Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố Lã Thị Lan thông tin tại hội nghị. 


Đó là thông tin được bà Lã Thị Lan, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố đã thông tin về thành tựu sau 30 năm công tác phòng, chống HIV/AIDS của thành phố Hà Nội và kế hoạch tổ chức Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2020 diễn ra chiều 24/11, tại Hội nghị giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức.

Theo đó, Hà Nội phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên vào năm 1999. Giai đoạn từ năm 1999 đến 2000, tổng số ca nhiễm HIV được phát hiện là 1.682 người, riêng năm 2000 phát hiện 722 ca. Từ năm 2001-2010, dịch HIV/AIDS bùng phát mạnh, với 16.558 ca mắc. Đến giai đoạn từ 2011 đến tháng 10/2020, tổng số ca nhiễm giảm mạnh so với giai đoạn trước, với 10.412 ca nhiễm, trong đó có 1.568 trường hợp ngoại tỉnh về điều trị tại Hà Nội.

Những năm qua, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phòng ngừa, tránh lây nhiễm HIV/AIDS. Trong đó, Thành phố chú trọng công tác truyền thông, chống phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, từ đó người nhiễm HIV/AIDS đã chủ động tham gia điều trị, nhiều người đã công khai tình trạng bệnh và có nhiều hoạt động đóng góp cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, như tham gia truyền thông, tư vấn tuân thủ điều trị...

Ngoài ra, Thành phố triển khai hiệu quả các chương trình can thiệp dự phòng, như cấp phát kim tiêm, bao cao su miễn phí; điều trị dự phòng phơi nhiễm, đặc biệt là chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone được Hà Nội triển khai từ năm 2009. Đến nay, toàn Thành phố có 18 cơ sở, điều trị cho 4.992 bệnh nhân.

Thành phố cũng đẩy mạnh công tác xét nghiệm, phát hiện các ca nhiễm HIV/AIDS; hiện toàn Thành phố có 73 phòng xét nghiệm lâm sàng, 11 cơ sở y tế được cấp chứng nhận đủ điều kiện xét nghiệm khẳng định HIV. Tính đến 31/10/2020, Thành phố đã xét nghiệm cho 368.036 trường hợp, trong đó có 41.506 trường hợp xét nghiệm tại cộng đồng; phát hiện 1.955 trường hợp dương tính. Riêng năm 2020, số xét nghiệm tăng gấp 10 lần so với năm 2010.

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố Lã Thị Lan cho rằng, tình hình lây nhiễm HIV vẫn còn phức tạp, trong đó số lây qua quan hệ tình dục tăng mạnh, cùng với việc di biến động dân cư làm cho dịch khó kiểm soát và khó phát hiện hơn. Ngoài ra, tình trạng kỳ thị với người nhiễm HIV vẫn còn, đây là rào cản làm cho người có nguy cơ và người nhiễm HIV không muốn tiếp cận với các dịch vụ xét nghiệm, điều trị và dự phòng lây nhiễm. Tình trạng bệnh nhân sử dụng thêm các chất gây nghiện tổng hợp ảnh hưởng đến quá trình điều trị của bệnh nhân...

Nhằm tiếp tục triển khai các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS, Hà Nội sẽ tổ chức Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2020, tập trung vào chủ đề “30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam”. Lễ mít tinh hưởng ứng Tháng Hành động dự kiến được tổ chức vào ngày 30/11/2020. Trong Tháng Hành động sẽ có các hội nghị, hội thảo, các hoạt động truyền thông và triển khai nhiều hoạt động dự phòng lây nhiễm, mở rộng các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS... hướng đến mục tiêu 90-90-90 (90% người có HIV biết được tình trạng bệnh của mình; 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV; 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp), nhằm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Đáng chú ý, trả lời câu hỏi của báo chí việc truyền thông về HIV/AIDS được nêu trong phim “Lửa ấm” đang chiếu trên kênh VTV1 sai lệch so với thực tế, bà Lã Thị Lan cho biết, rất buồn khi xem một số phân cảnh trong phim. Cụ thể, trong phân cảnh người lính phòng cháy chữa cháy khi bế người bị tai nạn giao thông đến bệnh viện thì được bác sỹ thông báo bị phơi nhiễm HIV. Đây là một chi tiết sai vì không phải cứ tiếp xúc với máu của người nhiễm là phơi nhiễm.

Đối với một chi tiết trong phim nêu về cách xử lý phơi nhiễm, bà Lã Thị Lan cho biết bị sai một cách nghiêm trọng. Theo đó, trong phân cảnh bác sỹ đưa kết quả của bệnh nhân bị dương tính thì các bác sỹ có trao đổi bị phơi nhiễm HIV và phải cách ly 2 ngày để phòng lây nhiễm ra cộng đồng… Từ đó, bà Lan cho rằng, nhiều chi tiết trong phim đã xác định sai thế nào là phơi nhiễm HIV và xử lý phơi nhiễm. Bởi, nếu cứ tiếp xúc với máu của người bị tai nạn giao thông mà nhiễm thì sau này nếu có ai gặp người bị tai nạn giao thông ngoài đường thì liệu họ có dám cấp cứu hay không? Còn đối với cách xử lý phơi nhiễm, các cơ quan chức năng đã xử lý truyền thông ngay từ đầu và qua rất nhiều lớp tập huấn tuy nhiên những chi tiết trong phim lại cho thấy sai về mặt chuyên môn rất nghiêm trọng và điều này sẽ làm cho cộng đồng sợ HIV…/.

Tin, ảnh: Nam Khánh