Những điểm sáng trong phát triển kinh tế

Thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển thủ đô nhanh, bền vững giai đoạn 2016-2020”, Thành Ủy Hà Nội đã ban hành nhiều giải pháp cụ thể, chỉ đạo sát sao việc thực hiện các nội dung công việc, nhờ đó, sau 5 năm thực hiện, hầu hết các mục tiêu đề ra đều đạt và vượt.

Trong đó, nổi bật nhất là tổng sản phẩm (GRDP) ước tăng bình quân 7,39%/năm, đạt mục tiêu đề ra (từ 7,3% đến 7,8%), cao hơn giai đoạn 2011-2015 (bình quân 6,93%/năm). Năm 2020, quy mô GRDP ước đạt 1,06 triệu tỷ đồng, GRDP bình quân tính theo đầu người ước đạt 127,6 triệu đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2015, gấp 1,8 lần bình quân cả nước.


Sản xuất máy in tại Công ty Canon Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long 

Ảnh: tapchicongthuong.vn

Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đang đóng góp trên 16% tổng sản phẩm (GDP), 18,5% thu ngân sách và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu cả nước. Đặc biệt, năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp gần 46% trong tăng trưởng GRDP, cao hơn cả nước (44,3%). Năng suất lao động ước đạt 258,3 triệu đồng/lao động, gấp 1,65 lần bình quân cả nước; 5 năm 2016-2020 tăng 6,15%, vượt mục tiêu đề ra là 5,4-5,9%, cao hơn trung bình giai đoạn 2011-2015 (4,9%) và cả nước (5,8%).

Cùng với đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng hiện đại, phù hợp với định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp. Khu vực kinh tế ngoài nhà nước có đóng góp lớn nhất trong GRDP.

Thành phố đã huy động được nguồn vốn lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2016-2020 ước đạt 1.742,2 nghìn tỷ đồng, gấp 1,65 lần giai đoạn 2011-2015, bằng 39,2% GRDP, đạt mục tiêu Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ thành phố đề ra (1.700-1.750 nghìn tỷ đồng). Đáng chú ý, thu hút vốn ngoài ngân sách đạt trên 1.400 nghìn tỷ đồng, với 2.775 dự án; trong đó các lĩnh vực cấp nước, bãi đỗ xe, xử lý chất thải, nước thải, hạ tầng công nghệ thông tin… được đẩy mạnh xã hội hóa; cơ cấu đầu tư xã hội chuyển dịch rõ nét từ khu vực nhà nước (tỷ trọng giảm từ 43,44% năm 2015 xuống 33,88% năm 2020) sang khu vực ngoài nhà nước và đầu tư nước ngoài.

Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư

Hà Nội đã thực sự có bước chuyển biến mạnh mẽ trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Nhờ vậy, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 6/2020 đã có sự tăng đáng kể về số lượng và vốn đăng ký, đạt 112.165 đơn vị, gấp 3,8 lần giai đoạn 2011-2015. Hà Nội có 99.503 doanh nghiệp đăng ký thành lập, tăng 24% so với tổng số doanh nghiệp đăng ký, với số vốn đăng ký là 1,225 triệu tỷ đồng, với số vốn điều lệ đạt 1.403.066 tỷ đồng, tăng 118% so với tổng số vốn đăng ký giai đoạn trước.

Thu hút đầu tư cũng đạt được những kết quả đáng khích lệ. Thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020 dự kiến đạt 25 tỷ USD, cao gấp 3,9 lần giai đoạn 2011-2015. Riêng năm 2019, thành phố thu hút đầu tư nước đạt 8,67 tỷ USD, cao nhất sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập, và là năm thứ hai liên tiếp thành phố dẫn đầu cả nước; Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp khoảng 12,8% vốn đầu tư phát triển, 10,4% tổng thu ngân sách và góp phần chuyển giao công nghệ, tạo việc làm, đào tạo kỹ năng cho người lao động, tham gia vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu.


 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng kiểm tra sản xuất tại xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất.

Thành phố cũng chú trọng khuyến khích ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ. Với việc ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, đề án, khung chiến lược… cùng các cơ chế, chính sách thúc đẩy, đã cho ra đời đưa vào vận hành nhiều công trình ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) như Vườn ươm CNTT, Cổng thông tin hệ sinh thái khởi nghiệp, việc ứng dụng CNTT rộng khắp ở lĩnh vực thủ tục hành chính công, giáo dục, quan trắc môi trường, giao thông, bảo vệ… Toàn thành phố hiện có 9.700 doanh nghiệp CNTT với trên 160.000 lao động, doanh thu từ CNTT đạt khoảng 10 tỷ USD.

Thành phố cũng thực hiện nhiều giải pháp điều hành ngân sách chủ động, linh hoạt, tiết kiệm, hiệu quả, bám sát yêu cầu phát sinh thực tế.

Trong 4 năm 2016-2019, tổng thu ngân sách đạt trên 913.000 tỷ đồng,dự kiến giai đoạn 2016-2020 đạt gần 1.190 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 11,1%/năm. Chi ngân sách địa phương đạt 81.719 tỷ đồng, đạt 80,9% dự toán.

Hằng năm, thành phố Hà Nội đều xây dựng, ban hành kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu trên địa bàn. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu tăng khá, bình quân giai đoạn 2016-2020 ước tăng 9%/năm (giai đoạn 2011-2015 tăng 5,5%/năm). Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn đạt 16,74 tỷ USD, gấp 1,6 lần năm 2015.

Du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có mức tăng doanh thu bình quân 12,1%/năm và Hà Nội trong nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới; được Mastercard bình chọn xếp thứ 15 trong danh sách các điểm đến châu Á - Thái Bình Dương năm 2019. Từ đầu năm 2020, ngành Du lịch bị tác động mạnh bởi dịch COVID-19, song nhờ tăng trưởng mạnh những năm trước nên trung bình 5 năm, tỷ lệ khách du lịch đến Hà Nội vẫn ở mức cao, đạt trung bình 23 triệu khách/năm, trong đó khách quốc tế đạt trung bình 4,68 triệu khách/năm.

Ở lĩnh vực công nghiệp, thành phố đã có định hướng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đổi mới công nghệ, tìm kiếm thị trường… Do vậy, sản xuất công nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực và đạt mức tăng trưởng khá, dự kiến 5 năm 2016-2020 giá trị tăng thêm ngành Công nghiệp đạt bình quân 8,3%/năm; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng chủ yếu (khoảng 91%). Một số lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao có bước phát triển khá như: Điều khiển kỹ thuật số, tự động hóa, nano, plasma, laser, công nghệ sinh học. Hà Nội luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông (năm 2019 đạt gần 300 nghìn tỷ đồng), với 16.000 doanh nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn...

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển ứng dụng công nghệ cao, bền vững, thông minh được Hà Nội chú trọng. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân 2,54%/năm; giá trị sản xuất đạt 280 triệu đồng/ha, tăng 1,21 lần so với năm 2015. Cơ cấu nội ngành chuyển dịch tích cực theo hướng kinh tế hàng hóa, tạo việc làm và thu nhập tại chỗ cho nông dân. Đã có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chiếm trên 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.


Phát triển nông nghiệp theo hướng phát triển ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Đinh Phương


Bên cạnh đó, khu vực kinh tế tư nhân nổi lên, đóng góp nhiều nhất vào GRDP, tăng từ mức 37,5% năm 2015 lên hơn 40% của GRDP năm 2019.

Về xây dựng nông thôn mới, thành phố có 6 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 357/382 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và 11 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Dự kiến hết năm 2020, thành phố có 96,3% xã đạt chuẩn nông thôn mới và có thêm 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Nhờ đó, đời sống nông dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 51,5 triệu đồng năm 2019 và dự kiến đạt 55 triệu đồng năm 2020, tiêu biểu là các huyện Thạch Thất (63 triệu đồng/người/năm), Đông Anh (60 triệu đồng), Hoài Đức (55 triệu đồng), Đan Phượng (53,8 triệu đồng)… Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,81% xuống còn 0,5%. Đây là những kết quả đáng mừng, là động lực để Hà Nội tiếp tục bứt phá đi lên.

Sau 5 năm, các chỉ tiêu của Chương trình số 03-CTr/TU được triển khai tích cực, cơ bản đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, kết quả phát triển kinh tế Thủ đô thời gian qua thể hiện sự quyết tâm, bước đi phù hợp để hiện thực hóa mục tiêu tái cơ cấu kinh tế, tăng trưởng nhanh, bền vững, cũng như tiếp cận và tận dụng cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Căn cứ kết quả thực hiện 12 chỉ tiêu của Chương trình 03, Thành phố chủ trương tiếp tục thực hiện tốt nội dung công tác như tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, bảo vệ môi trường; hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; nâng cao chất lượng sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; chủ động, tích cực nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; tiếp tục phát huy hiệu quả các nguồn lực, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo kiện thuận lợi để Hà Nội tiếp tục phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn tiếp theo./.

Thương Huyền