HN đang tiếp tục trồng mới 600.000 cây xanh trong 2 năm 2019, 2020 (Ảnh: vtv.vn)
Về đích sớm 2 năm Chỉ tiêu trồng mới 1 triệu cây xanh
Báo cáo tổng kết Chương trình 06-Ctr/TU về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hoá từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại”, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, giai đoạn 2015-2020 đã có 6/9 chỉ tiêu của Chương trình hoàn thành và cơ bản hoàn thành so với kế hoạch gồm: Chương trình trồng 1 triệu cây xanh; Hạ ngầm, sắp xếp các đường dây đi nổi; Tỷ lệ hộ dân đô thị được sử dụng nước sạch (đạt 100%); Tỷ lệ hộ dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch; Tỷ lệ rác thải được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn: khu vực đô thị đạt 100%, khu vực nông thôn đạt 90%; Tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý đạt 99%; Tỷ lệ chất thải y tế được xử lý (đạt 100%).
Đáng chú ý trong đó TP đã hoàn thành và về đích sớm 2 năm Chỉ tiêu trồng mới 1 triệu cây xanh. Hiện đang tiếp tục trồng thêm 600.000 cây trong 2 năm 2019, 2020 và thực hiện cắt tỉa hơn 90.000 lượt cây bóng mát tại các tuyến phố trên địa bàn TP, đồng thời triển khai trồng cây keo tạo không gian xanh, giúp cải thiện môi trường trên các trục đường quốc lộ, tỉnh lộ.
Chỉ tiêu cấp nước sạch nông thôn cũng hoàn thành vượt mức Đại hội đề ra. Đến nay, việc triển khai các dự án cấp nước theo hình thức xã hội hóa tại khu vực nông thôn đã đem lại những kết quả nhất định. Công suất cấp nước hiện nay đạt 1.520.000 m3/ngày đêm trong khi nhu cầu sử dụng nước cao nhất vào thời gian cao điểm nắng nóng mùa hè vào khoảng 1.250.000 đến 1.300.000 m3/ngày đêm. Tại khu vực đô thị, 100% đã có hệ thống cấp nước sạch, đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân dân. Trong các năm 2018-2019 đã có 04 dự án cấp nguồn hoàn thành, nâng tổng công suất nguồn cấp nước từ các nhà máy nước tập trung trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay đạt khoảng 1.520.000m3/ngày đêm. Để đảm bảo nguồn cấp nước cho nhu cầu phát triển đến năm 2020, UBND TP đã ban hành Chỉ thị số 04 trong đó yêu cầu các Nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành 05 dự án, nâng tổng nguồn nước sạch cấp cho hệ thống lên khoảng 1.700.000m3/ngày đêm.
Về phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, trong nhiệm kỳ, TP đã thu hút hiệu quả đầu tư xây dựng nhiều khu đô thị mới đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; nhiều dự án nhà ở được triển khai, đảm bảo kiến trúc cảnh quan theo hướng văn minh, hiện đại, cải thiện diện mạo đô thị. Chương trình phát triển nhà ở được thực hiện hiệu quả, diện tích nhà ở bình quân đạt 27,09 m2/người, vượt chỉ tiêu đề ra. Công tác ngầm hóa hệ thống cáp điện, thông tin liên lạc kết hợp trồng cây xanh, chỉnh trang hè phố được thực hiện đồng bộ. Nhờ đó, bộ mặt độ thị ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp và văn minh hơn; trật tự công cộng, văn minh đô thị có nhiều chuyển biến tích cực, hướng tới đáp ứng các tiêu chí đô thị văn minh hiện đại.
Ngoài ra, Ban chỉ đạo Chương trình cho biết, giai đoạn 2016 – 2020 TP đã xây dựng danh mục 55 dự án, công trình trọng điểm, trong đó 10 dự án đã hoàn thành, 02 dự án đã hoàn thành giai đoạn I; 09 dự án đã khởi công, đang thi công xây dựng; 34 dự án và 01 hạng mục đang chuẩn bị thực hiện và hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư. Theo kế hoạch đến năm 2020 Hà Nội cần hoàn thành 17 dự án, tuy nhiên do khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng và huy động các nguồn lực đầu tư nên thành phố phấn đấu đến hết năm 2020 hoàn thành 12 dự án và 5 dự án sẽ hoàn thành giai đoạn 2021 - 2022. Các dự án còn lại cũng đang trong quá trình phê duyệt, thẩm định hồ sơ và thu hút vốn đầu tư.
Hạ tầng giao thông được định hình góp phần giảm ùn tắc
Với sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của cả TP, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông đô thị trong những năm qua được chú trọng; TP đã thành lập và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các tổ công tác liên ngành giải quyết thủ tục đầu tư, khó khăn, vướng mắc liên quan đối với một số loại dự án trên địa bàn. Sau 5 năm, Hà Nội đã đạt được những mục tiêu cơ bản, quan trọng trong quy hoạch, đầu tư, xây dựng mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông vận tải cũng như phát triển hệ thống vận tải công cộng. Đến hết tháng 6/2020, diện tích đất dành cho giao thông đạt 9,89% đất đô thị; dự kiến đến hết năm 2020 đạt 10,03% (năm 2015 đạt 8,65%).
Kết quả đáng nói là TP đã hoàn thành nhiều dự án giao thông có ý nghĩa quan trọng, hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông khung của khu vực đô thị trung tâm, giải quyết bức xúc dân sinh, giảm ùn tắc giao thông, trong đó nổi bật là 5 tuyến đường giao thông liên vùng kết nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh lân cận, gồm cao tốc: Hà Nội - Hải Phòng, Hòa Lạc - Hòa Bình, Hà Nội - Bắc Giang, Pháp Vân - Cầu Giẽ giai đoạn 2, Cầu Văn Lang trên tuyến Ba Vì - Việt Trì; khởi công, đẩy nhanh tiến độ các công trình thuộc danh mục khung hạ tầng giao thông có tính chất cấp bách như: Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội; Vành đai 2 trên cao và dưới thấp, Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng; cải tạo QL 6; đường trục phát triển phía Nam tỉnh Hà Tây cũ; đường vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng - QL1A…
Nhiều dự án giao thông quan trọng được hoàn thành góp phần giải quyết bức xúc dân sinh,
giảm ùn tắc giao thông (Ảnh: Phạm Hùng/Báo Kinh tế đô thị)
6 dự án giao thông trọng điểm của TP cũng đã về đích gồm: Cầu vượt Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái; cầu vượt nút giao Cổ Linh; cải tạo nút giao đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch; cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên; Vành đai 3, đoạn Mai Dịch - Cầu Thăng Long; cầu vượt nút giao Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt. Một số dự án hạ tầng giao thông khung quan trọng như: Đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, huyện Thanh trì; đường Vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long; Nút giao đường Vành đai 3 với đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; đường Vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm; đường Tản Lĩnh - Yên Bài; đường gom vào khu công nghiệp Bắc Thường Tín; đường nối từ trường Đại học Mỏ - Địa chất vào khu công nghiệp Nam Thăng Long… cũng đang được chủ đầu tư, đơn vị thi công tập trung đẩy nhanh tiến độ để về đích trong năm nay.
Đáng chú ý, với việc triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý điều hành giao thông trên địa bàn như: thu phí đỗ xe tự động, lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông tại các nút giao thông phục vụ giám sát điều hành giao thông, xử phạt vi phạm qua hình ảnh; thí điểm ứng dụng thẻ vé trong hoạt động vận tải hành khách công cộng;… Hà nội đã xử lý được 10/33 điểm ùn tắc giao thông. Tai nạn giao thông hằng năm đều giảm ở cả 3 tiêu chí: số vụ tại nạn và số người chết, bị thương.
Mạng lưới giao thông vận tải khu vực nông thôn, ngoại thành cũng được TP đặc biệt quan tâm, đầu tư với 12 công trình thay thế cầu yếu vượt sông. Đặc biệt giai đoạn 2015 - 2020, Hà Nội có mạng lưới xe buýt gồm 127 tuyến bao phủ toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã (trong đó có 103 tuyến trợ giá; 09 tuyến không trợ giá; 13 tuyến kế cận và 02 tuyến city tour), tương ứng với 446/584 số xã, phường thị trấn đạt 76,4%. Hiện các đơn vị liên quan đang hoàn thiện thủ tục, chuẩn bị đủ các điều kiện để chuẩn bị khởi công trong năm 2020 và những năm tiếp theo: 14 công trình cầu yếu; các đoạn tuyến còn lại của đường Vành đai 2,5; cầu qua sông Cầu kết nối với Bắc Ninh; hầm chui đường Vành đai 2,5 với QL1A cũ;…
Hướng đến phát triển đô thị thông minh, bền vững
Kế thừa và phát huy hiệu quả những kết quả đạt được, trong giai đoạn 2020-2025 TP hướng đến mục tiêu tổng quát: Đổi mới căn bản và toàn diện công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch nhằm phát triển đô thị theo hướng thông minh, bền vững. Tập trung phát triển đồng bộ, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng độ thị, trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông khung và nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng. Hoàn thành cơ bản một số chỉ tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, môi trường. Đầu tư xây dựng, quản lý đô thị theo hướng thông minh đối với một số hệ thống hạ tầng thiết yếu. Sử dụng có hiệu quả nguồn lực về đất đai, cải thiện chất lượng môi trường. Đảm bảo trật tư và an toàn giao thông, tăng cường kỷ cương và trật tự văn minh đô thị.
Để thực hiện tốt mục tiêu đó, đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã yêu cầu tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch gắn với tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý đô thị. Thành phố phải lập quy hoạch phát triển giai đoạn 2021-2030 trên cơ sở tích hợp giữa quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch chuyên ngành liên quan; rà soát, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô phù hợp với định hướng phát triển của Hà Nội.
Các cấp, các ngành triển khai hiệu quả chương trình phát triển đô thị, chú trọng kết nối phát triển giữa đô thị và nông thôn; xây dựng các khu đô thị mới hiện đại, theo hướng đô thị xanh, thông minh, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và dịch vụ công; triển khai xây dựng đô thị thông minh trên trục Nhật Tân - Nội Bài; tập trung xây dựng đô thị vệ tinh tại Hòa Lạc, Sóc Sơn; tiếp tục đẩy mạnh các dự án phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở của người dân; thực hiện có hiệu quả các chủ trương về cải tạo, xây dựng mới các khu chung cư cũ xuống cấp, nguy hiểm, hết niên hạn sử dụng, tái thiết thành các khu đô thị văn minh, hiện đại…
Hiện TP đang tập trung chỉ đạo để hoàn thành 02 chỉ tiêu vào năm 2020 gồm: Tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng; Diện tích đất dành cho giao thông. Đối với chỉ tiêu Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn hoặc qui chuẩn quốc gia tương ứng: đến nay 100% các khu, cụm công nghiệp xây dựng mới đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung, tuy nhiên mới có 26/41 khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 63,4%, dự kiến hết năm 2020 đạt 90,2%, cần phải tập trung thực hiện quyết liệt để phấn đấu hoàn thành./.