Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra công tác trực ban phòng, chống dịch COVID-19 của Công an phường Văn Miếu (quận Đống Đa). 

 

Đó là nhấn mạnh của đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội khi trao đổi về tình hình những ngày đầu tổ chức phân vùng phòng, chống dịch COVID-19 với phóng viên ngày 7/9.

Tăng cường hậu kiểm, kiểm tra đột xuất, lưu động

Đồng chí Đinh Tiến Dũng khẳng định, quan điểm nhất quán của thành phố Hà Nội là phải thực hiện nghiêm Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19; coi bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng của người dân là trên hết, trước hết.

Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, việc thực hiện phương án phân 3 vùng từ ngày 6/9 nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thủ đô trong tình hình mới, để kiểm soát, tầm soát y tế: Vừa bảo đảm tiếp tục thực hiện triệt để biện pháp giãn cách xã hội ở “vùng đỏ”, vừa tạo điều kiện phục hồi sản xuất, kinh doanh, chăm lo sinh kế, bảo đảm an sinh xã hội ở “vùng cam” và “vùng xanh”.

Sau 3 đợt giãn cách xã hội toàn thành phố Hà Nội đã khống chế không để dịch bùng phát mạnh, lây lan rộng. Để giữ vững thành quả này, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Trong khi tỷ lệ tiêm vắc xin còn thấp do nguồn cung đang rất khó khăn, chưa thể đạt miễn dịch cộng đồng, thì thực hiện triệt để giãn cách xã hội ở Vùng 1 - nơi nguy cơ cao nhất là biện pháp tốt nhất hiện nay để không cho dịch vượt tầm kiểm soát.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng khẳng định, để việc cấp và kiểm tra giấy đi đường góp phần tích cực thực hiện giãn cách ở Vùng 1, Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, cầu thị các ý kiến để điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch và an toàn của người dân.

Trước mắt, tiếp tục sử dụng giấy đi đường đã cấp và cấp giấy mới kết hợp nhập vào dữ liệu dân cư, điều chỉnh đến hiệu quả thực tiễn thì mới nhập hai loại giấy thành một; chỉ phạt người ra đường không thuộc các trường hợp theo quy định của Chỉ thị số 16/CT-TTg; tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn người dân tự giác chấp hành. Người dân được cấp giấy đi đường được phép đi xuyên vùng, nhưng phải đúng điểm đến.

Cấp ủy, chính quyền các địa phương toàn thành phố chỉ đạo tổ chức kiểm tra từ ngõ, phố, kết hợp với lực lượng nhân dân, tuần tra kiểm soát của các tổ lưu động, tăng cường hậu kiểm để hạn chế lượng người ra đường. Các địa phương lập các tổ liên ngành kiểm tra phương án an toàn tại tổ chức, doanh nghiệp. Những sai phạm (nếu có) cần được công khai để phê bình, nhắc nhở đi kèm với chế tài nghiêm khắc. 

An toàn đến đâu, mở ra đến đấy

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết thêm, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố tập trung chỉ đạo ngành Y tế tiếp tục duy trì công suất xét nghiệm 200.000 mẫu/ngày, cần thiết nâng lên 280.000 mẫu/ngày như đã chuẩn bị, quyết tâm đến ngày 15/9: Tại các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao: Hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 3 lần (từ 2-3 ngày/lần). Tại các khu vực có nguy cơ và các khu vực khác: Hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 1 lần (5-7 ngày/lần); đồng thời xét nghiệm tầm soát 100% với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp... đến bệnh viện khám, chữa bệnh và tại cộng đồng. Xét nghiệm 3 ngày/lần đối với nhân viên, người lao động tại các cơ sở khám chữa bệnh và các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh.

Trên cơ sở tầm soát y tế toàn dân, ngành Y tế chủ trì phối hợp với chính quyền từng địa phương đánh giá mức độ nguy cơ và tham mưu, đề xuất quyết định nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch theo tình hình thực tế trên từng địa bàn để tổ chức đời sống, sản xuất, kinh doanh... Tinh thần là an toàn đến đâu, mở ra đến đấy.

Theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, Hà Nội đã kiến nghị Bộ Y tế bổ sung phân bổ vắc xin để đến ngày 15/9, thành phố đạt tỷ lệ đối tượng trong độ tuổi được tiêm chủng cao. Hà Nội đã chủ động chuẩn bị 1.200 dây chuyền tiêm vắc xin, bảo đảm công suất 200.000 mũi tiêm/ngày, hiện mới sử dụng công suất 150.000 mũi tiêm/ngày.

Đến nay, toàn thành phố đã được Bộ Y tế quyết định phân bổ hơn 3,3 triệu liều; thực tế, số vắc xin về kho của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội là hơn 3,1 triệu liều. Tính đến 12h ngày 7/9/2021, toàn thành phố đã tiêm được hơn 2,5 triệu liều (đạt 80,7% số lượng đã tiếp nhận); dự kiến đến ngày 9/9 sẽ hoàn thành 100% lượng vắc xin đã được phân bổ.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng cho biết, về đối tượng tiêm vắc xin, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo tiếp tục ưu tiên cho tiêm trước đối với người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người vận chuyển hàng (shipper), người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian quy định cần tiêm mũi 2 để bảo đảm hiệu quả của vắc xin, người nước ngoài sống và làm việc trên địa bàn...

Với phương châm vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo ngành Y tế rà soát, kiểm tra, bảo đảm năng lực tiêm vắc xin trên toàn thành phố, sẵn sàng tổ chức tiêm cả buổi tối khi được phân bổ lượng vắc xin lớn từ nay đến ngày 15/9. Chuẩn bị sẵn kịch bản nâng cao thêm công suất tiêm để chuẩn bị cho kế hoạch tiêm trong quý IV/2021, khi lượng lớn vắc xin có thể được phân bổ.

Quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 71/CĐ-TTg, Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo phối hợp với 11 tỉnh, thành phố có kế hoạch, phương án tiếp nhận hỗ trợ về xét nghiệm và tiêm chủng ở một số quận, huyện với tinh thần thần tốc để tách F0 ra khỏi cộng đồng. Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, phối hợp chỉ đạo lực lượng y tế địa phương triển khai kế hoạch hỗ trợ trên địa bàn bảo đảm đúng yêu cầu, tiến độ, chất lượng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ./.

Nguyễn Sơn