Đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội và Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP Hà Nội ký kết chương trình phối hợp.


Chiều 27/ 4, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố (TP) Hà Nội tổ chức lễ ký kết chương trình phối hợp giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội và Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) TP Hà Nội.

Hỗ trợ cho 648 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo có vốn đầu tư

Báo cáo kết quả 5 năm công tác phối hợp giữa hai bên giai đoạn 2018-2023, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội Phạm Văn Quyết cho biết: Trong những năm qua, các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã được triển khai thực hiện hiệu quả, kịp thời đến đối tượng thụ hưởng với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị.

Trong đó, có sự tham gia, phối hợp tích cực của Ủy ban MTTQ các cấp, vừa phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội trong tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội, vừa có vai trò trong chỉ đạo, điều hành với góc độ là thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp. Đồng thời, quan tâm chuyển vốn ủy thác qua NHCSXH từ nguồn Quỹ Vì người nghèo để bổ sung nguồn vốn cho vay đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của hộ nghèo và các đối sách khác trên địa bàn.

Đến 31/3/2023, tổng nguồn vốn ủy thác của Ủy ban MTTQ TP và cấp huyện qua NHCSXH là 16.265 triệu đồng, tăng 1.202 triệu đồng so với đầu năm 2018, chiếm tỷ lệ 0,22% trên tổng nguồn vốn ủy thác tại địa phương và bằng 0,12% tổng nguồn vốn cho vay đang quản lý tại Chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội.

Đồng thời, Ủy ban MTTQ cũng đã tích cực phối hợp với NHCSXH trong công tác huy động vốn từ tổ chức và dân cư, vận động, kêu gọi các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước tăng cường nguồn lực hỗ trợ giúp đỡ người nghèo và gửi tiền tại NHCSXH để tạo lập nguồn vốn cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách.

Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn thành phố đã phát huy hiệu quả chức năng kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội và thực hiện các chủ trương, chính sách về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Từ năm 2018 đến nay, doanh số cho vay đạt hơn 27 tỷ đồng với 648 lượt hộ  được vay vốn...

Nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội

Với mục tiêu chung là giúp các đối tượng yếu thế, các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vươn lên, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, thời gian tới, công tác phối hợp giữa hai cơ quan cần tiếp tục lựa chọn và quan tâm: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách về tín dụng xã hội. Tiếp tục nhân rộng mô hình hiệu quả, cách làm hay trong công tác huy động nguồn vốn, xây dựng mạng lưới và tổ chức thực hiện các chính sách; Nâng cao hiệu quả giám sát của toàn dân đối với công tác này.

Theo đó, Chương trình ký kết nhằm tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội; tuyên truyền về phong trào “Vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”, hoạt động Quỹ “Vì người nghèo” các cấp; kết quả thực hiện tín dụng chính sách xã hội, hoạt động của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố; huy động các nguồn lực cho Quỹ “Vì người nghèo” và bổ sung nguồn vốn cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và giải quyết việc làm bảo đảm an sinh xã hội.

Đây cũng là hoạt động nhằm tăng cường vai trò, hiệu quả giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội và thực hiện các chủ trương, chính sách về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.

Theo đó, hai cơ quan sẽ phối hợp trong công tác tuyên truyền; triển khai các hoat động giám sát và phản biện xã hội nhằm nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội; phối hợp vận động các nguồn lực hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn, bảo đảm an sinh xã hội, bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội.

Định kỳ hằng năm, hai bên có hình thức phù hợp tổ chức đánh giá sơ kết kết quả tổ chức thực hiện. Sau 3 đến 5 năm tiến hành đánh giá tổng kết và xây dựng phương hướng, nhiệm vụ cho giai đoạn tiếp theo../..

Trọng Toàn