Quang cảnh Hội thảo.


Các đồng chí: Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội khóa XVI; Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội dự hội nghị.

Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Trần Việt Anh cho biết: Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long mang trong mình những giá trị nổi bật toàn cầu, không chỉ có giá trị quốc gia, dân tộc mà còn mang tầm vóc của nhân loại. Đây là trung tâm chính trị, văn hoá quan trọng của nước ta từ thành Vạn Xuân thế kỷ VI, phủ thành Tống Bình, phủ thành An Nam thế kỷ VII-IX, kinh đô của nước Đại Việt qua các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIX...

Cùng với những di tích còn hiện hữu trên mặt đất như di tích Cột Cờ, Đoan Môn, Thềm rồng Điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Cửa Bắc..., một số lượng lớn các dấu tích kiến trúc xuất lộ qua khai quật khảo cổ học hiện đang được bảo tồn tại chỗ; các di tích ở các lớp văn hoá khác nhau chồng lên nhau là chứng cứ để xác định niên đại, từ đó có những định hướng bảo tồn lâu dài các dấu tích kiến trúc, di vật khảo cổ học đã được phát lộ, tôn vinh các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể…

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý khẳng định: Kể từ khi Hoàng thành Thăng Long được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa Thế giới, Chính phủ, UBND TP Hà Nội và các bộ, ngành có liên quan đã có sự quan tâm, đầu tư nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của khu di sản. UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội thực hiện tốt các cam kết của Chính phủ đối với khuyến nghị của ICOMOS về di sản, tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khảo cổ, bảo tồn cũng như mở cửa đón khách tham quan, đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá giá trị để khu di sản mãi là niềm tự hào của đất nước và con người Việt Nam.            

 Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức trong việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị đối với khu di sản trong bối cảnh phát triển đô thị cũng được đặt ra với nhiều băn khoăn, lo lắng. Bởi lẽ, việc nghiên cứu bảo tồn các di tích khảo cổ học nằm sâu dưới lòng đất vốn là vấn đề rất khó khăn, phức tạp và mang tính quốc tế, không chỉ riêng đối với Việt Nam.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho rằng, Hội thảo còn góp phần để nhận thức sâu hơn, toàn diện hơn về những giá trị căn bản của khu di sản trên nhiều phương diện từ quy hoạch đô thị, kiến trúc, cảnh quan, sự giao thoa văn hoá… đến bảo tồn, phát huy giá trị. Đây cũng là dịp để các nhà khoa học trao đổi, học tập kinh nghiệm, đưa ra định hướng, kế hoạch hành động để từng bước nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy bền vững các giá trị nhiều mặt của Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Gần 40 tham luận được trình bày và gửi tới Hội thảo của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, nhà bảo tồn, quản lý… trong và ngoài nước đề cập đến nhiều lĩnh vực từ nghiên cứu, bảo tồn, bảo quản, phục dựng… di tích, di vật trong các khu di sản cũng như kinh nghiệm quản lý, quảng bá, tuyên truyền và phát huy giá trị di sản. Nội dung các tham luận bám sát 2 chủ đề là: Tổng kết, đánh giá kết quả 10 năm nghiên cứu Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long; định hướng nghiên cứu phục dựng các công trình kiến trúc, và Quản lý bền vững các Khu di sản ở Việt Nam và thế giới - kinh nghiệm và định hướng phát huy giá trị văn hóa phi vật thể và giáo dục di sản.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích những kết quả đã đạt được trong các hoạt động tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long trong một thập kỷ qua hoạt động khai quật khảo cổ học; xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị; sự hợp tác trong các hoạt động nghiên cứu, trưng bày; định hướng nghiên cứu phục dựng các công trình kiến trúc tại Hoàng thành Thăng Long thông qua kết quả nghiên cứu khoa học… cũng như chia sẻ kinh nghiệm và định hướng phát huy giá trị văn hóa phi vật thể và giáo dục di sản hướng tới mục tiêu quản lý bền vững khu di sản…/.

Tin, ảnh: Quỳnh Anh