Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng động viên người dân huyện Đan Phượng trong diện GPMB. 


Từ nhiều năm nay, chuyện GPMB luôn là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, tác động trực tiếp đến đối tượng sử dụng đất, các thành phần kinh tế, đặc biệt là đến đời sống của người dân, hộ gia đình.

Thực tế cho thấy hầu như toàn bộ các công trình, dự án ở các địa phương khi thực hiện GPMB đều có những khó khăn, vướng mắc như: Việc xác định nguồn gốc đất, giá đất, đơn giá tài sản, vật kiến trúc, cây cối… để tính bồi thường.

Mặt khác, khi có thay đổi về chính sách, đơn giá bồi thường, dẫn đến có sự so sánh, khiếu nại về chính sách cũ và mới làm gián đoạn tiến độ thực hiện dự án. Khi khiếu nại, khiếu kiện xảy ra sẽ dẫn đến việc việc gián đoạn dự án, thậm chí làm cho một số dự án kéo dài rất lâu, chậm được đưa vào sử dụng, làm phát sinh, “đội” chi phí lên rất nhiều.

Trên thực tế, hàng nghìn dự án chậm tiến độ, kéo dài nhiều năm sau thời hạn phải đưa vào vận hành, thậm chí bị nhà thầu thi công đòi bồi thường hàng trăm triệu USD do chậm bàn giao mặt bằng là một bài học đau xót với các dự án hạ tầng quy mô hàng nghìn tỉ đồng đã được triển khai trên khắp cả nước. Những vướng mắc phát sinh chủ yếu từ công tác GPMB đặt ra bài toán phải có một hướng tiếp cận và cách xử lý hoàn toàn mới với vấn đề tưởng như quá cũ này.

Xác định rõ điều đó, khi thực hiện Dự án đường Vành đai 4 - dự án quan trọng quốc gia, được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 với tổng chiều dài khoảng 112,8km, tổng mức đầu tư dự án là 85.813 tỷ đồng, thành phố Hà Nội xác định công tác tuyên truyền phải đi trước một bước nhưng phải bài bản, linh hoạt, sáng tạo để tạo được sự ủng hộ, đồng thuận của người dân….

Hà Nội đặt mục tiêu khởi công đường Vành đai 4 trong tháng 6/2023, hoàn thành cơ bản trong năm 2026, đưa vào khai thác từ năm 2027. Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh – những địa phương có đường Vành đai 4 đi qua đã ký cam kết giao ước thi đua trong công tác GPMB và tái định cư cho Dự án. 3 địa phương thống nhất xác định phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp trước ngày 30/6/2023 để phục vụ khởi công Dự án và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023.

Để thực hiện mục tiêu này, thành phố Hà Nội luôn xác định công tác dân vận là giải pháp “mềm”, “đi trước, mở đường” nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân, đưa chính sách bồi thường được “đến gần” với người dân, hạn chế phát sinh các khiếu nại. Công tác GPMB lan tỏa đến từng cấp, ngành, người dân...

Thế là từ sau Tết Quý Mão tới nay, Ban Dân vận Thành ủy, MTTQ, Hội Nông dân... các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội đã ký kết công tác thi đua trong GPMB dự án đường Vành đai 4. Theo Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Đỗ Anh Tuấn, công tác GPMB là lĩnh vực khó nhất, phức tạp nhất khi triển khai mỗi dự án đầu tư xây dựng, đặc biệt là đối với Dự án trọng điểm quốc gia đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, khi khối lượng di dời GPMB rất lớn. Trong khi công tác dân vận, công tác vận động Nhân dân, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân có vai trò rất quan trọng đối với công tác GPMB.

Chính vì thế, Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội đã làm việc với Ban Dân vận các quận, huyện để xây dựng kế hoạch, triển khai nhiệm vụ tuyên truyền, vận động Nhân dân nắm rõ được chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước trong thực hiện dự án trọng điểm này. Đồng thời, Ban Dân vận Thành ủy và Ban Dân vận các quận, huyện đã tăng cường công tác nắm tình hình Nhân dân trong quá trình GPMB dự án; đôn đốc chính quyền quan tâm tổ chức đối thoại, tọa đàm, giải đáp những kiến nghị, đề xuất của người dân liên quan đến công tác GPMB…

Những ngày này, đi đâu trên địa bàn có đường Vành đai 4 đi qua cũng nghe câu chuyện về GPMB. Cả hệ thống chính trị của thành phố Hà Nội đang vào cuộc hết sức tích cực, khẩn trương. Từ đầu năm tới nay, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã có 4 buổi đi kiểm tra thực địa công tác giải phóng mặt bằng và triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Đồng chí cũng đích thân chủ trì nhiều hội nghị giao ban công tác kiểm tra, giám sát với các quận, huyện ủy có dự án đường Vành đai 4 đi qua.

Tại các buổi kiểm tra, người đứng đầu Đảng bộ thành phố nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ chính trị được Trung ương giao phó cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô - một nhiệm vụ rất khó khăn, nặng nề nhưng Hà Nội quyết tâm làm. Vì dự án không chỉ đem lại lợi ích to lớn cho Thủ đô, mà còn cho cả Vùng Thủ đô Hà Nội, Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng. Nói cách khác, Vành đai 4 là lời giải cho bài toán kết nối liên vùng bấy lâu nay.

Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, công tác GPMB dự án đường Vành đai 4 đã cơ bản đáp ứng được so với kế hoạch đề ra. Đến thời điểm này, Hà Nội có thể tự tin khẳng định, thành phố sẽ có từ 70% mặt bằng sạch trở lên để khởi công dự án đúng như kế hoạch vào ngày 30/6 tới.

Có thể nói, khối lượng công việc hiện còn không ít và cũng vẫn còn những vướng mắc cần tháo gỡ. Nhưng tại Hội nghị giao ban công tác tuyên giáo trong triển khai thực hiện Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô do Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội tổ chức mới đây, lãnh đạo các quận/huyện có dự án đi qua đều cho biết, nhờ làm tốt công tác tuyên giáo mà tình hình tư tưởng Nhân dân ổn định, không có tình huống phức tạp gây “nóng” dư luận xã hội. Đa số người dân đồng tình, ủng hộ chủ trương lớn của Trung ương, thành phố...

Vấn đề GPMB là khâu cốt yếu để triển khai đúng tiến độ các Dự án. Và việc thay đổi cách tiếp cận trong GPMB, hỗ trợ ngay từ đầu cho người dân phải di dời chắc chắn sẽ tạo được sự đồng thuận lớn hơn, giảm chi phí cơ hội, giảm lãng phí, giảm bức xúc, tăng hiệu quả khi triển khai các dự án, công trình.

Khi lòng dân đã thuận, việc bàn giao mặt bằng đúng tiến độ chắc chắn sẽ khả thi. Và chúng ta có thể tin tưởng rằng, thành phố Hà Nội sẽ triển khai các công việc còn lại của Dự án đảm bảo tiến độ và mục tiêu. Và khi mọi việc đã hoàn thành, Vành đai 4 sẽ mở ra không gian phát triển mới, với các khu công nghiệp, khu đô thị mới, khai thác quỹ đất hiệu quả hơn, góp phần giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông của Hà Nội nói riêng và vùng Thủ đô nói chung./.

Thu Hà