Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ vớ
i các đại sứ, doanh nghiệp, chuyên gia... tại buổi Tọa đàm "Hà Nội - Thành phố sáng tạo". 
Đồng bộ các giải pháp phát triển bền vững


Đồng bộ các giải pháp phát triển bền vững

Trong buổi tọa đàm tham vấn ý kiến các chuyên gia trong nước và nước ngoài được thành phố Hà Nội tổ chức mới đây nhằm hiện thực hóa tầm nhìn cho một Thủ đô sáng tạo, đã có rất nhiều các ý kiến của các vị đại sứ đại diện cho các đại sứ quán, các cơ quan, doanh nghiệp, chuyên gia, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế, đặc biệt là các cơ quan Liên hợp quốc như UN Habitat, UNIDO, Văn phòng UNESCO Việt Nam tại Hà Nội. Các ý kiến tập trung 3 trụ cột chính được xác định, đó là: Tái tạo, phát triển đô thị trên cơ sở lấy văn hóa làm nền tảng; Mạng lưới giáo dục sáng tạo với ưu tiên cho nghệ thuật và khoa học; Hệ thống chuỗi tổng thể các sự kiện, hội chợ, triển lãm và lễ hội văn hóa cũng như việc xây dựng và quảng bá Thương hiệu Thành phố sáng tạo.

Rất nhiều ý kiến đều cho rằng, thành phố Hà Nội là nơi đầy sức sống và tươi đẹp, có lịch sử, văn hóa lâu đời mà không phải bất kỳ thành phố nào trên thế giới cũng có được. Theo bà Ann Måwe, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam: “Hà Nội là nơi tất cả mọi người trên thế giới này đều muốn được đến sinh sống và làm việc tại đây”.

Chia sẻ về quan điểm của mình về xây dựng một thành phố sáng tạo nhưng mang bản sắc riêng, bà Đại sứ cho rằng, cần phải thúc đẩy sự tham gia của các kiến trúc sư, nghệ sĩ nghệ nhân, đây chính là tầm nhìn dài hạn để xây dựng một Hà Nội đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó cần phải thử nghiệm và dám chịu sự thất bại.

“Thụy Điển là một trong những quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực này. Chúng tôi chỉ có 10 triệu dân nhưng có nhiều công ty đa quốc gia phát triển dựa trên yếu tố bền vững. Chúng tôi cho rằng, muốn có đổi mới sáng tạo thì phải thử nghiệm và chịu sự thất bại trên một triết lý là tạo nên tính bền vững” - Đại sứ Thụy Điển nói.

Bàn về hệ thống tàu ngầm trong di sản văn hoá thành phố, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, ông Yamada Takio cho rằng đây là nhu cầu tất yếu với những thành phố lớn. Những thành phố có bề dày văn hoá cũng có nhu cầu phát triển giao thông trong đó có tàu điện ngầm….

Theo Đại sứ, hệ thống tàu điện ngầm được xây dựng tại thành phố Hồ Chí Minh được xem là công trình quan trọng. Các chuyên gia Nhật Bản tham gia dự án này với một tinh thần phối hợp thực hiện với sự cẩn trọng cao nhất nhằm tránh gây ảnh hưởng đến các công trình văn hoá, lịch sử của thành phố. Dự án thúc đẩy phát triển tàu điện ngầm ở khu vực sát hồ Hoàn Kiếm có sự tương đồng với Tokyo, Nhật Bản cách đây 100 năm.

Đại sứ Yamada Takio khẳng định: Trước khi bắt đầu xây dựng, chúng tôi luôn tham vấn, đối thoại để tìm giải pháp bảo tồn tốt nhất di sản và văn hoá người dân địa phương, truyền thông tới người dân bởi sự ủng hộ của người dân chính là điểm then chốt. Việc xây dựng "Thành phố sáng tạo về thiết kế" cần phải chú trọng việc bảo tồn văn hóa, lịch sử.

Đại sứ Hà Lan – bà Elsbeth akkerman cho rằng, Hà Nội cần phải xây dựng mô hình hợp tác liên quan đến tính bền vững. Là nước nhỏ, mật độ dân số đông, việc thiết kế được Hà Lan xác định lấy trung tâm cốt lõi. Tương tự Hà Nội cũng như vậy, để đảm bảo khả năng chống chiụ, hướng đến sáng taọ thì cần có thiết kế kiến trúc đa chức năng, thông minh, công nghệ xanh, hiện đại, giao thông vận tải cũng phải thông minh.

Bàn về mô hình hợp tác 3 bên trong phát triển đô thị Nhà nước - Doanh nghiệp - Cộng đồng, bà Elsbeth Akkerman cho rằng, để bảo đảm khả năng phát triển, Hà Nội và Hà Lan phải có thiết kế sáng tạo và thông minh. “Hà Lan đưa ra các giải pháp thương thảo, đàm phán, chung tay giữa các bên, hướng tới mục tiêu chung, lâu dài và mô hình tốt cho các bên. Nói cách khác, mô hình 3 bên phải đưa ra giải pháp ứng phó với vấn đề đặt ra. Hà Lan mong muốn giới thiệu cách thức của Hà Lan với Hà Nội để tìm ra sự đồng thuận trong xây dựng, phát triển…” – Đại sứ Hà Lan đề xuất, đồng thời khẳng đinh: “Để sâu rộng hơn, các thành phố được UNESCO công nhận là "Thành phố sáng tạo về thiết kế" cần phải lập thành nhóm để hỗ trợ lẫn nhau”.

Bày tỏ trân trọng giá trị về mặt văn hóa, phong cảnh và con người Hà Nội, ông Denis Brunetti - Chủ tịch Ericsson tại Việt Nam - Lào - Campuchia - Myanmar cho rằng, một thành phố sáng tạo cần bao hàm cả những đặc tính tốt đẹp đó, đồng thời cần cả những yếu tố như an ninh, an toàn.

Cho rằng, trọng tâm của đổi mới sáng tạo là cơ sở hạ tầng tạo điều kiện thúc đẩy công nghệ số, ông Denis Brunetti nêu quan điểm, quá trình chuyển đổi số sẽ thúc đẩy để tạo ra năng lực, cơ sở hạ tầng phù hợp để thực hiện mục tiêu đưa Hà Nội trở thành thành phố sáng tạo. Các giải pháp về công nghệ giúp con người vượt qua ranh giới, giới hạn được mặc định.

Nhấn mạnh quan điểm, di sản chính là mấu chốt để tạo nên một thành phố sáng tạo và thiết kế, ông Atonio Alessandro, Đại sứ Italia cho biết, tại nước Ý có rất nhiều di sản và chúng tôi xem đây là tâm hồn Ý để đổi mới sáng tạo. Gắn liền với sáng tạo, di sản không phát triển tình cờ mà có nền tảng từ quá khứ, lịch sử. “Hà Nội có một nền tảng rất tốt từ quá khá, vấn đề là phải hài hòa giữa phát triển thành phố và bảo tồn di sản, mang lại lợi ích cho người dân. Là một quốc gia có kinh nghiệm trong vấn đề này, Ý sẵn sàng chia sẻ cho Việt Nam” – đại sứ Ý nói.

Sự ủng hộ, vào cuộc của người dân là khâu “then chốt”

Ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng, nhiệm vụ hiện nay là tìm ra phương thức để "Hà Nội - Thành phố Sáng tạo" do UNESCO công nhận có thể trở thành nền tảng hợp tác, hỗ trợ các mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong thập kỷ tới với tầm nhìn đến năm 2045. Đây chính là nền tảng cốt lõi của Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO; nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác phục vụ phát triển bền vững, bao gồm quan hệ đối tác giữa các Thành phố Sáng tạo và trong nội tại của thành phố đó.

 

Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft phát biểu tại tọa đàm. 


Theo ông Michael Croft, tọa đàm tham vấn về sáng kiến: Hà Nội - Thành phố sáng tạo chính là một minh chứng rõ ràng về phương thức mà Việt Nam có thể vận dụng hiệu quả danh hiệu UNESCO trao tặng, nhấn mạnh ý nghĩa thực sự phía sau danh hiệu. “Trong đơn đệ trình UNESCO, thành phố nhấn mạnh khát vọng vị thế thành phố sáng tạo về thiết kế, đồng thời, khẳng định di sản văn hóa trù phú của Hà Nội là sự kế thừa của gia tài sáng tạo và đổi mới, là mảnh đất màu mỡ để phục hưng văn hóa trong thời đại mới với sự dẫn dắt của thanh niên - những công dân tài năng và năng động của Hà Nội” - ông Michael Croft phát biểu.


Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft khẳng định Hà Nội đã giương cao ngọn đuốc của nền văn hóa hòa bình trong nhiều thập kỷ và giờ đây, với danh hiệu Thành phố Sáng tạo, mọi người tái khẳng định cam kết của mình đối với sự phát triển lấy con người làm trung tâm. Đó là con đường đảm bảo rằng sự phát triển của thành phố không chỉ được tính bằng các số liệu thống kê và lợi nhuận, mà còn bởi những đặc điểm tốt đẹp nhất của con người, lòng trắc ẩn và sự sáng tạo…

Hiến kế cho Hà Hội, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam kiến nghị, Hà Nội cần phải thành lập ngay một cơ quan chuyên trách về thực hiện kế hoạch hành động cho Thành phố sáng tạo và thiết kế. Nếu không có cơ quan chuyên trách thì giao cho bất kỳ một sở ngành nào sẽ không thể thực hiện được. Đồng thời, cần phải hình thành, củng cố các không gian đổi mới sáng tạo. Không gian này có vị trí quan trọng trong việc truyền tải những thông điệp đến người dân. Phải phát triển thương hiệu quốc tế cho các sự kiện do Hà Nội tổ chức ví dụ như: Liên hoan phim quốc tế ở Hà Nội, các sự kiện âm nhạc, ẩm thực…

Còn Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cho rằng, để đạt được các mục tiêu đề ra, điều quan trọng đầu tiên là phải có nhận thức đầy đủ của các cấp, các ngành và người dân Hà Nội về ý nghĩa của danh hiệu, tạo đồng thuận trong việc xây dựng và triển khai các kế hoạch cụ thể. “Thành phố sáng tạo” là một tầm nhìn, một chiến lược, vì vậy đây phải là một trong những nền tảng để Hà Nội xây dựng các kế hoạch, chiến lược phát triển khác.

Bên cạnh đó, việc đầu tư vào các nguồn nhân lực và vật lực phù hợp cho “Thành phố sáng tạo” là rất quan trọng, mặc dù đầu tư cho văn hóa luôn tốn kém và đòi hỏi nhiều thời gian. Ngoài ra, một trong những vấn đề đóng góp cho thành công trong việc phát huy danh hiệu “Thành phố sáng tạo” là sự tham gia của các cơ quan liên quan của thành phố Hà Nội, Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam cũng như của các chủ thể trong xã hội….

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, thực hiện cam kết với UNESCO, Hà Nội sẽ cụ thể hóa bằng các chương trình và kế hoạch hành động dài hạn về tầm nhìn và kết nối các chính sách của thành phố, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm nâng tầm cho lĩnh vực thiết kế sáng tạo, cũng như nâng cao nhận thức, gắn kết cộng đồng để từng bước hiện thực hóa các sáng kiến và xây dựng hình ảnh Hà Nội.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ khẳng định, Hà Nội vẫn còn nhiều việc cần làm để tiếp tục hiện thực hóa danh hiệu Thành phố sáng tạo. Trong đó, cần cân bằng giữa các lợi ích trước mắt và lâu dài, giữa các giá trị truyền thống và hiện đại; thiết kế một hệ sinh thái cho hoạt động đổi mới, sáng tạo; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, hệ thống chính sách kinh tế, tạo cơ chế điều hành như thành lập cơ quan điều phối, chủ trì của thành phố để phát huy sự sáng tạo phong phú của doanh nghiệp, người dân cho định hướng phát triển chung của Thủ đô; đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn, công khai, minh bạch ở tất cả các khâu trong quá trình phát triển nhanh và bền vững của Thủ đô, với người dân là trung tâm.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh, lãnh đạo thành phố sẽ tiếp thu một cách cầu thị, chắt lọc và biến các ý tưởng được đưa ra thành hiện thực, với sự chung tay góp sức không chỉ của chính quyền mà còn cả doanh nghiệp, khối tư nhân, người dân và các đối tác quốc tế…/.

Bài và ảnh: Trung Anh