Các đại biểu tham dự diễn đàn.


Sáng 26/11, tại Hà Nội, UBND thành phố (TP) Hà Nội phối hợp với Bộ Công thương và Ngân hàng thế giới tại Việt Nam tổ chức phiên toàn thể Diễn đàn Logistic Việt Nam 2020 với chủ đề “Cắt giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”.

Tham dự phiên toàn thể có các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trần Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương; bà Stefanie Stallmeister, Giám đốc dự án phụ trách hoạt động dự án Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo UBND TP Hà Nội cùng với hơn 400 doanh nghiệp dịch vụ logistic, kinh doanh vận tải...

Tìm biện pháp tháo gỡ “nút thắt” chi phí logistics

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, diễn đàn Logistic Việt Nam 2020 đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu; đồng thời, trong bối cảnh Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại, ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế toàn cầu.


Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại diễn đàn.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin, trong 10 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt trên 439 tỷ USD, tăng 2,62%; trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt trên 229,7 tỷ USD, tăng 4,7%. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, hàng loạt quốc gia trên thế giới đều tăng trưởng âm kim ngạch xuất nhập khẩu thì kết quả trên cho thấy sức sống, sức bền của nền kinh tế Việt Nam.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, việc triển khai và ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có tác động tích cực đối với nền kinh tế song cũng làm gia tăng áp lực cạnh tranh, tạo sức ép cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước. Riêng đối với dịch vụ logistics, các hiệp định này có thể tác động tới triển vọng phát triển về cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực vận tải và phục vụ vận tải; về cam kết trong các lĩnh vực ảnh hưởng đến dung lượng thị trường dịch vụ logistics trên các góc độ quy mô do tăng nguồn cầu dịch vụ, chất lượng dịch vụ, nhu cầu mở rộng công suất, đầu tư và thực hiện dịch vụ.

“Chính vì vậy, thông qua Diễn đàn Logistics Việt Nam, tôi mong muốn các Hiệp hội, doanh nghiệp dịch vụ logistics, các chuyên gia và các nhà nghiên cứu quốc tế và trong nước đối thoại với các bộ,ngành, địa phương về các ý tưởng, biện pháp tháo gỡ “điểm nút” chi phí logistics lâu nay, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics trên cơ sở thúc đẩy chuyển đổi số trong logistics giúp chúng ta có được câu giải đáp thích đáng cho “bước nhảy” về dịch vụ logistics của Việt Nam, để có thể thay đổi về “chất” phát triển lên một tầm cao mới trong giai đoạn tới nhằm tận dụng tối đa các cơ hội và thực hiện có hiệu quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam mang lại” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Hà Nội đề xuất 7 kiến nghị tại diễn đàn Logistics Việt Nam


Bí thư Thành ủy  Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn.

Phát biểu chào mừng Diễn đàn, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đánh giá, qua 8 năm tổ chức, diễn đàn logistics Việt Nam đã trở thành sự kiện uy tín, tập hợp đông đảo các doanh nghiệp dịch vụ logistic cũng như các đơn vị liên quan. Việc lựa chọn chủ đề “Cắt giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế” năm nay cũng rất thiết thực, thời sự. Hai phiên thảo luận: “Hạ tầng logistics - xu hướng và cơ hội” và “Chuyển đổi số trong logistcis” là nội dung phù hợp với quan điểm phát triển logistics của Việt Nam và Hà Nội trong thời gian tới…

Cũng theo Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, ngành logistics Việt Nam hiện đứng thứ 3 Đông Nam Á, với quy mô 40-42 tỷ USD. Tuy nhiên, chi phí logistics hiện nay còn cao. Đối với Hà Nội, hiện nay, các doanh nghiệp logistics mới đáp ứng 25% nhu cầu của thành phố. Với mục tiêu đến năm 2025 xây dựng Hà Nội là trung tâm lớn về giao thương của cả nước và khu vực, Hà Nội đã đề ra nhiều giải pháp nhằm quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ, trong đó có hạ tầng logistics.

Để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nêu 7 đề xuất tại diễn đàn, trong đó, cần tiếp tục nâng cao chất lượng quản lý hành chính công, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục xuyên biên giới. Tập trung đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại để cắt giảm chi phí logistic cho các doanh nghiệp. Đánh giá khả năng tiếp cận vốn và hấp thụ vốn của các doanh nghiệp logistics và các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này. Đồng thời tăng cường thúc đẩy và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho ứng dụng công nghệ, có các chương trình, kế hoạch cụ thể để chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics. Xây dựng mạng lưới doanh nghiệp logistics gắn với thương mại điện tử. Phát triển các giải pháp công nghệ mới nhằm sử dụng nhiên liệu sạch, giảm ô nhiễm môi trường.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cũng kiến nghị Chính phủ cho phép hình thức kinh doanh đại lý hải quan để chuyên nghiệp hóa dịch vụ thông quan, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Hà Nội sẵn sàng phối hợp với Bộ Công thương để đăng ký thử nghiệm mô hình này trên địa bàn Thành phố.


Bà Stefanie Stallmeister, Giám đốc phụ trách hoạt động Dự án Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phát biểu chào mừng diễn đàn
 


Phát biểu tại Diễn đàn, bà Stefanie Stallmeister, Giám đốc phụ trách hoạt động Dự án Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh: Chúng tôi coi logistics là chìa khóa để tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam và thúc đẩy tăng trưởng bao trùm. Việc Việt Nam hội nhập thị trường toàn cầu và khu vực với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) đã tăng thêm động lực để xây dựng một ngành logistics mạnh mẽ và cạnh tranh. Các hiệp định thương mại này có thể đẩy mạnh hoạt động giao thương giữa Việt Nam và các đối tác thương mại, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Dòng chảy thương mại cao hơn cũng sẽ làm tăng nhu cầu đối với các dịch vụ logistics tốt hơn và cạnh tranh hơn…

Giảm chi phí logistics để nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của hàng hoá và nền kinh tế


Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn


Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định: Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Ngành logistics không chỉ là giao nhận, vận tải mà còn bao gồm các hoạt động khác như kho bãi, lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, luân chuyển hàng hóa, xử lý hàng hóa hư hỏng...(60% chi phí cho giao thông và khoảng 40% cho các chi phí khác...). Nếu nâng cao chất lượng, giảm giá thành các dịch vụ logistics, sẽ giúp doanh nghiệp tiết giảm được rất nhiều chi phí, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, của cả nền kinh tế.

Theo Phó Thủ tướng, dịch vụ logistics của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tương đối cao đạt 12-14%, tỷ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics đạt khoảng 60-70%, đóng góp khoảng 4-5% GDP. Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2018, chỉ số năng lực hoạt động logistics của Việt Nam xếp hạng 39/160 nước tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, ngành logistics Việt Nam vẫn còn những tồn tại, hạn chế như chi phí dịch vụ logistics ở nước ta còn khá cao, làm tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam nói riêng, sức cạnh tranh của cả nền kinh tế Việt Nam nói chung.  Đặc biệt, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics ở Việt Nam còn chưa cao so với các nước trong khu vực và thế giới…


Các đại biểu tham dự diễn đàn.


Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam đang đặt ra mục tiêu tăng trưởng của các ngành dịch vụ logistics đạt 15-20%/năm, chiếm tỷ trọng 8-10% GDP; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50-60%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics trên thế giới đạt thứ 50 trở lên. Nhận thức rõ vai trò của lĩnh vực này, trong đó, có yêu cầu phải giảm chi phí logistics để nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của hàng hoá và nền kinh tế, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương theo chức năng và nhiệm vụ được giao có chương trình cụ thể thực hiện kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 với 5 nhóm nhiệm vụ chính, được cụ thể hóa thành 60 nhiệm vụ cụ thể cùng phân công cơ quan thực hiện và thời gian hoàn thành.

Theo đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị trước hết, các bộ, ngành cần tập trung hoàn thiện hệ thống các quy định, cơ chế, chính sách liên quan đến logistics đảm bảo tính ổn định, đồng bộ, tính minh bạch, khả thi, giảm mạnh thủ tục hành chính và các rào cản để giảm chi phí thực thi cho người dân, doanh nghiệp. Triển khai các nhóm giải pháp tổng thể trong các lĩnh vực thuế, phí, hải quan… Khẩn trương rà soát các quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo tính đồng bộ kết nối của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics. Trên cơ sở quy hoạch, xác định rõ danh mục các dự án ưu tiên đầu tư, từ đó có các giải pháp huy động nguồn lực hợp lý để đầu tư một cách hiệu quả.

Phó Thủ tướng lưu ý, Bộ Giao thông vận tải đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình giao thông lớn, đặc biệt là tuyến cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau; sân bay Long Thành, nâng cấp sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất; hệ thống cảng cửa ngõ quốc tế, cảng thuỷ nội địa… Đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường vận tải nội địa; phát huy vai trò của hệ thống cảng biển Việt Nam là cửa ngõ ra Biển Đông của nhiều hành lang vận tải ASEAN.


Các đại biểu công bố Logistics Việt Nam năm 2020.


Đồng thời nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ logistics, có cơ chế, chính sách để khuyến khích, tạo thuận lợi các doanh nghiệp dịch vụ logistics, các doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển lớn chủ động liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, đường bộđể cung cấp các dịch vụ vận tải đa phương thức và các dịch vụ logistics trọn gói. Triển khai các giải pháp đồng bộ phát triển thị trường dịch vụ logistics, hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó chú trọng việc nâng cao toàn diện năng lực thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế….

Các ý kiến phát biểu tại Diễn đàn cho rằng, để Việt Nam là một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu có sức chống chịu tốt, cần đồng thời nâng cao nội lực sản xuất và biến Việt Nam thanh một trung tâm sản xuất toàn cầu. Quan trọng nhất là Việt Nam phải có môi trường đầu tư hấp dẫn, nội lực sản xuất mạnh và hiện đại hóa ngành logistics. Muốn thế, Việt Nam cắt giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế…


Các đơn vị ký kết hợp tác tại diễn đàn.


Tại Diễn đàn đã diễn ra Lễ ký kết ghi nhớ hợp tác giữa Hiệp hội doanh nghiệp Logistics Việt Nam với Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam; Lễ ký kết ghi nhớ hợp tác giữa Hiệp hội doanh nghiệp Logistics Việt Nam với Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam; Công ty cổ phần Asean Cargo Gateway và Công ty TNHH thương mại dịch vụ Xuất nhập khẩu VINA T&T; Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel với Công ty cổ phần Hàng không Vietjet…/.


 

 

 

Thu Hà