16:22 10/10/2021
print  

Phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường của quân, dân Thủ đô trong cuộc chiến chống đại dịch

(ĐCSVN) - Nhìn lại 67 năm qua, ngày Thủ đô “ca khúc khải hoàn”, gợi nhớ lại cho chúng ta thời khắc lịch sử của những ngày sục sôi kháng chiến, khí thế hào hùng, tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường không bao giờ lùi bước trước khó khăn của các thế hệ cán bộ, quân, dân Thủ đô. Nhớ lại từng dấu mốc lịch sử của Thủ đô trong những ngày thu tháng Mười để cho chúng ta vững tin hơn vào cuộc chiến thắng..

Ngày 10/10/1954, các cánh quân của Đại đoàn Quân Tiên Phong tiến vào tiếp quản Thủ đô trong rừng cờ hoa đón chào của người dân Hà Nội. Ảnh Tư liệu TTXVN

Hằng năm, khi Hà Nội vào thu với những tia nắng vàng vọt, dịu ngọt xuyên qua từng bụi cây, kẽ lá, trong làn gió hanh hao se lạnh đưa chúng ta lại nhớ lại cột mốc lịch sử ngày 10 tháng 10 năm 1954 - ngày Giải phóng Thủ đô, Thăng Long – Hà Nội.

Thăng Long - Hà Nội là nơi hội tụ hồn thiêng liêng sông núi, là nơi đón nhận tinh hoa của mọi miền đất nước về đây hội tụ để tạo ra một kinh đô trải dài trên 1.000 năm lịch sử, một vùng đất linh thiêng và hào hoa. Mảnh đất đã hun đúc nên tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường và hình thành nên văn hóa người Hà Nội, thuần hậu, chất phác, văn minh, thanh lịch, hào hoa và cùng với cuộc sống độc đáo, đầy màu sắc, năng động và nhộn nhịp.

Trải qua thăng trầm của lịch sử, đối mặt với biết bao kẻ thù, nhưng mảnh đất nghìn năm văn hiến không chịu khuất phục trước bất kỳ khó khăn thử thách, Hà Nội vùng đứng lên, nhất tề đoàn kết, chiến đấu và chiến thắng với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Nhớ lại thời khắc lịch sử năm xưa, sau cuộc trường chinh kháng chiến 9 năm kéo dài với tinh thần "thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", Thủ đô Hà Nội đã góp phần quan trọng cùng với cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Ghi danh vào chiến công chói lọi nhất trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta, sáng 10/10/1954, các đơn vị quân đội, dẫn đầu là Trung đoàn Thủ đô, giương cao cờ quyết chiến quyết thắng từ 5 cửa ô tiến vào giải phóng Thủ đô. Đến 15 giờ ngày 10/10, việc tiếp quản Thủ đô hoàn toàn thắng lợi.

Ngày 10/10 đã trở thành biểu tượng của Thủ đô “ca khúc khải hoàn”. Kể từ đây, kinh đô Thăng Long - Hà Nội thật sự trở thành Thủ đô hòa bình, của nhân dân Việt Nam anh hùng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Mua thu tháng 10 năm ấy đánh một mốc son tươi đẹp và thanh bình của Thủ đô sang một trang sử mới.

Mùa thu Thủ đô Hà Nội năm nay diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt, chưa có trong tiền lệ, khi mà Thủ đô đang cùng cả nước căng mình chiến đấu với đại dịch COVID-19, nhưng trong ký ức của người dân Thủ đô vẫn hiện lên “ngàn nguồn sống tràn đầy dâng, lòng tha thiết biết bao nhiêu”, náo nức, bồi hồi theo nhịp bước của những đoàn quân từ năm cửa ô tiến về giải phóng Thủ đô năm ấy.

Nhìn lại 67 năm qua, ngày Thủ đô “ca khúc khải hoàn”, gợi nhớ lại cho chúng ta thời khắc lịch sử của những ngày sục sôi kháng chiến, khí thế hào hùng, tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường không bao giờ lùi bước trước khó khăn của các thế hệ cán bộ, quân, dân Thủ đô. Bởi, đại dịch COVID-19, xuất hiện từ năm 2020 lan tràn khắp thế giới đã nguy hiểm, gây nhiều hậu quả nặng nề và hệ lụy cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam chúng ta và Thủ đô Hà Nội cũng phải trải qua như một cuộc chiếu đấu với những khó khăn, gian khổ, mất mát và cả những hy sinh của đại dịch này.

Có thể gọi “chống giặc COVID-19” là một “cuộc chiến không tiếng súng” với một kẻ thù vô hình, không nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng nó cũng vô cùng nguy hiểm, sự tàn phá, hủy diệt của nó cũng thật khủng khiếp và khó lường.

Thủ đô Hà Nội bắt đầu đối mặt với COVID-19 từ đầu năm 2020 và đã vượt qua 3 đợt dịch với những biện pháp khẩn trương và quyết liệt. Ngày 27/4/2021, cả nước chính thức bước vào đợt bùng phát thứ 4 của dịch COVID-19. Lúc này, Hà Nội đặt trong điều kiện vô cùng phức tạp và cam go, thử thách, trở thành địa bàn có diễn biến dịch “nóng” nhất với số ca bệnh được công bố đã lên đến 3 con số vào những ngày đầu tháng 5/2021.

Trước sự nguy hiểm của biến chủng Delta với tốc độ lây lan nhanh hơn, bùng phát mạnh, lan rộng, cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở đã vào cuộc. Từ đồng chí Bí thư Thành ủy đến các đồng chí trong Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đều thường xuyên sâu sát cơ sở, có mặt tại từng “điểm nóng” về dịch bệnh để nắm bắt tình hình và chỉ đạo. Thành phố Hà Nội đã phải đưa ra nhiều quyết định khá khó khăn, từ những quyết định phong tỏa, giãn cách nhiều cấp độ khác nhau để chống giặc COVID. Nhưng trong đó, Hà Nội đã giữ thế chủ động triển khai thực hiện quyết liệt hơn, cùng với thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đã triển khai quyết liệt 2 “mũi giáp công'' tiêm chủng và xét nghiệm để khống chế dịch.

Hà Nội đã thực hiện bài bản 2 “mũi giáp công'' tiêm chủng và xét nghiệm, qua đó cơ bản đã khống chế được dịch (Ảnh: PC)

Nhờ sự đồng lòng nhất trí, trên dưới một lòng và đi đúng hướng trong “cuộc chiến” chống dịch COVID-19, Hà Nội đã lập nên hệ thống phòng, chống dịch chặt chẽ, nhiều lớp, nhiều vòng tới tận ngõ, phố. Đặc biệt, cùng với chiến dịch thần tốc tiêm vắc xin, xét nghiệm tầm soát diện rộng, thành phố đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, từ đầu tháng cuối tháng 9, hàng trăm chốt kiểm soát đã được dỡ bỏ, thành phố đã nới lỏng một số hoạt động, sinh hoạt của nhân dân được tiện lợi hơn, kinh tế dần phục hồi phát triển.

Hiện nay, nguy cơ dịch bệnh còn rình rập lây lan, nhưng mức độ nguy hiểm đã được kiểm soát. Qua cuộc chiến chống giặc COVID-19, có thể thấy ở những lúc dịch bệnh căng thẳng nhất, người Hà Nội đã không để thua giặc dịch. Đặc biệt, ở những thời điểm khó khăn càng làm nổi bật truyền thống đoàn kết, tinh thần yêu nước với những cách thích ứng linh hoạt. Người Hà Nội nhanh chóng thay đổi nhiều thói quen cũ, từ việc làm dễ lây lan dịch bệnh sang những thói quen thích ứng, phù hợp mà tiêu diệt mầm bệnh thông qua việc chuyển đối số, ứng dụng công nghệ. Đơn cử như việc, người dân xưa nay đi chợ mua sắm theo hình thức truyền thống thì nay đã đi chợ qua mạng, đến việc các em nhỏ học tập học tập tại trường thì nay tạm học qua trực tuyến, đến việc hội họp của cơ quan nhà nước, ký kết hợp đồng của các doanh nghiệp đều được chuyển sang hình thức trực tuyến. Thậm chí, du lịch, tham quan thưởng thức ẩm thực, đám cưới cũng tổ chức online…

Có thể thấy, tinh thần tinh thần đoàn kết một lòng, ý chí kiên cường đấu tranh kẻ thù xâm lược năm xưa, khí thế hào hùng của Thăng Long, Hà Nội đã được thể hiện sáng tạo và khẳng định trong cuộc chiến chống kẻ thù mới ở thế kỷ 21. Trong đó, khí thế sục sôi và sức mạnh đoàn kết của ngày tiếp quản Thủ đô, đã giúp cho người dân Hà Nội nội vươn lên, đoàn kết cùng nhau tìm ra cách giành chiến thắng trong cuộc chiến mới.

Ngày nay, trong điều kiện, yêu cầu và bối cảnh trong cuộc chiến chống đại dịch còn hiểm nguy, nhưng khí phách, ý chí quật cường của quân, dân Thủ đô không bao giờ lùi bước trước khó khăn, luôn thích ứng linh hoạt, không ngừng vươn lên của Hà Nội vẫn tiếp tục soi đường, luôn là nguồn động lực mạnh mẽ cho Hà Nội vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc chiến “chống giặc COVID-19”. Thủ đô Hà Nội sẽ sớm trở lại trạng “thái bình thường mới”, cuộc sống đầy màu sắc, cổ kính, thơ mộng thanh bình sớm trở lại.

Nhớ lại từng dấu mốc lịch sử của Thủ đô trong những ngày thu lịch sử để cho chúng ta vững tin về truyền thống dũng cảm, kiên cường của Thủ đô trong mọi hoàn cảnh, để chúng ta vững tin hơn vào cuộc chiến thắng “chống giặc COVID-19”, để viết tiếp nên những bản hùng ca./.

Phạm Cường
  

  • Tin đọc nhiều