hội và Nhân dân./.

Khắc Trường

Khắc Trường