Nhớ lại 1 năm trước, khi dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát tại Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác, toàn thành phố thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, khi mà “ai ở đâu, ở yên đó” thì những chuyến "Xe buýt siêu thị 0 đồng" của tổ chức Công đoàn Thủ đô lăn bánh trên khắp các nẻo đường để hỗ trợ đoàn viên, người lao động trong những khu cách ly, phong tỏa trên địa bàn thành phố.

Vượt lên nỗi lo lắng bởi dịch bệnh bủa vây, chị Nguyễn Thị Thủy, Chủ tịch LĐLĐ huyện Đan Phượng đã cùng với các cán bộ Công đoàn rà soát, lên danh sách đối tượng cần giúp đỡ, nhất là đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, tính toán để có được những "Túi an sinh Công đoàn" gồm những nhu yếu phẩm thiết yếu rồi chính người "thủ lĩnh" Công đoàn nhỏ bé ấy lại trực tiếp theo những chuyến "Xe buýt siêu thị 0 đồng" kịp thời chuyển từng "Túi An sinh Công đoàn" đến khu vực tập kết, trao tận tay, động viên người lao động.

Chủ tịch LĐLĐ huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Thủy (ngoài cùng bên trái) trao "Túi An sinh Công đoàn" cho đoàn viên, người lao động.

 

Gặp lại chị Nguyễn Thị Thủy khi chị là một trong 10 cán bộ Công đoàn tiêu biểu nhận giải thưởng Nguyễn Văn Linh lần thứ III - năm 2022 do Tổng LĐLĐ Việt Nam trao tặng đúng ngày kỷ niệm 93 năm thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7/2022), chị chia sẻ: "Ở thời điểm đó, nỗi sợ nhiễm COVID-19 là có nhưng át đi nỗi sợ, đó là trách nhiệm, tình cảm của người cán bộ Công đoàn đối với đoàn viên, người lao động của mình, nên tôi sẵn sàng gác lại những việc riêng tư để toàn tâm chăm lo cho đoàn viên, người lao động".

Không chỉ tổ chức 15 "chuyến xe siêu thị 0 đồng", trao hàng ngàn "Túi An sinh Công đoàn" cho đoàn viên, người lao động thuê trọ bị mắc kẹt trên địa bàn huyện có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, rau xanh cho 15 bếp ăn tại doanh nghiệp; hỗ trợ đoàn viên thuộc diện F0, F1 cách ly y tế; hỗ trợ đội ngũ tuyến đầu chống dịch các nhu yếu phẩm cần thiết..., chị Thủy cho biết, trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến đời sống, việc làm của người lao động và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, LĐLĐ huyện đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa để kịp thời chăm lo cho đoàn viên, người lao động và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch.

Đó là, LĐLĐ huyện đã kịp thời hướng dẫn các công đoàn cơ sở phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp triển khai thành lập 213 "Tổ An toàn COVID-19 trong doanh nghiệp"; hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng và thực hiện phương án sản xuất an toàn "3 tại chỗ" và "1 cung đường 2 điểm đến" trong thời điểm toàn thành phố thực hiện giãn cách xã hội; triển khai thực hiện hỗ trợ bữa ăn cho đoàn viên, người lao động tại doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ".

Cùng với hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động, LĐLĐ huyện đã chủ động đề xuất Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của huyện, trực tiếp phối hợp tổ tiêm vắc xin bố trí 3 điểm tiêm lưu động bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong thời gian giãn cách xã hội, ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân lao động tạo miễn dịch cộng đồng, để bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Nhờ đó, 100% đoàn viên Công đoàn và gần 10.000 người lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, người lao động trong các làng nghề được bố trí tiêm đủ 2 liều vaccine và liều nhắc lại ngay đợt đầu triển khai. Công nhân lao động và chủ sử dụng lao động phấn khởi; qua đó, tạo điều kiện để doanh nghiệp duy trì sản xuất, ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động.

"Thông qua các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động và hỗ trợ doanh nghiệp ở thời điểm dịch COVID-19 bùng phát đã càng tô thắm thêm màu áo xanh Công đoàn, hình ảnh người cán bộ Công đoàn và vai trò, vị trí của tổ chức Công đoàn được người lao động, doanh nghiệp và xã hội nghi nhận", Chủ tịch LĐLĐ huyện Đan Phượng bày tỏ.

Ngoài chăm lo đời sống vật chất, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch LĐLĐ huyện, các hoạt động chăm lo đời sống tinh thần, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động cũng được Công đoàn huyện triển khai sâu rộng, thu hút sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo đoàn viên, người lao động và sự ủng hộ của các cấp chính quyền, doanh nghiệp.

Làm sao để phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn cũng là điều mà nữ thủ lĩnh luôn trăn trở. Từ đó, chị đã có sáng kiến "Đổi mới việc tuyên truyền phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức Công đoàn, nâng chất lượng hoạt động Công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn huyện" trong đó, mấu chốt là phải tạo được sức mạnh tổng hợp, đồng bộ, tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp của chính quyền, chuyên môn, các cấp, các ngành.

Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trao giải thưởng Nguyễn Văn Linh cho Chủ tịch LĐLĐ huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Thủy.

 

Chị đã trực tiếp tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy thành lập Ban Chỉ đạo phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn huyện; thành lập đội ngũ cộng tác viên gồm những người có chức vụ, uy tín tại các xã, thị trấn và cán bộ Công đoàn tại các doanh nghiệp có đông công nhân lao động để làm công tác tuyên truyền phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở.

LĐLĐ huyện đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Thuế, Bảo hiểm xã hội các cấp để cập nhật, nắm chắc tình hình công nhân lao động và số lượng doanh nghiệp chưa thành lập Công đoàn cơ sở để có kế hoạch vận động phát triển.

Nhờ vậy, năm 2021, LĐLĐ huyện thành lập được 9/7 Công đoàn cơ sở đạt 128,5% so với chỉ tiêu thành phố giao; kết nạp mới được 338/250 đạt 135,2% so với chỉ tiêu được giao. 5 tháng đầu năm 2022, LĐLĐ huyện kết nạp 265 đoàn viên mới đạt 75,7% chỉ tiêu được giao, thành lập 11 Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp đạt 84,6% chỉ tiêu được giao.

Không dừng lại ở đó, từ thực tiễn hoạt động, chị Thủy đã có sáng kiến "Nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn cơ sở trên địa bàn huyện Đan Phượng giai đoạn 2020-2025", góp phần đưa hoạt động của Công đoàn cơ sở đi vào thực chất hơn, làm cho đoàn viên, người lao động thấy rõ và đầy đủ vai trò, chức năng của tổ chức Công đoàn để gắn bó với tổ chức Công đoàn; cao hơn là cán bộ Công đoàn cơ sở say mê, nhiệt huyết hoạt động vì quyền, lợi ích của đoàn viên, người lao động.

Các sáng kiến của chị Thủy đã được UBND huyện Đan Phượng công nhận; được LĐLĐ thành phố Hà Nội đánh giá cao và được chia sẻ để LĐLĐ các quận, huyện học hỏi, áp dụng tại đơn vị.

Với những nỗ lực và kết quả nổi bật thời gian qua, Chủ tịch LĐLĐ huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Thủy nhiều năm liền được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng khen; Thành ủy Hà Nội tặng Bằng khen đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liên tục tiêu biểu; UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen và danh hiệu "Người tốt - việc tốt". Chị cũng được Ban Thường vụ Huyện ủy Đan Phượng đánh giá, xếp loại hoàn thành xuất sắc chức trách nhiệm vụ…

Giải thưởng Nguyễn Văn Linh được trao cho những cán bộ công đoàn tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong lao động, công tác và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị được giao, tích cực, sáng tạo và đổi mới trong phong trào công nhân, hoạt động công đoàn; có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín và ảnh hưởng sâu rộng, được đoàn viên và người lao động tin tưởng, tín nhiệm; có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, chủ động, sáng tạo, có nhiều sáng kiến, ý tưởng mới được ứng dụng hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn hoặc lập thành tích xuất sắc đột xuất có phạm vi ảnh hưởng và tác động sâu sắc tới phong trào công nhân, hoạt động Công đoàn..

 

Cẩm Linh