Họ đã và đang là những “ngọn đuốc” tạo động lực cho đồng bào cùng vươn lên, góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu tại vùng khó.

 

TP Hà Nội xây dựng định hướng mục tiêu đến năm 2030, mức sống và thu nhập của Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngang bằng với nhân dân các xã vùng ngoại thành Hà Nội. 

Phấn đấu thu nhập của vùng đồng bào dân tộc ngang với các xã ngoại thành


Hà Nội có khoảng 9 triệu người, trong đó người dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố có khoảng 108 nghìn người, thuộc 50/53 thành phần DTTS sinh sống đan xen cùng người Kinh ở 30/30 quận, huyện, thị xã, chiếm 1,3% dân số. Trong số đó, đồng bào DTTS của thành phố chủ yếu là dân tộc Mường và dân tộc Dao cư trú tập trung theo cộng đồng tại 119 thôn, thuộc 14 xã của 05 huyện là: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức và Chương Mỹ với trên 55.000 người, chiếm 51% người DTTS toàn thành phố.

Thành phố Hà Nội xây dựng định hướng mục tiêu đến năm 2030, mức sống và thu nhập của Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngang bằng với nhân dân các xã vùng ngoại thành Hà Nội. Đặc biệt là cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố...

Để thực hiện được mục tiêu này, Hà Nội xác định đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số là đầu tư phát triển bền vững, thời gian qua,  từ sự quan tâm của thành phố, với việc thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc, cùng sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhiều chính sách thiết thực đối với khu vực này được triển khai, qua đó góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Cụ thể, thành phố đã dành hơn 2.000 tỷ đồng triển khai thực hiện 224 dự án thuộc các lĩnh vực: Y tế, thủy lợi, nước sạch, văn hóa, trường học, giao thông ở 14 xã có người dân tộc thiểu số sinh sống tập trung. Phó Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội Nguyễn Phúc Hải nhận định: Các chương trình, dự án, chính sách đã được triển khai kịp thời, hiệu quả. Ðến nay, tất cả các xã miền núi đã có mạng lưới điện quốc gia. Ðời sống của đồng bào được cải thiện, trình độ dân trí ngày một nâng cao. Nhiều tệ nạn xã hội và các hủ tục dần được đẩy lùi.

Tại huyện Thạch Thất, hiện có hơn 11.500 người dân tộc thiểu số sống tập trung tại ba xã Tiến Xuân, Yên Bình và Yên Trung. Ðây là ba xã miền núi của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình sáp nhập về Hà Nội theo Nghị quyết số 15/2008/QH12 về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan. Sau 15 năm sáp nhập về Thủ đô, với nguồn lực đầu tư tập trung, từ các xã có điều kiện kinh tế - xã hội hết sức khó khăn, đến nay ba xã đã có cơ sở hạ tầng phát triển, đời sống của người dân được nâng cao.

Đáng chú ý, triển khai thực hiện Kế hoạch 166 ngày 30/1/2012 và Kế hoạch 138 ngày 15/7/2016 của UBND thành phố Hà Nội về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi của Hà Nội, giai đoạn 2015 - 2019, ba xã miền núi Tiến Xuân, Yên Bình và Yên Trung đã triển khai 46 dự án với tổng mức đầu tư gần 407 tỷ đồng. Nguồn vốn này được tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, nhà văn hóa, trường học, cải tạo và xây mới công trình thủy lợi, chợ....

Riêng tại xã Yên Trung - xã dân tộc miền núi, nơi có tới 80% dân số là đồng bào dân tộc Mường sinh sống nhưng đến tháng 6/2022, thu nhập bình quân của Yên Trung đạt 62 triệu đồng/người/năm, cao hơn nhiều so với mức bình quân chung khu vực nông thôn toàn thành phố (đến hết năm 2021 là 54 triệu đồng/người/năm). Đến Yên Trung hôm nay gặp những cánh đồng xanh mướt, những vườn thanh long ruột đỏ và bưởi phủ xanh sườn đồi... Yên Trung hoàn thành xây dựng nông thôn mới, hạ tầng khang trang với kinh phí đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Những đổi thay ở xã Yên Trung hôm nay khiến diện mạo làng quê khác xa so với thời điểm cách đây gần 15 năm khi mới sáp nhập từ huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình về Hà Nội. 

Hà Nội đã nhiều lần tổ chức tôn vinh những người có uy tín, người làm kinh tế giỏi.  


 Những tấm gương làm kinh tế giỏi giữa cộng đồng

Có thể khẳng định, từ sự quan tâm của TP Hà Nội, từ các phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, cùng với sự đoàn kết, nỗ lực của các gia đình đồng bào DTTS ngày càng xuất hiện nhiều hộ sản xuất, kinh doanh giỏi. Không ít hộ đồng bào dân tộc còn biết áp dụng mô hình kinh tế trang trại, không chỉ giúp gia đình xóa nghèo bền vững mà còn hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hộ khác trong xã thoát nghèo. Năm 2021, vùng dân tộc, miền núi Thủ đô đã có hơn 5.000 hộ nông dân đạt sản xuất kinh doanh giỏi, góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, giàu đẹp.

Ông Hoàng Ánh Đông, dân tộc Tày, ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, là Giám đốc Công ty TNHH cơ khí xây dựng và thương mại Cổ Loa là một trong đó đó. Với sự năng động sáng tạo, mạnh dạn ứng dụng khoa học-kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất lao động. Đem lại doanh thu trên 20 tỷ đồng/năm. Hiện nay công ty tạo việc làm cho 20 lao động với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng. Ngoài công việc sản xuất kinh doanh, gia đình ông còn tích cực đóng góp vào các quỹ vì người nghèo, quỹ khuyến học, quỹ đền ơn đáp nghĩa…của thôn và xã với số tiền 30 đến 50 triệu đồng/năm.

Anh Lê Văn Tiến, dân tộc Mường, thôn Thanh Hà, xã An Phú, huyện Mỹ Đức cũng là một trong những điển hình tiêu biểu về làm kinh tế giỏi. Nhìn thấy lợi thế của vùng đất, anh đã áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến trong mô hình kinh tế trang trại, mở rộng diện tích sản xuất, thực hiện đa canh, kết hợp trồng rừng với chăn nuôi bò, dê, lợn, gà, vịt... Đem lại thu nhập bình quân 100 triệu đồng/người/năm, tạo việc làm cho 10-12 lao động, có thu nhập ổn định. Ngoài ra, anh Tiến còn giúp đỡ, hướng dẫn nhiều người trong thôn cùng phát triển kinh tế, chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp sang giống cây trồng cho thu nhập cao. Nhiều gia đình trong thôn đã mạnh dạn vay vốn làm ăn. Diện tích đất hoang hóa được thu hẹp, làng xóm dần khang trang. Có gia đình mỗi năm thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.

Anh Nguyễn Viết Đăng, dân tộc Mường, thôn Đồng Ké, xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ. Là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác mặt trận thôn, vừa tham gia công tác xã hội, vừa phát triển kinh tế. Anh đã ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào chăn nuôi lợn nái ngoại trên sàn giống CP, mang lại hiệu quả kinh tế cao; nhận thầu khoán 2,5ha diện tích đất công xình lầy cải tạo thành hồ nuôi trồng thủy sản và nuôi lợn hướng nạc; nâng cao thu nhập gia đình. Ngoài ra, anh Đăng còn thường xuyên phổ biến kinh nghiệm cho người dân trong thôn cùng làm, giúp đỡ bằng tiền mặt, hiện vật cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn để phát triển kinh tế.

Đó còn là ông Kiều Bá Hòa, ở thôn Sổ Tơi, xã Yên Trung. Ông cho biết, trước đây, vườn đồi của gia đình chỉ trồng keo hoặc sắn, nay đã chuyển 4ha sang trồng thanh long ruột đỏ, bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Diễn... Đặc biệt, cây thanh long ruột đỏ rất thích hợp với vùng đất đồi, đá sỏi như Yên Trung. “Đến nay, mỗi tháng, ông cắt quả 2 lần vào trước ngày rằm và mùng một âm lịch. Thương lái đến tận vườn thu mua với giá 15-20 nghìn đồng/kg. "Trồng thanh long, hiệu quả hơn hẳn so với các cây trồng khác, doanh thu từ vườn thanh long của gia đình đạt hơn 700 triệu đồng/năm”, ông Hòa cho biết.

Tại xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất có hộ gia đình bà Bùi Thị Ngọc. Gia đình bà phát triển trang trại tổng hợp, nuôi lợn rừng, gà đồi, thả cá kết hợp trồng keo, các loại cây ăn quả như: bưởi Diễn, đu đủ, rau xanh,... mỗi năm có thu nhập trên 300 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho 5 - 7 lao động thời vụ (tùy từng thời điểm) tại địa phương.

Những việc làm cụ thể, thiết thực đó của các gia đình, cá nhân đồng bào DTTS đã góp phần làm thay đổi diện mạo làng, xóm, khu dân cư, tổ dân phố, làm phong phú thêm đời sống vật chất, tinh thần của người dân, góp phần phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp./.

Nam Khánh